Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thi khó hơn nhưng chưa chắc lái ô tô tốt hơn

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Từ giữa tháng 6 năm nay, kỳ thi sát hạch bằng lái xe ô tô sẽ có thêm nội dung thi mô phỏng trên video. Đáng tiếc là trong bộ đề mô phỏng này lại có khá nhiều tình huống không phù hợp với thực tế. Có thể nói, bộ đề mô phỏng này khiến việc thi khó hơn nhưng chưa hẳn đã giúp cho người thi đậu điều khiển xe tốt hơn.

Là người đã có thâm niên ôm tay lái gần 100.000 km và chưa bị cảnh sát giao thông phạt lần nào, người viết bài này đã thi thử và nhận thấy các tình huống mô phỏng không giúp ích nhiều cho việc lái xe thật. Trong thực tế mỗi tình huống còn kèm theo sự tác động của hàng chục yếu tố khác trên đường chớ không đơn giản như trong bài thi. Ngoài đời thật mỗi tình huống chỉ có vài giây để xử lý, do đó phản xạ của người lái xe luôn tuân theo nguyên tắc “càng sớm càng tốt” chớ không thể chờ “đúng thời điểm” như trong bộ đề này.

Nguyên tắc an toàn mà người lái xe sau một thời gian có được như một loại phản xạ có điều kiện là “bỏ chân ga qua chân thắng”. Điều này có nghĩa là bất cứ dấu hiệu bất ổn nào lọt vào tầm rà quét của mắt là chân người lái đã tự động rời chân ga đặt hờ qua chân thắng để khi cần là thắng kịp để bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, do bộ đề mô phỏng này đặt tiêu chí “đúng thời điểm” gần như tuyệt đối nên người lái xe nào cẩn thận “thắng” (bấm phím đánh dấu) sớm sẽ … ăn trứng vịt (0 điểm), chưa kể nguyên tắc này lại tiền hậu bất nhất. Có tình huống như trên cao tốc phải chờ xe chạy trước chuyển làn ra đến vạch giữa làn mới thắng (thắng sớm hơn sẽ bị 0 điểm) sẽ khiến người lái xe chủ quan trong tình huống thật ngoài đời. Ngược lại, cũng tình huống trên cao tốc nhưng xe trước vừa bật đèn báo rẽ là phải thắng, trễ hơn bị mất điểm.

Một số tình huống mô phỏng còn không phù hợp với thực tế, thậm chí nguy hiểm nếu áp dụng vào đời thật.

Với hai câu 64 và 104, người ra đề đã “đặt bẫy” bằng tình huống xe cho gắn máy lách trái qua làn xe ô tô nhưng nếu thí sinh “thắng” thì ăn 0 điểm vì tính huống “thắng” mà đề bài yêu cầu lại xảy ra sau đó. Đề bài này là hoàn toàn sai vì trong thực tế bất cứ khi nào xe máy trước đầu xe ô tô có biểu hiện lách ra là xe ô tô phải rà thắng đề phòng. Cách ra đề như vậy sẽ tạo chủ quan khi lái thật, rất nguy hiểm.

Câu 105 đưa tình huống xe chạy lấn luôn qua làn ngược chiều trong khi phía trước hoàn toàn trống, không hiểu người ra đề bắt thí sinh chạy sai luật để làm gì? Câu 106 đề thi cho người lái xe lách qua trái để vượt qua chướng ngại vật trong khi có xe ngược chiều đang chạy đến. Trong thực tế không ai lái xe nguy hiểm như vậy mà sẽ chờ xe ngược chiều chạy qua mới lách qua trái để né chướng ngại vật.

Nếu cơ quan chức năng cho rằng thi lý thuyết khó hơn thì người có bằng lái sẽ lái xe tốt hơn thì e rằng mục đích này chưa đạt được. Bộ đề mô phỏng tuy có vẻ khó nhưng để làm bài được thì chỉ cần dựa vào “mẹo” là vượt qua. Ngay cả việc bộ đề thi trắc nghiệm từ 450 câu tăng lên 600 câu cũng vậy, người thi có thể dùng mẹo để nhớ đáp án.

Các trường dạy lái xe cũng thường bày vẽ cho học viên mẹo làm bài thi lý thuyết và cả thi mô phỏng. Với việc dùng mẹo, thí sinh sẽ làm được bài nhờ sử dụng “bộ nhớ tạm” là trí nhớ ngắn hạn để đạt điểm đậu. Cái hại của việc làm bài bằng mẹo là thí sinh làm bài xong là quên, do đó khi ra đường lái thật họ dễ sai luật hay xử lý tình huống không đúng.

Muốn tăng cường độ khó của bài thi và giúp ích thật sự cho người học thì nên thêm phần “tự luận”. Chỉ cần cho người thi làm khoảng 30 câu lý thuyết kèm theo phần giải thích tại sao câu này đáp án là A, câu kia đáp án là B. Cách làm bài này bắt buộc nguời thi phải hiểu bài thật sự, điều này thật sự mang lại kiến thức luật giao thông cho họ. Cách ra đề này còn có thể ứng dụng cho những người vi phạm luật giao thông phải học lại lý thuyết, giúp họ bổ sung kiến thức cần thiết mà họ bị thiếu.

Tương tự cách thi lý thuyết kiểu “tự luận”, cách dạy thực hành cũng nên cải tiến để nâng cao kỹ năng lái đường trường. Trong đô thị cần dạy kỹ cách “canh đầu xe” bao gồm nhận biết vị trí bánh xe – đặc biệt là bên phải – và biết khoảng cách an toàn giữa đầu xe với đuôi xe phía trước.

Ngoài số giờ thực hành cần tăng thêm, những quy tắc nhỏ mang tính thực hành cao mà hiện đang áp dụng ở Mỹ nên đưa vô chương trình như “quy tắc 4 giây” khi canh khoảng cách an toàn với xe chạy trước trên đường trường, cách chuyển làn an toàn khi nhìn kiếng chiếu hậu trong xe thấy trọn đầu xe sau. Thậm chí ở Mỹ cho đến nay chương trình dạy lái xe vẫn có hướng dẫn cách ra dấu bằng tay nếu đèn xi-nhan hư khi cần rẽ trái/rẽ phải. Những quy tắc thực hành dễ hiểu, dễ áp dụng như vậy tiếc thay lại hoàn toàn vắng bóng trong các trường dạy lái xe ở Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới