Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường bất động sản năm 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo, rủi ro kinh tế quốc tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng trong năm 2023, tiềm ẩn các rủi ro nội tại: lạm phát, lãi suất và tỷ giá tăng; tín dụng đối với thị trường bất động sản và đầu tư nước ngoài giảm; giải ngân vốn đầu tư công thấp...

Phân tích rủi ro từ thị trường bất động sản để có những giải pháp hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng thị trường này trong năm 2023. Ảnh minh họa: T. Kiên

Thị trường bất động sản năm 2022 rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân.

Bên cạnh đó, các vướng mắc pháp lý, cơ cấu vốn của thị trường bất động sản thiếu linh hoạt có thể tiếp tục kéo thị trường trượt vào suy thoái trong năm 2023 với nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Chinhphu.vn dẫn lời chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2023, rủi ro kinh tế quốc tế tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, tiềm ẩn các rủi ro gây lạm phát, lãi suất và tỷ giá tăng cao; tín dụng đối với thị trường bất động sản và đầu tư nước ngoài giảm; giải ngân vốn đầu tư công thấp...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), trả lời TTXVN, nếu không có chính sách nào đặc biệt, thị trường bất động sản năm 2023 sẽ phải điều chỉnh theo hướng thu hẹp, thực chất hơn trong bối cảnh các nguồn tiền không đột biến, do nhiều khoản tài chính đã bị rút khỏi thị trường, do các doanh nghiệp rơi vào khó khăn, một số bị phong tỏa tài sản trong thời gian qua liên quan đến trái phiếu, tín dụng, khiến dòng vốn đầu tư cho bất động sản có thể bị sụt giảm mạnh.

Nếu kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, xung đột lợi ích các nhóm nước lớn vẫn diễn ra gây đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát toàn cầu, kinh tế vĩ mô có thể diễn biến đi ngang khiến thị trường bất động sản đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Khi ấy, thị trường sẽ trầm lắm, thậm chí rơi vào suy thoái nếu các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cuối năm 2023 mới có hiệu lực.

Góc nhìn tích cực hơn khi các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các bộ luật nếu được thông qua tại kỳ họp bất thường Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện ngay trong quí 1-2023, sẽ xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi, vốn nước ngoài tiếp cận kênh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và có thể hỗ trợ thị trường khởi sắc trở lại.

Theo TTXVN, nhận rõ những rủi ro của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2023, ngày 10-12, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỉ đồng, cộng với 200.000 tỉ đồng của room tín dụng 14% còn lại, nâng tổng nguồn vốn tín dụng khoảng 440.000 tỉ đồng "bơm" vào nền kinh tế ngay trong tháng 12-2022.

Cùng đó trong tuần qua là hàng loạt chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở nhằm khắc phục ngay những vướng mắc, khó khăn tồn tại, bảo đảm phù hợp với luật hiện hành, trong thời gian chờ các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số văn bản luật liên quan được ban hành và có hiệu lực… Có thể coi đây là điểm nhấn để bất động sản năm 2023 vượt qua khó khăn và dần ổn định.

Việc Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây, theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, không phải là sự "giải cứu" thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản, mà thông qua cơ chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện hỗ trợ thị trường tự điều chỉnh, tự điều tiết và chính cộng đồng doanh nghiệp bất động sản phải chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất.

Đi đôi với đó, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới