(KTSG Online)- Nửa tháng tính từ ngày bắt đầu niên vụ cà phê mới 2021-2022, thị trường cà phê trong nước vẫn còn như dò dẫm để bắt nhịp với các hoạt động giao thương.
Cà phê vụ mới chưa thu hái được mấy với nhiều lý do. Đóng cửa ngày 15-10 giá cà phê robusta London vẫn mất 40 đô la Mỹ/tấn so với ngày đầu niên vụ mới, chốt tại 2.121 đô la/tấn. Hàng ra rất chậm nhưng đến giữa tháng vẫn không giữ được giá cà phê trong nước. Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể ngày 16-10 xuống dưới 41 triệu đồng/tấn, mất chừng 1 triệu đồng so với đầu vụ.
Giá rạp xuống vì mưa
Cơn bão số 8 đem mưa về trên các vùng cà phê ở Tây Nguyên làm thị trường hy vọng sản lượng cà phê đang vào kỳ thu hái tại Việt Nam chỉ từ tốt trở lên. Tuy nhiên, giá hai sàn cà phê thực sự đổ rạp khi thị trường nhận được tin bang trồng cà phê arabica trọng điểm của Brazil là Minas Gerais nhận được lượng mưa rất tốt, lên đến 79 mm, tức 393%, cao hơn mức bình quân cùng kỳ nhiều năm.
Đợt mưa ấy tại Brazil được cho là “mưa vàng” vì sau nhiều tháng hanh khô, đất thiếu ẩm, cây cà phê tại đó đã được dịp bung hoa đại trà, xóa nhiều nghi ngờ của giới kinh doanh đối với sản lượng cà phê Brazil sau lần rét đậm rét hại xảy ra trong tháng 7-2021. Đấy là đợt ra hoa chính cho vụ mùa cà phê 2022 của Brazil, vốn sẽ là năm được mùa theo chu kỳ “được/mất” sau mỗi năm.
Thật vậy, khi nhận được tin Brazil có mưa, giá arabica New York bỏ nhanh đỉnh 218 cts/lb để xuống 206 cts/lb, giảm 12 cts/lb hay tương đương với 265 đô la/tấn chỉ trong thời gian “một nốt nhạc”. Giá robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, cũng chạm 2.165 đô la nhưng quay đầu xuống nhanh trong phiên để cuối tuần đóng cửa tại 2.121 đô la/tấn.
Như vậy, dù nguồn cung chưa dồi dào, chuỗi cung ứng cà phê còn nhiều hạn chế, giá vẫn không chịu tăng thêm chút nữa.
Mùa cao điểm tiêu thụ cà phê đến gần
Trong những năm bình thường, đến thời điểm này, người mua thường săn hàng rất tích cực. Năm nào cũng vậy, từ tháng 10 trở đi, hàng cà phê giao đi tăng dần cho đến giữa tháng 12 vì thời tiết tại các nước Âu Mỹ rất lạnh cộng với các nhà chế biến cần nguyên liệu nhiều để sản xuất cho người dân các nơi làm quà biếu nhân dịp lễ tết, tính ra chỉ còn hơn hai tháng. Hiện nay, tại nhiều nơi, sức mua cho lễ Noel và Tết Tây đang tăng dần, trong đó món cà phê là không thể thiếu.
Tuy nhiên, thị trường hàng hóa đang đối mặt với đợt khủng hoảng tàu biển kéo dài, thiếu container rỗng và cước tàu tăng cao. Tại Anh, hàng hóa đang bị ùn ứ tại nhiều cảng và các cảng vụ phải điều tiết qua lại để tăng cường công tác dỡ hàng nhanh nhất.
Trong khi đó, tại Mỹ, hiện còn gần cả trăm tàu đang chờ lịch bốc dỡ tại cảng Longbeach, California đến nỗi Tổng thống Mỹ Joe Biden phải lên tiếng yêu cầu công nhân cảng này làm việc ngày đêm để giải phóng hàng, phục vụ thị trường cuối năm và nhất là giải quyết phần nào cuộc khủng hoảng tài biển kéo dài từ đầu năm 2021 đến nay.
Các nhà phân tích thị trường hàng hải ước tính phải có đến 1,6 triệu đơn vị tương đương containers đang cần được bốc dỡ, giải phóng, từ đó các nhà xuất nhập khẩu mới có containers rỗng để chuyển lượng hàng hóa tiếp theo. Tuy vậy, lãnh đạo một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới cho rằng tình trạng thiếu container và cước cao ít ra phải kéo dài đến giữa năm 2022, dù có một số hãng tàu chấp nhận không tăng cước đến đầu quí 1-2022.
Cà phê Việt Nam liệu có lỡ nhịp?
Thật ra nhiều doanh nghiệp thu mua và kinh doanh cà phê tại Việt Nam đang sốt ruột vì rất lo cho vụ mùa cà phê Việt Nam năm nay lỡ nhịp với thị trường.
Cà phê Brazil 2021 đã thu hái xong và đã bán được giá cao nhờ có tin sương giá tại Brazil (tháng 7-2021) và đợt phong tỏa gắt gao tại Việt Nam kéo dài gần 4 tháng.
Cứ tưởng phong tỏa được dỡ bỏ sẽ giúp cho tiến độ vụ mùa Việt Nam năm nay đúng hẹn với thị trường. Tuy nhiên, kỳ vọng ấy đến nay vẫn khó trở thành hiện thực khi tỷ lệ tiêm chủng tại các tỉnh sản xuất cà phê trọng điểm tại Tây Nguyên vẫn còn rất thấp. Theo bản tin của Bộ Y tế, tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 chưa đến 15% (15-10-2021). Chính vì vậy, các chủ trương hạn chế du khách và người đến làm ăn nếu có là điều dễ hiểu.
Vấn đề đáng lo nhất là lực lượng lao động thu hái hàng năm vốn đã thiếu, thì sắp tới càng thiếu do các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các vùng sản xuất cà phê càng gắt gao vì thiếu vaccine, sẽ ngăn cấm người làm công thu hái.
Nếu không kịp thời giải quyết lượng vaccine ưu tiên cho vùng sản xuất cà phê, vụ mùa năm nay thu hái trễ là cái chắc. Do hái không kịp, một lượng cà phê sẽ chín quá độ, khô rụng, mất giá trị kinh doanh.
Nhưng điều đáng lo hơn là hàng cà phê năm nay khi ra thị trường có thể trật nhịp vì không bán được ở thời gian cao điểm tiêu thụ, đồng thời gặp phải lúc hàng cà phê robusta Brazil ùa ra, đạp giá xuống, cộng với thời gian khủng hoảng tàu biển ít nhiều đã được giải quyết ổn thỏa.