Thứ hai, 18/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thị trường carbon lúa phát thải thấp: chờ hoàn thiện thể chế

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG Online) - Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong giai đoạn sản xuất thí điểm. Kết quả từ giai đoạn này sẽ là cơ sở để các địa phương trong vùng mở rộng quy mô sản xuất thời gian tới.

Vậy, việc chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới có ý nghĩa gì đối với ngành lúa gạo, kết quả thí điểm bước đầu ra sao, thị trường tín chỉ carbon lúa phát thải thấp khi nào hình thành? KTSG Online đã trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những nội dung này.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt. Ảnh: Trung Chánh

Xoá bấp bênh cho lúa gạo Việt

KTSG Online: Việc triển khai sản xuất thí điểm đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp có ý nghĩa ra sao đối với ngành lúa gạo Việt Nam, thưa ông?

Ông Lê Thanh Tùng: Trong nhiều năm qua, ngành lúa gạo đã có những bước phát triển rất tốt. Trong đó, ngành đã hình thành được chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, từ lúc xuống giống đến thu hoạch, thậm chí doanh nghiệp đã xâm nhập sâu vào các thị trường quan trọng của quốc tế, giúp hạt gạo Việt có thương hệu và tăng cao về mặt chất lượng.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì ngành còn phát triền rời rạc, thiếu sự ổn định, thiếu hỗ trợ, đồng thuận của các bên tham gia để gia tăng giá trị cao hơn nữa cho hạt gạo. Chẳng hạn, cả nước xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn nhưng lượng gạo có liên kết, nâng cao giá trị là rất ít, chỉ khoảng vài trăm nghìn tấn.

Vì vậy, cần phải sắp xếp lại việc sản xuất lúa gạo trên phạm vi rộng, bao gồm các yếu tố kỹ thuật, con người, cơ chế chính sách, nhận thức của các bên để giải quyết vấn đề trên.

Thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp ở Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh

Tại sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại chọn Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Kiên Giang để triển khai 5 mô hình thí điểm?

Chúng tôi khảo sát 10.000 hộ nông dân và trên 500 hợp tác xã ở ĐBSCL, kết hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên một số nơi trong vùng và tiêu chí đặt ra là các mô hình phải nằm ở các vùng sinh thái khác nhau nhằm đánh giá toàn diện những tác động có liên quan đến quy trình và cách thức canh tác khác nhau.

Ví dụ, chọn Kiên Giang vì đây là vùng Tây sông Hậu với điều kiện vừa phèn vừa mặn, chọn Đồng Tháp vì là vùng ngập lũ, Cần Thơ vì là vùng phù sa ngọt, Sóc Trăng và Trà Vinh là vùng ven biển. Tập quán canh tác, điều kiện đất đai và chi phí sản xuất ở mỗi tỉnh mỗi khác.

Một yếu tố nữa, đó là hợp tác xã ở những nơi chọn, có đơn vị mạnh, đơn vị chưa mạnh, tức việc chọn lựa có tính đại diện cho từng vùng sinh thái, tập quán canh tác và đại diện cho một mối liên kết để triển khai mô hình điểm.

Vậy điều này có ý nghĩa ra sao trong việc đưa ra một quy trình chuẩn để áp dụng cho toàn vùng?

Hiện nay, Cục trồng trọt đã ban hành quy trình canh tác lúa giảm phát thải, giảm chi phí và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng quy định của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, quy trình này cần đưa vào thực tiễn sản xuất ở các vùng sinh thái khác nhau để xác định có cần chỉnh sửa hay không nhằm phù hợp với thực tiễn, có hiệu quả thực sự mà vẫn phải đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao, phát thải thấp và tăng trưởng xanh.

Mô hình sẽ triển khai trong 3 vụ liên tiếp vì mỗi vụ sản xuất có điều kiện tự nhiên khác nhau, có thể nhiều mưa, xâm nhập mặn hoặc số giờ nắng ít đi… để điều chỉnh quy trình canh tác cho phù hợp. Từ đó, sẽ rút ra các yếu tố then chốt, mang tính đặc thù cho cả vùng để phổ biến.

Phát thải giảm, hiệu quả tăng

Mô hình đầu tiên trong 5 mô hình thí điểm đã thu hoạch, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả kinh tế cũng như giảm phát thải và nâng cao chất lượng sản phẩm?

Với mô hình ở thành phố Cần Thơ, các chỉ tiêu thu hoạch cho thấy, việc áp dụng quy trình sản xuất giúp tiết giảm chi phí khoảng 900.000 -1,9 triệu đồng/héc ta do giảm lượng giống và phân vô cơ.

Ngoài ra, ruộng sạ với mật độ thấp (70 kg giống/héc ta) còn giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm dịch hại, cho nên, chi phí phòng trừ dịch hại cũng ít hơn so với phương thức canh tác truyền thống.

Quy trình sản xuất mới lại giúp ruộng lúa có năng suất cao hơn bên ngoài, tức đạt khoảng 6,3-6,4 tấn/héc so với mức khoảng 5,9 tấn/héc ta. Năng suất lúa tăng vì sạ thưa nên số lượng hạt trên bông nhiều hơn so với nơi sạ dày, dù có nhiều bông nhưng số lượng hạt chắc ít.

Về phát thải, mô hình thí điểm có lượng phát thải quy ra khí carbon giảm từ 2-6 tấn/héc ta so với cách tác truyền thống bên ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp tham gia đã quyết định mua lúa giá cao hơn bên ngoài 200 đồng/kg không phải vì giảm phát thải mà vì tỷ lệ thu hồi gạo cao hơn, sản phẩm an toàn.

Về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hợp tác xã có thể sử dụng rơm rạ để trồng nấm, sau đó sử dụng rơm mục bón cho cây trồng hoặc trực tiếp chế biến thành phân bón cũng rất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chờ thể chế để thương mại hoá carbon

Một trong những mục tiêu của đề án là thương mại hoá tín chỉ carbon từ lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Việc này hiện triển khai ra sao, thưa ông?

Có nhiều nông dân, cơ quan chuyên môn cũng như doanh nghiệp quan tâm đến tín chỉ carbon trong sản xuất lúa gạo nhưng chúng ta đang trong quá trình xây dựng các thể chế về tín chỉ carbon. Trong đó, có xác định thương mại tín chỉ carbon, quản lý tín chỉ carbon cũng như thống nhất MRV (công cụ đo, báo cáo phát thải khí nhà kính).

Một vấn đề nữa, đó là khi bán tín chỉ carbon thì số tiền thu được sẽ được phân phối lại cho các bên liên quan như thế nào cho phù hợp. Theo tôi, cần phải có sự đồng thuận giữa Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam trong việc thương mại hóa tín chỉ carbon, tức phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam và quốc tế thì mới làm tốt được việc này.

Vậy nghị định để hiện thực hoá thị trường tín chỉ carbon khi nào có, thưa ông?

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố kế hoạch MRV và đã hiệp thương với các bộ, ngành để chuẩn bị trình Chính phủ về thể chế cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về tín carbon trong sản xuất lúa gạo.

Tuy nhiên, do còn liên quan nhiều đến luật pháp của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế cho nên sớm thì cũng phải cuối năm hoặc sang năm mới có thể hoàn chỉnh được.

Trong quá trình xây dựng, triển khai thí điểm cũng như chuẩn bị để mở rộng trong thời gian tới, đề án có khó khăn gì không, thưa ông?

Như chúng tôi đã đề cập, vướng mắc hiện nay là về thể chế cho tín chỉ carbon. Truyền thông đối với đề án là “chất lượng cao, phát thải thấp và tăng trưởng xanh” nhưng vì quan tâm quá nhiều đến “phát thải thấp” nên áp lực về tín chỉ carbon đang đè nặng lên các mô hình và kế hoạch triển khai của các địa phương.

Muốn bán tín chỉ carbon mà thể chế về tín chỉ carbon chưa đầy đủ thì việc thực hiện rất khó khăn. Vì vậy, với dự án này nếu nghiêng về việc "chất lượng cao, tăng trưởng xanh” thì những bước đi sẽ chắc chắn hơn.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới