Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán ‘ngóng’ dòng tiền trở lại

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dòng tiền chứng khoán đang suy giảm mạnh sau nhiều lần cố vượt mốc 1.300 điểm nhưng không thành công. Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng những thông tin tích cực hơn sẽ kích hoạt dòng tiền sớm quay trở lại sau thời gian đứng ngoài “quan sát”.

Chứng khoán tháng 9 – tích lũy chờ bứt phá?

Tín hiệu tích cực cho lãi suất – kỳ vọng gì trong giai đoạn tới?

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán ảm đạm trong 3 tuần gần đây. Ảnh: Hoàng Thắng

Dòng tiền ảm đạm đứng “quan sát”

Dòng tiền cạn dần đang là nỗi lo của các bên tham gia thị trường sau khi chỉ số VN-Index có tuần diễn biến tiêu cực, trong bối cảnh cả nước hướng về những diễn biến lũ lụt sau cơn bão Yagi ở miền Bắc.

Nhìn ở góc độ tâm lý, thị trường ở trạng thái cạn kiệt thanh khoản sau một giai đoạn dài vì có nhiều sự kiện diễn ra. Sau kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh kéo dài, thị trường chứng kiến chứng khoán thế giới giảm sâu vì những lo ngại suy thoái ở Mỹ lẫn Trung Quốc. Đến tuần thứ hai của tháng 9, dưới ảnh hưởng sâu rộng của cơn bão Yagi, các nhà đầu tư càng có lý do để đứng ngoài quan sát.

Chứng khoán đã có tuần giảm thứ ba liên tiếp, đi ngược chiều với thị trường thế giới. Chỉ số VN-Index giảm 22,25 điểm, tương ứng giảm 1,75% tính theo tuần. Trong đó, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho đến nhỏ đều giảm sâu.

Vấn đề là thanh khoản cũng giảm sâu theo. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần qua chỉ còn 13.766 tỉ đồng, giảm 21,3% so với tuần trước đó. Còn tính chung 2 tuần đầu tháng 9, thanh khoản ở mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Trên sàn HOSE, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt hơn 10.700 tỉ đồng, giảm 20% tính theo tuần. Đáng chú ý có 2 ngày giao dịch hồi giữa tháng 9, giá trị khớp lệnh chỉ hơn 9.000 tỉ đồng, là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2023.

Thanh khoản giao dịch trên sàn HOSE tính theo tuần đang tiếp tục xu hướng giảm kể từ giữa năm. Nguồn: MBS.

Xét theo khía cạnh dòng tiền ở từng nhóm nhà đầu tư, khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.132 tỉ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, cũng góp phần ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Đi cùng đó sự đảo chiều bán ròng của nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước, kết thúc chuỗi mua ròng 7 tuần liên tiếp trước đó. Điểm sáng trong tuần qua là tâm lý giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã phần nào ổn định hơn.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VPBankS, đánh giá thị trường vẫn khá yếu trong 3 tuần gần đây, với diễn biến dòng tiền thận trọng, trong bối cảnh chỉ số VN-Index cố gắng vượt vùng kháng cự 1.285-1.300 nhưng chưa được. “Thanh khoản giảm sâu là điểm trừ”, ông Sơn bình luận.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDirect, sự trầm lắng thị trường trong tuần qua phản ánh tâm lý thận trọng trước nhiều thông tin vĩ mô quan trọng, trong đó có cơn bão Yagi lớn nhất trong hàng chục năm qua đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam gây gián đoạn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp. Ngoài ra còn có các thông tin về lãi suất như kỳ họp bàn chuyện giảm lãi suất sắp tới của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và phản ứng của Ngân hàng Nhà nước trước động thái này.

Thiếu cổ phiếu dẫn dắt dòng tiền là một trong những lý do khiến dòng tiền đang cạn, theo ông Phan Thành Nghiệp, Giám đốc khách hàng cao cấp chi nhánh TPHCM, Công ty Chứng khoán DNSE. Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa được ưa chuộng đã không còn rẻ và không còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhóm cổ phiếu ngân hàng ảnh hưởng lớn đến thị trường, cũng đang "đi ngang" vì lo ngại khả năng phục hồi của lĩnh vực bất động sản cũng như áp lực nợ xấu.

Những kỳ vọng hồi phục mới

Trước cơn bão Yagi, hầu hết các bình luận về diễn biến phục hồi kinh tế tại Việt Nam đều tích cực, thậm chí nhiều tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, cơn bão Yagi vừa qua không chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý, xã hội mà còn có những tác động kinh tế trực tiếp. Ước tính của Bộ Kế hoạch đầu tư mới đây cho thấy thiệt hại các địa phương miền Bắc khoảng 40.000 tỉ đồng, khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó.

Thiệt hại kinh tế từ bão Yagi vẫn đang còn tính toán. Riêng với nhóm doanh nghiệp bảo hiểm, ước tính sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết con số thiệt hại khoảng lên đến 7.000 tỉ đồng. Hiện có không ít doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Dù vậy, các nhà phân tích chứng khoán đánh giá thị trường hiện vẫn có nhiều thông tin tích cực để chờ đợi.

Theo ông Hinh của VNDirect, các yếu tố thuận lợi để kỳ vọng là việc Fed hạ lãi suất, từ đó giảm áp lực tỷ giá của Việt Nam và giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và những tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường.

Vị này cũng cho rằng thị trường vẫn đang ở trong giai đoạn tích lũy cho sóng tăng cuối năm. Theo đó, các nhà đầu tư có thể ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực. “Kinh nghiệm quá khứ cho thấy đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy thị trường hình thành khi thanh khoản thị trường trầm lắng”, ông Hinh nói.

Nhìn chung, tâm lý dòng tiền đang băn khoăn giữa nhiều tin tức tốt và xấu đan xen nhau, từ cả thị trường quốc tế lẫn Việt Nam. Dù được nhiều nhà phân tích kỳ vọng dòng tiền trở lại, một số nhà phân tích cho rằng rủi ro giảm điểm vẫn hiện hữu.

Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, vấn đề là lực cầu vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, điều này trái ngược với phản ứng thường thấy tại các nhịp phục hồi khi thị trường tạo đáy. Trong khi đó, diễn biến trong ngắn hạn giữa các nhóm ngành phân hóa ngày càng rõ nét hơn. Điều này đồng nghĩa với khả năng chỉ số VN-Index có thể lùi về các mốc hỗ trợ thấp hơn.

Còn ông Sơn của VPBankS cho biết lịch sử cho thấy không ít lần Fed hạ lãi suất có tác động tiêu cực đến chứng khoán trong ngắn hạn, thậm chí thị trường sụt giảm mạnh. Lý do vì kỳ vọng giảm lãi suất đã phản ánh trước đó, thực tế các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh trong thời gian qua.

Khi lãi suất giảm dần, tác động được kỳ vọng là sự dịch chuyển của dòng vốn về các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, điều này sẽ phải tốn thêm thời gian. “Nhìn về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán có nhiều dư địa để tăng trưởng trong 2-3 năm tới nhưng cần thận trọng để tránh nhưng biến động trong ngắn hạn”, ông Sơn bình luận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới