(KTSG Online) - Gia tăng số lượng hàng hóa và chất lượng các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời mở rộng mạng lưới các nhà đầu tư tổ chức, sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam gia tăng sức mạnh nội tại. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút nhà đầu tư nhà đầu tư trong trung - dài hạn, đồng thời cũng tránh trường hợp thị trường nâng hạng rồi lại xuống.
- Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí nâng hạng
- Tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Thời gian từ nay tới mốc hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi ở mức thứ cấp vào năm 2025 không còn nhiều. Trong bối cảnh các cơ quan quản lý đã hoàn thiện 7/9 tiêu chí – theo yêu cầu của tổ chức xếp hạng FTSE Russells, thì việc cần làm là gia tăng số lượng và chất lượng hàng hoá trên thị trường, góp phần thu hút nhà đầu tư nhà đầu tư tham gia trong trung - dài hạn là yếu tố cần quan tâm. Điều này cũng giúp thị trường tránh rơi vào tình huống nâng hạng rồi xuống hạng.
Khi thực tế khác xa kỳ vọng
Theo thống kê của các cơ quan quản lý, TTCK Việt Nam đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế qua hoạt động phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm với giá trị đạt 3,8 triệu tỉ đồng trong giai đoạn 2014-2023. Con số này tương ứng với 380.000 tỉ đồng mỗi năm – cao hơn 4,35 lần so với giai đoạn trước. Trong đó, doanh nghiệp đã huy động được 1,15 triệu tỷ đồng, cao hơn 3,15 lần so với giai đoạn trước.
Giá trị giao dịch bình quân, gồm cổ phiếu và trái phiếu, tăng từ mức 11.700 tỉ đồng mỗi phiên vào năm 2016 lên khoảng gần 24.400 tỉ đồng mỗi phiên vào năm 2023. Riêng giao dịch cổ phiếu đã có nhiều phiên giao dịch vượt con số 1 tỉ đô la Mỹ.
Số lượng nhà đầu tư tăng từ mức 3.000 tài khoản vào năm 2000 lên hơn 7,29 triệu tài khoản vào năm 2023 - tương đương 7,5% dân số trong cùng năm.
Còn số lượng thành viên thành viên thị trường tăng từ 2 doanh nghiệp niêm yết và 6 công ty chứng khoán thành viên vào ngày đầu giao dịch là 28-7-2000 lên gần 2.300 doanh nghiệp niêm yết và 82 công ty chứng khoán hoạt động tính tới cuối năm 2023.
Nhưng so với một số thị trường chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan với quy mô vốn hóa 475 tỉ đô la, Indonesia với 700 tỉ đô la, Malaysia với 390 tỉ đô la thì mức hơn 200 tỉ đô la của thị trường Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Về thanh khoản, TTCK Việt Nam từng đạt thanh khoản trung bình mỗi phiên dao động trên dưới 1 tỉ đô la vào năm 2021. Nhưng sau giai đoạn biến động thì giảm xuống mức bình quân khoảng 600-700 triệu đô la mỗi phiên vào năm 2023.
Về quy mô doanh nghiệp niêm yết, số liệu được công bố trên trang thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết sàn HOSE chỉ có 43 doanh nghiệp sở hữu vốn hóa hơn 1 tỉ đô la tính tới hết tháng 2-2024, trong đó có hai doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ đô la là Vietcombank và BIDV. Tất cả đều là những cái tên quen thuộc, đã giao dịch trên sàn nhiều năm.
Còn thực tế cho thấy, trong 4 năm gần đây, thị trường không ghi nhận hoạt động IPO và đưa cổ phiếu lên sàn với quy mô “bom tấn” tương tự trường hợp của Petrolimex (PLX), VietJet Air (VJC), Vincom Retail (VRE) hay VPBank (VPB), Vinhomes (VHM) trước đó. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn cũng chưa thể thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn như Agribank, Vinacomin – TKV, MobiFone, SJC…
Việc vắng bóng các "bom tấn" IPO khiến TTCK Việt Nam thiếu "hàng mới" với chất lượng tốt. Điều này khiến nhà đầu tư tham gia thị trường những năm gần đây thiếu sự lựa chọn đầu tư những cổ phiếu lớn.
Kết quả, số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng, nhưng giao dịch chỉ tập trung vào một số mã chứng khoán quen thuộc.
Với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc phân tích cổ phiếu của SSI Research cho biết, nhà đầu tư ngoại có sự quan tâm rất lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng còn hạn chế về việc thiếu vắng hàng hoá chất lượng hay doanh nghiệp niêm yết mới. Trong khi các cổ phiếu đang niêm yết gặp vướng tại quy định trần sở hữu đối với khối ngoại.
“Dòng vốn tiềm năng có thể đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng, nhưng chỉ những cổ phiếu còn room ngoại, cổ phiếu tiềm năng mới có thể thu hút dòng vốn mới. Chúng tôi kỳ vọng có thể hấp dẫn thêm nhà đầu tư nước ngoài vì hiện tại nhà đầu tư trong nước đang chiếm tới 92% giá trị giao dịch toàn thị trường - tỷ lệ không nước nào cao bằng”, bà Trang nói tại tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc” ngày 5-3.
Bên cạnh yếu tố trên, Giám đốc phân tích của một Công ty chứng khoán có trụ sở tại TPHCM chỉ ra một vấn đề với TTCK Việt Nam là tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ quá lớn, khiến những diễn biến trên thị trường thể hiện rõ bản chất của thị trường cận biên có tính đầu cơ cao.
Cụ thể, việc thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong quá khứ, tức “khi tăng thì tăng phi mã, khi giảm thì giảm quá đà”, một phần đến từ yếu tố cơ cấu nhà đầu tư chưa hợp lý khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ quá lớn. Năm 2021, tỷ lệ giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm tới hơn 90% tổng thanh khoản của thị trường. Con số này có giảm về khoảng 80-85% trong năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao.
Tăng chất lượng hàng hoá để nâng hạng bền vững
Để giảm thiểu rủi ro, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường, các chuyên gia cho rằng một trong những yếu tố quan trọng là cần nâng thay đổi cơ cấu nhà đầu tư hợp lý hơn, đồng thời gia tăng số lượng hàng hóa và chất lượng các doanh nghiệp niêm yết.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, cần tăng tỷ trọng các nhà đầu tư tổ chức, đồng thời ưu tiên phát triển sản phẩm ETF để duy trì thanh khoản ổn định.
Kiến nghị của vị này được đưa ra trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển dòng tiền từ các quỹ truyền thống sang các quỹ ETF đã tăng cao trong năm 2022 và tiếp tục tăng cao trong giai đoạn sau đó.
“Việc phát triển sản phẩm ETF tại Việt Nam có thể được xem là tất yếu và cần thiết để duy trì thanh khoản và giảm rủi ro biến động từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ngoài ra, việc phát triển sản phẩm ETF cũng có thể cải thiện một phần yếu tố hỗ trợ nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi”, ông Minh phân tích.
Một giải pháp khác để hiện thực hoá mục tiêu nâng hạng thị trường, theo ông Minh, là nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, kinh nghiệm từ thị trường tương tự trong khu vực là Thái Lan cho thấy việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) có thể là giải pháp trước mắt để cải thiện yếu tố này.
Theo thống kê, giá trị giao dịch của NVDR chiếm tới 21% thanh khoản hàng ngày trên thị trường chứng khoán Thái Lan. Do đó, việc nhanh chóng cho các doanh nghiệp phát hành NVDR có thể là việc nên ưu tiên trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, niêm yết và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp TTCK có thêm các hàng hóa chất lượng và nhiều sự lựa chọn. Đặc biệt giảm sự ảnh hưởng từ nhóm ngân hàng và bất động sản.
Ông Johan Nyvene, Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM, cho rằng có ba vấn đề mà TTCK Việt Nam cần cải thiện để thu hút nhà đầu tư hơn.
Thứ nhất, mở rộng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty Việt Nam. Theo đó, ngoài các ngành nghề đặc thù có yếu tố an ninh - tài chính quốc gia hoặc an ninh công nghệ cao, khuôn khổ pháp lý của thị trường Việt Nam đã cho phép mở tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên đến 100% với các doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này đã trao quyền chủ động mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã nằm trong tay phần lớn các doanh nghiệp niêm yết.
Nhưng thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp niêm yết - cũng chính là hàng hóa trên “chợ” chứng khoán, lại không “mở”. Cụ thể, quy định tại Nghị định 60/2015 của Chính phủ cho phép giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa có thể lên đến 100% sau. Thậm chí, không ít doanh nghiệp “tận dụng” quy định cho phép đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) quyết định “room” ngoại để hạ “room” về tới 0%, thấp hơn mức trước đây.
Thứ hai, điều chỉnh hoặc gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, nhất là với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để gia tăng sức hấp dẫn của thị trường. Theo đó, sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các định chế tài chính trung gian trong việc quản lý, hỗ trợ, và điều tiết các tài khoản lưu ký, tài khoản đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời UBCKNN và các cơ quan chức năng quy định hóa, pháp lý hóa các phương án quản lý rủi ro đi kèm với sự giám sát chặt chẽ, sẽ giúp vượt qua rào cản này.
Thứ ba, tăng cường công bố thông tin bằng tiếng Anh từ các cơ quan chức năng, các công ty niêm yết, cũng như các thành viên thị trường là rất cần thiết.
“Đây là nhóm công việc có thể triển khai sớm, với điều kiện phải truyền thông tốt cho các doanh nghiệp niêm yết để họ hiểu lợi ích của việc công bố thông tin bằng tiếng Anh và chủ động cập nhật thông tin”, ông Johan Nyvene nói tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.
Để gia tăng tốc độ IPO, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc UBCKNN cho biết, cơ quan này đang phối hợp cùng các sở giao dịch để áp dụng đăng ký giao dịch, niêm yết theo trình tự rút ngắn thời gian, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán và thu hút thêm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
“Trong quá trình xem xét các hồ sơ chào bán IPO, chúng tôi nhận thấy các đơn vị tư vấn đôi khi chưa hiểu trùng khớp. Theo đó, trong tháng 3 này, chúng tôi dự kiến tổ chức hội nghị tại cả hai miền Nam - Bắc, mời các doanh nghiệp có nhu cầu IPO tới tham dự để tư vấn, chia sẻ và giúp doanh nghiệp thực hiện IPO hồ sơ chuẩn chỉ. 2024 - 2025 là năm để cùng chia sẻ, rút gọn quy trình niêm yết”, bà Linh cho biết.