Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài?

Lão Trịnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến áp lực bán ròng kéo dài từ nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị bán ròng khoảng 3 tỉ đô la Mỹ kể từ đầu năm 2024 đến nay. Liệu trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam có còn hấp dẫn?

Quy mô bán ròng ngày càng gia tăng

Tính tới ngày 15-11-2024, khối ngoại đã bán ròng hơn 83.700 tỉ đồng trên VN-Index (tương đương với khoảng 3 tỉ đô la Mỹ). Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Xu hướng bán ròng bắt đầu từ năm 2020, kéo dài đến cuối năm 2021, chỉ đảo chiều nhẹ vào cuối năm 2022 trước khi gia tăng mạnh trở lại trong giai đoạn 2023-2024.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên VN-Index đã giảm từ 19,18% đầu năm 2020 xuống còn 17,37% năm 2021 và tăng lên 18,28% năm 2022, sau đó tiếp tục giảm còn khoảng 16,8% vào giữa tháng 11-2024 (tương đương với khoảng 14 tỉ đô la Mỹ).

Tổng quan cho thấy, xu hướng mua/bán ròng của khối ngoại trong năm 2024 có sự phân hóa rõ rệt. Cụ thể, dòng vốn mua ròng tập trung vào các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu, trong khi xu hướng bán ròng chủ yếu diễn ra tại các thị trường đang phát triển và chịu ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị.

Tại khu vực Asian-5, ngoại trừ Indonesia và Malaysia ghi nhận mức mua ròng nhẹ lũy kế từ đầu năm, các thị trường còn lại như Việt Nam, Thái Lan và Philippines đều bị khối ngoại bán ròng. Đặc biệt, trong quí 4-2024, khối ngoại đã bán ròng trên tất cả các thị trường trong khu vực, với mức bán gia tăng đáng kể trong khoảng một tháng gần đây.

Nguyên nhân đà bán ròng của khối ngoại

Giai đoạn 2020-2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng do lo ngại về các rủi ro từ đứt gãy chuỗi cung ứng và sự suy yếu của các nền kinh tế đang phát triển sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, giá cổ phiếu hồi phục nhanh chóng nhờ các chính sách bơm tiền mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, tạo cơ hội cho hoạt động chốt lời diễn ra mạnh mẽ.

Dù xu hướng bán ròng vẫn tiếp diễn, nhưng Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực hứa hẹn thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại trong thời gian tới.

Năm 2022, mặc dù tiếp tục xu hướng bán ròng, khối ngoại bất ngờ chuyển sang mua ròng trong hai tháng cuối năm. Nguyên nhân chính là TTCK Việt Nam bị chiết khấu mạnh do tác động từ khủng hoảng trái phiếu và vụ án Vạn Thịnh Phát, khiến thị trường trở nên hấp dẫn đối với một số nhà đầu tư giá trị.

Giai đoạn 2023-2024, đà bán ròng quay trở lại và gia tăng mạnh mẽ. Trong năm 2023, khối ngoại đã bán ròng gần hết số tiền mua ròng từ cuối năm 2022, và 11 tháng đầu năm 2024 tiếp tục bán thêm hơn 80.000 tỉ đồng, đẩy mức bán ròng lên cao nhất trong lịch sử TTCK Việt Nam.

Một số nguyên nhân chính lý giải cho xu hướng bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại như sau:

Thứ nhất, hoạt động tái cấu trúc đầu tư toàn cầu do lo ngại về sự suy yếu của các quốc gia đang phát triển sau Covid-19, cùng với tác động từ xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng tại Trung Đông, đã khiến dòng tiền quốc tế chuyển hướng về các thị trường phát triển, nơi có sự ổn định kinh tế và chính trị cao hơn.

Thứ hai, sau giai đoạn nới lỏng mạnh, các quốc gia phát triển bước vào lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Điều này khiến dòng vốn toàn cầu ưu tiên các tài sản có thu nhập cố định với lợi suất cao và rủi ro thấp hơn tại các thị trường phát triển.

Thứ ba, biến động tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng. Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, sức hấp dẫn của đô la Mỹ tăng lên, khiến các dòng vốn ngoại có xu hướng rút khỏi Việt Nam để chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn. Áp lực này càng tăng khi Việt Nam duy trì lãi suất ở mức thấp, trong khi dự trữ ngoại hối mỏng, khiến cho tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng dễ bị tổn thương hơn. Ngoài ra, sự biến động của chỉ số DXY sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống gần đây, cùng lo ngại về lạm phát gia tăng, đã làm chậm kỳ vọng giảm lãi suất của Fed, khiến rủi ro tỷ giá tại Việt Nam càng lớn hơn.

Cuối cùng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, các thị trường chứng khoán được phân loại cao hơn (phát triển hoặc đang phát triển) được ưu tiên. Trong khi đó, Việt Nam, vẫn nằm trong danh sách thị trường cận biên, gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nhà đầu tư giải ngân dòng vốn lớn trong giai đoạn này.

Kỳ vọng sự đảo chiều vốn ngoại năm 2025

Mặc dù xu hướng bán ròng vẫn tiếp diễn, nhưng Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực hứa hẹn thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại trong thời gian tới.

Trước hết, trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn, Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định về kinh tế và chính trị. Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo đạt từ 6,5-7%, nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đây là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam giữ vị thế hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Thứ hai, Chính phủ đang triển khai các biện pháp cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng thị trường và hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi vào năm 2025. Điển hình là việc ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần ký quỹ 100% trước giao dịch và nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin. Bên cạnh đó, đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán đang được Quốc hội xem xét để giải quyết các rào cản còn tồn tại, từ đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nâng hạng thị trường vào tháng 9-2025.

Cuối cùng, một yếu tố khách quan quan trọng là xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu đang trở lại. Khi các quốc gia phát triển hạ lãi suất, dòng vốn đầu tư quốc tế thường chuyển dịch mạnh về các thị trường đang phát triển. Với nền chính trị ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm ưu tiên của dòng vốn này.

Những tín hiệu trên cho thấy khả năng đảo chiều của dòng vốn ngoại vào năm 2025, mang lại hy vọng cho sự khởi sắc của TTCK Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới