(KTSG Online) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dần sôi động nhờ các thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), niêm yết và chuyển nhượng giá trị lớn. Nhưng còn rất nhiều việc phải làm để thu hút các doanh nghiệp tiềm năng, qua đó bổ sung nguồn hàng hoá chất lượng cho thị trường.
- Áp dụng Sandbox IPO trong Trung tâm tài chính quốc tế: Giải pháp đổi mới có tính khả thi cao
- Nhà đầu tư ‘khát’ cổ phiếu trong khoảng lặng niêm yết mới
Nét trầm buồn giữa bối cảnh sôi động
Gần 6 tháng sau khi chính thức trở thành công ty đại chúng, cổ phiếu VPL của Vinpearl được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) thông báo chấp thuận niêm yết, với ngày giao dịch đầu tiên là 13-5. Thậm chí, mức tăng trưởng tốt của cổ phiếu VPL góp phần không nhỏ trong việc đưa chỉ số Vn-Index tiệm cận mức điểm từng đạt được trước thời điểm căng thẳng thương mại.
Việc Vinpearl lên sàn cũng gián tiếp giúp công ty mẹ là Vingroup hoàn thiện cấu trúc hệ sinh thái niêm yết trên TTCK, khi kết hợp cùng Vinhomes và Vincom Retail tạo thành nhóm cổ phiếu trụ, có sức ảnh hưởng lớn về quy mô mà và mức độ lan tỏa lên thị trường.

Tương tự, MCredit - công ty con do MB sở hữu 50% vốn điều lệ, cũng dự kiến chuyển đổi hình thức pháp lý thành công ty TNHH một thành viên/cổ phần. Theo Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái, ngân hàng đang tính toán việc IPO Mcredit để tạo không gian phát triển nhanh hơn, nhờ yếu đa dạng hoá về nguồn vốn và minh bạch hoá về hoạt động kinh doanh.
Còn Techcombank dự kiến thực hiện kế hoạch IPO TCBS trong năm 2025 và đang làm việc với 1-2 nhà đầu tư để xem xét khả năng bán cổ phần trước IPO. Việc IPO, ngoài giúp Techcombank ghi nhận khoản lợi nhuận tài chính một lần trên báo cáo tài chính ngân hàng mẹ và/hoặc tái định giá giá trị công ty con, còn được kỳ vọng sẽ giúp TCBS củng cố nền tảng vốn, hỗ trợ tăng trưởng độc lập về dài hạn.
Bên cạnh ba đơn vị trên, nhiều thương vụ thoái vốn tại các doanh nghiệp niêm yết lớn như FPT, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Xuất nhập khẩu Y tế Domesco… cũng dự kiến diễn ra trong năm 2025, theo kế hoạch của SCIC.
Từ góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc kinh doanh số, Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS), cho biết ngoài thương vụ IPO và niêm yết cổ phiếu Vinpearl, Sungroup cũng rục rịch công bố các báo cáo tài chính.
Do đó, vị này kỳ vọng Sungroup có thể lên sàn, giúp thị trường có thêm hàng hóa mới, thu hút nhà đầu tư quốc tế. “Các tập đoàn nhà nước có nhiều cơ hội để vay vốn cho những dự án lớn. Trong khi doanh nghiệp tư nhân phải có vốn đối ứng (vốn chủ sở hữu - PV) để có nhiều cơ hội để phát triển hơn, và có thể gia tăng nguồn vốn này qua kênh huy động vốn trên sàn”, ông Đức nói.
Kỳ vọng là vậy, song các chuyên gia và đại diện một số doanh nghiệp cũng thừa nhận một thực tế đáng buồn, là không có bất kỳ doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn nào IPO, niêm yết trên TTCK Việt Nam 10 năm qua, mà là các ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản, bán lẻ…
Đáng lưu ý, FPT là doanh nghiệp công nghệ duy nhất xuất hiện trong nhóm VN30, với tỷ trọng vốn hóa chiếm khoảng 5%. Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp công nghệ niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn cũng rất hạn chế, với chỉ 16/1.610 doanh nghiệp.
“FPT là ngôi sao sáng, nhưng không còn room ngoại nữa. Vì vậy nhà đầu tư nước ngoài muốn đổ tiền vào công ty công nghệ, chúng tôi cũng không có cái tên nào để đưa ra cho họ”, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SSI Asset Management (SSIAM) chia sẻ.
Cũng theo đại diện SSIAM, nếu định vị TTCK là một hàn thử biểu đúng của nền kinh tế, có nghĩa đóng góp của doanh nghiệp ICT vào tổng nền kinh tế khoảng 5-6%. Với mục tiêu nâng mức đóng góp của nhóm doanh nghiệp này lên 30% đến năm 2030, thì còn một khoảng cách rất xa.
Để thị trường có thêm “cú hích” mới
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp “kỳ lân” thường thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài để huy động vốn thuận lợi hơn. Điển hình là Tiki Global thành lập năm 2021 tại Singapore, rồi nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần Công ty cổ phần Ti Ki, đơn vị vận hành sàn thương mại điện tử Tiki tại Việt Nam.
Trước đó, một số đơn vị như Base, Cốc Cốc, Topica cũng đã có những động thái tương tự khi lập doanh nghiệp ở Singapore hoặc Hongkong, rồi đầu tư ngược lại vào pháp nhân trong nước.

Lý giải nguyên nhân, TS Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS), cho biết doanh nghiệp muốn IPO nhằm mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng điều kiện “hai năm liên tục liền trước năm IPO có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán”, theo quy định tại Luật Chứng khoán.
Đây là hàng rào kỹ thuật khó vượt qua với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, vì giai đoạn đầu tư ban đầu thường kèm theo thua lỗ tạm thời, do chi phí cao cho nghiên cứu và phát triển.
Thậm chí, các “kỳ lân” công nghệ càng khó vượt qua, vì số vốn cần huy động thường từ vài chục tới vài trăm triệu đô la Mỹ, cùng thời gian hoàn vốn lâu.
Trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 và Nghị quyết 57, với kỳ vọng sẽ đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển đột phá dựa trên đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và công nghệ hiện đại, ông Trần Văn cho rằng nếu không giải quyết được bài toán IPO cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ, fintech thì khó có thể phát triển nền kinh tế số.
Do đó, có thể xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng xây dựng một chương riêng về điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, “kỷ lân” công nghệ huy động vốn trên thị trường, không bao gồm quy định về lỗ lũy kế.
Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, bà Nguyễn Ngọc Anh cho biết có thể cân nhắc việc xây dựng một sàn giao dịch chuyên nghiệp cho doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp “kỳ lân”.
Thực tế, tại Mỹ, sàn Nasdaq được thiết kế cùng những điều kiện riêng, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp công nghệ. Điều này cho phép các doanh nghiệp công nghệ có thể niêm yết trên sàn và giúp các nhà đầu tư nhận biết, áp dụng đúng các tiêu chí định giá của doanh nghiệp công nghệ. Đây là nền tảng không nhỏ giúp các doanh nghiệp như Amazon có được vị thế phát triển về sau.
Tương tự, Ấn Độ áp dụng quy định linh hoạt cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trên Innovators Growth Platform (NSE) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên NSE Emerge.
Xu hướng này cũng được phản ánh tại Đông Nam Á, khi hàng loạt quốc gia đã chủ động thành lập các sàn giao dịch với quy định linh hoạt hơn, mở đường cho doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng nhanh tiếp cận nguồn vốn hiệu quả.
Sàn Catalist (Singapore), ACE Market (Malaysia), Acceleration Board (Indonesia) và Live Exchange (Thái Lan) hướng đến các DNNVV và doan nghiệp khởi nghiệp công nghệ có tiềm năng tăng trưởng, thể hiện cam kết thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và tăng trưởng kinh tế khu vực.