Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường còn hỗn loạn nông nghiệp còn bấp bênh

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong bài phỏng vấn nhìn lại một năm xuất khẩu nông sản thành công của Việt Nam đăng trên trang web báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có nhắc đến “điểm mờ” của ngành nông nghiệp mà ông ví như là “bị một lời nguyền”, đó là nền nông nghiệp “manh mún nhỏ lẻ, ai cũng tự sản xuất, tự bán hàng thì sẽ sinh ra một thị trường hỗn loạn”.

Nhận xét của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập đến nguyên nhân gốc rễ khiến cho ngành nông nghiệp Việt Nam không thể phát triển ổn định, bền vững, lại luôn trong tình trạng bấp bênh và khó đoán định.

Thật vậy, một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, ai cũng tự sản xuất, tự bán hàng” thì không thể kiểm soát được nguồn cung, nên thị trường thường xuyên xuất hiện tình trạng mất cân đối cung - cầu ở một hay một số mặt hàng nông sản, trong đó đa phần là thừa cung. Đó là lý do vì sao từ hàng chục năm nay nông dân Việt Nam mỗi khi được mùa thì lại lo nhiều hơn mừng.

Một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ cũng không thể kiểm soát được chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, như tồn dư thuốc trừ sâu, hóa chất vượt quá tiêu chuẩn... Đây là mối lo thường trực vì mỗi năm luôn có hàng chục, thậm chí là hàng trăm lô hàng xuất khẩu bị trả về vì vi phạm tiêu chuẩn an toàn; và mỗi lần thông tin các lô hàng bị trả về được công bố rộng rãi là uy tín của hàng nông sản Việt Nam lại bị sứt mẻ không chỉ ở thị trường nước ngoài, mà cả ở thị trường trong nước.

Ngoài ra, một nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm thì rất khó để có được giá thành cạnh tranh. Chỉ tính riêng chi phí giống, vật tư đầu vào... những người làm nông nhỏ lẻ sẽ không bao giờ đạt được cái giá tốt như các tổ chức lớn khi những vật tư họ mua thường phải qua 2-3 cấp trung gian. Đó là chưa kể đến chi phí chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng như cơ hội ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác... Có lẽ vì vậy mà rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thậm chí còn không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu ngay ở thị trường nội địa.

Khi đưa ra nhận xét trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng thời cũng nêu giải pháp để giải quyết vấn đề, đó là người nông dân cần biết tập hợp lại trong tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời phải tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân. Đây là giải pháp đúng và cũng là con đường để người nông dân có thể sống tốt với nghề nông. Tuy nhiên, sẽ không có thành công nếu chỉ kêu gọi sự hợp tác và liên kết suông. Cần có sự giúp sức của Nhà nước - người duy nhất có thể tạo ra “chất keo” để gắn kết người nông dân lại với nhau trong một tổ chức như hợp tác xã; gắn kết doanh nghiệp với các tổ chức của người nông dân. Chất keo đó chính là chính sách hỗ trợ về thuế và tài chính; hỗ trợ bảo hiểm thiên tai, dịch bệnh, thị trường cho nông nghiệp, cùng các chính sách hỗ trợ khác về khoa học và kỹ thuật, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Nông nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Hỗ trợ để nông nghiệp phát triển tốt, thoát khỏi tình trạng bấp bênh, cũng là hỗ trợ cho cả nền kinh tế và đó cũng là khoản đầu tư có hiệu quả lan tỏa cao nhất về kinh tế và xã hội.

2 BÌNH LUẬN

  1. Ở VN, từ một nước thiếu ăn trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, ngoài việc quy hoạch vùng đất trồng lúa của nhà nước rất quan trọng, còn có sự đóng góp của các trường đại học và viện lúa ở các vùng miền của VN, tiêu biểu là vai trò của trường Đại học Cần thơ và viện lúa Ô môn trong việc hỗ trợ nông dân trong việc trồng các loại lúa ở các vùng miền Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng với các giống cây trồng khác như các loại cây trái, hình như nông dân không được hỗ trợ đầy đủ như bên trồng lúa, chẳng hạn như quy hoạch về các vùng trồng cây trái, không thấy công bố các giống cây trái tốt được nghiên cứu như giống lúa kháng rầy IR36 ngày xưa. Đến nỗi trái thanh long ruột trắng của VN được Thái Lan nghiên cứu lai tạo thành thanh long ruột đỏ.

  2. Hợp tác xã thường đi đến thất bại, bởi vì lâu nay vẫn tư duy theo kiểu “HỢP” (gom lại) mà chưa “TÁC” (hứng khởi, hăng hái). Giống như cánh đồng mẫu lớn vậy, gom lại hàng trăm/ ngàn hecta, tưởng là tốt, nhưng thực chất sản xuất lớn mãi không lớn lên được. Có khi lại teo tóp hơn trước. Nhưng nếu mạnh dạn chọn phương án tích tụ đất đai thì hiệu quả lại khác. Vai trò của người dẫn dắt rất quan trọng. Nên thay đổi sớm cách làm, để làm sao chọn đúng nhân tố mới, con người mới, lòng tin và năng lực, thì mới xoay chuyển thế cuộc được. Tiếc cho cơ hội phát triển nền nông nghiệp của ta, luôn ở dưới xa mức tiềm năng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới