Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thị trường đào tạo công nghệ cho trẻ em có phải là ‘đại dương xanh’?

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thời gian gần đây, thị trường đào tạo công nghệ cho trẻ em tại Việt Nam ngày càng hấp dẫn và thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong và ngoài nước cũng như các quỹ đầu tư của nước ngoài. Thị trường được đánh giá là tiềm năng và đang "nở" dần về quy mô. Tuy nhiên mức độ cạnh tranh ngày một nhiều và sự sụt giảm chi tiêu của người dân hậu đại dịch là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp muốn gia tăng khai thác thị trường được xem là "đại dương xanh" này.

Một trung tâm đào tạo công nghệ cho trẻ em. Ảnh: DNCC

Học viện tối ưu nguồn tài nguyên con người

Theo dõi sự phát triển và ứng dụng của công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực, chị Thanh một người sinh sống tại Hà Nội muốn con trai mình sau này sẽ theo học ngành công nghệ thông tin - vừa vì nhu cầu nhân lực ngành này ngày càng lớn, vừa hợp với tính của con mình. Để ươm mầm sự yêu thích với công nghệ, chị Thanh tìm kiếm các khóa học về công nghệ, lập trình để con trai học.

Vừa tìm kiếm thông tin qua các phụ huynh, chị Thanh còn tham khảo thông qua tìm kiếm các khóa học trên mạng. Chị Thanh cho biết chị không ngờ khi tìm kiếm các khóa học công nghệ cho trẻ trên mạng lại ra nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ này đến như vậy. Có những trường, học viện mới khai trương nhưng cũng có những chỗ đã cung cấp dịch vụ từ cách đây vài năm.

Thực tế hiện có khá nhiều phụ huynh như chị Thanh muốn con mình được tiếp cận, làm quen với công nghệ từ sớm để sau này con yêu thích và chọn theo ngành công nghệ khi lên đại học. Bởi hiện đây đang là ngành cần nhiều nhân lực và rất thiếu tại Việt Nam.

Chính vì nhìn nhận thấy nhu cầu cho trẻ em học công nghệ, lập trình từ sớm, thời gian gần đây nhiều trường, học viện đào tạo công nghệ trẻ em đã ra đời.

Cuối năm 2023, Logiscool – trường dạy lập trình dành cho trẻ từ 6-18 tuổi đến từ Châu Âu đã mở vài trung tâm đầu tiên tại Việt Nam. Trường này được thành lập năm 2014 tại Hungary với lộ trình cá nhân hoá theo từng độ tuổi và giúp trẻ tiếp cận với nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau. Đến nay, Logiscool có mặt tại 30 quốc gia với hơn 180 trung tâm, giảng dạy cho hơn 185.000 học viên.

Cách đây vài tháng, EDS – trường giáo dục số sớm cho trẻ em cũng được ra mắt và hiện có 5 cơ sở đào tạo tại Hà Nội. Để đến gần học sinh nhất, theo kế hoạch, EDS sẽ sớm mở thêm nhiều cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TPHCM trong năm nay.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Nguyễn Khánh Trình, người sáng lập EDS cho biết vốn dĩ là giảng viên nên ông thích mở những dự án kinh doanh về đào tạo. Khi ông Trình mở EDS thì trên thị trường đào tạo công nghệ cho trẻ em đã có một số thương hiệu lớn. Song vị này nhận định “miếng bánh” còn nhiều cơ hội, tiềm năng.

Trên đây là 2 thương hiệu mới tham gia thị trường đào tạo công nghệ cho trẻ em Việt. Trong số vài chục thương hiệu đang tham gia thị trường này, Học viện sáng tạo công nghệ TEKY là đơn vị đã tham gia thị trường từ 6 năm nay.

Chia sẻ với KTSG Online, bà Đào Lan Hương, Chủ tịch hội đồng quản trị TEKY kể về quá trình “phôi thai” của học viện này. Bà Hương cho biết, giống như nhiều người mẹ khác, bà luôn trăn trở về việc đầu tư giáo dục và chuẩn bị hành trang tương lai cho con như thế nào. Là người làm trong ngành công nghệ nhiều năm, bà muốn hướng con theo ngành công nghệ.

Năm 2016, bà Hương đã một mình đi khắp Đông Nam Á tới nhiều cơ sở giảng dạy công nghệ cho trẻ em, thăm quan các triển lãm đổi mới giáo dục. Ngoài ra bà còn sang Mỹ, Úc để nói chuyện với nhà sáng lập của những đơn vị lớn nhất tại 2 nước này để chứng kiến cách họ xây dựng chương trình giảng dạy công nghệ cho trẻ em. Khi ấy, tại Mỹ, Anh, Trung Quốc hay nhiều nước phát triển, họ đã đưa lập trình vào giảng dạy bắt buộc tại trường học.

Sau khi tìm hiểu, bà Hương về mở TEKY để con bà và các bạn có chỗ học công nghệ từ sớm. Từ việc giải quyết "bài toán" của con mình, bà Hương nhận ra đây cũng là một cơ hội kinh doanh - một thị trường “đại dương xanh” nên đã đầu tư mở TEKY. Hiện tại, Teky đã hoạt động được hơn 6 năm, thu hút tổng cộng trên 30.000 học sinh với 22 trung tâm được mở tại các thành phố lớn.

Không chỉ TEKY, MindX cũng là một startup tham gia thị trường này từ khá sớm. Chia sẻ thông tin cho báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Hà, đồng sáng lập của MindX, cho biết thời sinh viên bà được lựa chọn vào chương trình đại sứ Google Đông Nam Á. Đó là lần đầu tiên bà được tiếp xúc với công nghệ, đi lại giữa các nước ở Đông Nam Á để tham gia các chương trình và dự án của Google ở khu vực. Qua đó bà nhận ra công nghệ có sức mạnh rất lớn, có thể giúp một quốc gia cũng như một thế hệ vươn ra quốc tế.

Khi về Việt Nam bà Hà nhận ra người Việt Nam có rất nhiều tố chất tốt trong việc học tập công nghệ. Do đó MindX được ra đời vào năm 2015 - lúc đầu hoạt động dưới dạng một tổ chức phi lợi nhuận, đóng góp cho cộng đồng. Nhưng sau một năm làm với mô hình này MindX nhận ra thật sự để giữ chân người giỏi và có thể phát triển xa hơn thì phải chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Đến nay, đã có gần 40.000 học viên đã tốt nghiệp từ MindX.

Thu hút vốn đầu tư lớn

Thị trường đào tạo công nghệ cho trẻ nhỏ không chỉ hấp dẫn các startup Việt mà còn hấp dẫn các quỹ đầu tư nước ngoài. MindX đã huy động thành công 15 triệu đô la Mỹ (hơn 350 tỉ đồng) vòng series B do quỹ đầu tư Kaizenvest của Singapore dẫn dắt vào năm ngoái. Năm 2021 MindX cũng đã gọi được vốn đầu tư series A trị giá gần 3 triệu đô la Mỹ.

Mô hình đào tạo công nghệ cho trẻ em đang thu hút vốn đầu tư. Ảnh minh họa: DNCC

Bà Hà cho biết, nhà đầu tư dẫn dắt MindX là Kaizenvest – đơn vị này đã đi khắp Đông Nam Á để tìm kiếm mô hình đào tạo công nghệ. Họ cũng đã hoạt động rất sôi nổi ở thị trường Ấn Độ, nơi có những startup tỉ đô về giáo dục công nghệ. Vì thế, họ muốn tìm ở thị trường Đông Nam Á một hạt giống tương tự. Doanh nghiệp này tìm cơ hội khắp Đông Nam Á nhưng thị trường ở các quốc gia đó không sôi động như ở Việt Nam. Họ đầu tư vào MindX vì thấy hoạt động có quy mô lớn nhất thị trường.

Với số vốn đầu tư từ Kaizenvest, MindX đã tăng từ 32 lên 40 - 45 cơ sở, bắt đầu đi ra những thị trường xa hơn ở các tỉnh, ngoài Hà Nội và Sài Gòn. Bên cạnh đó là hoàn thiện hệ thống quản trị.

Năm 2023, TEKY cũng là một startup đào tạo công nghệ đã hoàn thành thương vụ gọi vốn Series A với tổng giá trị gần 10 triệu đô la Mỹ. Bà Hương cho hay việc gọi được vốn đầu tư đã giúp Teky tăng tốc phát triển kinh doanh, thực hiện cam kết mở rộng và nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy theo chuẩn thế giới. Bên cạnh đó còn tiếp tục mở rộng hệ thống học viện trên toàn quốc, đồng hành với nhà trường, học sinh khắp mọi miền thông qua nền tảng công nghệ giáo dục.

Để thực hiện tiếp các mục tiêu mở rộng trong tương lai, bà Hương cho hay TEKY đã xây dựng lộ trình gọi vốn mới trong thời gian tới. Bà tham vọng ngoài cung cấp dịch vụ trong nước, TEKY sẽ có mặt tại các quốc gia khác trong khu vực.

Nhiều cơ hội nhưng không dễ khai thác

EDS – trường giáo dục số sớm cho trẻ em từ khi mở đến nay đã được 4 tháng. Ông Trình cho biết trường đã thu hút được hơn 100 học sinh – con số này chưa được như dự tính ban đầu. Thời gian tới EDS cần phải tìm cách tối ưu hoạt động kinh doanh, tìm cách để thu hút được nhiều học sinh hơn để có thể hòa vốn trong vài tháng tới.

Mặc dù nhận định tham gia thị trường đào tạo công nghệ cho trẻ em nhiều cơ hội, song ông Trình cho biết trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay để tuyển sinh được một học sinh đóng học phí cả năm không dễ.

“Các cha mẹ hứng thú với việc cho trẻ em học công nghệ nhưng chi phí mỗi năm 20 triệu không phải nhà nào cũng dễ dàng bỏ ra,” ông Trình nói.  Song với kinh nghiệp startup tới 7 công ty thì ông Trình cho hay kinh doanh không bao giờ là dễ dàng. Việc của các startup là phải vượt qua các khó khăn đó để thành công.

“Với dự án EDS có một điểm rất khó là nhu cầu (trình độ, thời gian học) của trẻ mà phụ huynh đưa ra rất khác nhau, nên phải tìm cách sắp xếp đồng nhất các nhu cầu tối đa. Giờ trẻ con học được không nhiều vậy làm sao có được nhiều lớp nhất?” ông Trình nói về vấn đề đau đầu mà ông cần phải xử lý với EDS.

Cũng nói về khó khăn trên, bà Hương cho biết tình hình kinh tế khó khăn hiện nay và sự thắt chặt chi tiêu trong gia đình là "lực cản" lớn nhất cho việc phát triển nhanh chóng các mô hình giáo dục mới - vốn chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong ngân sách gia đình dành cho việc học tập của con cái như các môn khác. Song bà Hương tin rằng tồn tại qua được giai đoạn này thì các công ty đổi mới giáo dục sẽ phát triển nhanh chóng và tiến xa, trong đó có TEKY.

Thêm nữa bà Hương cho hay năm 2023 là một năm kinh tế khó khăn, vô cùng thách thức với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. TEKY dự tính mở rộng số lượng cơ sở, nhưng bối cảnh hậu Covid không phải là điều kiện lý tưởng, thương hiệu này đã xoay chuyển kế hoạch của mình bằng những định hướng đồng hành hợp tác với nhà trường và các đối tác nhiều hơn.

Tận dụng lợi thế nền tảng công nghệ giáo dục để tiến vào những thị trường mới, thay vì đầu tư cơ sở vật chất quá nhiều. Do đó TEKY đã có được trên một triệu tài khoản học sinh sử dụng công cụ lập trình thuần Việt Codekitten cung cấp miễn phí để giúp các em có cơ hội tiếp cận công nghệ nhiều hơn.

“Một điều thú vị là dù thị trường khó khăn nhưng các giải pháp tương tự lại ra mắt, nở rộ trong giai đoạn vừa qua. Điều này tiếp tục gia tăng áp lực trong cạnh tranh. Tuy nhiên cũng là dấu hiệu tốt cho thị trường giáo dục công nghệ cho trẻ em còn mới và non trẻ, giúp miếng bánh nở ra chứ chưa phải là chia nhỏ. Sự hiểu biết và sẵn sàng đầu tư của phụ huynh đã tốt hơn. Đây chính là thuận lợi quan trọng nhất giúp thị trường mở rộng hơn nhiều so với trước đây,” bà Hương nói.

Nói về thuận lợi khi hoạt động, bà Hà cho biết MindX có những lợi thế khi là startup dẫn đầu thị trường và số lượng đối thủ cạnh tranh chưa nhiều. Song thách thức trong giai đoạn tới đối với MindX theo bà Hà thì đây là thị trường mới nên phải mất nhiều công sức để thuyết phục thị trường, đào tạo nhân sự, đội ngũ để có khả năng giải thích cho khách hàng.

Thách thức thứ hai MindX phải đối mặt là sự bùng nổ. Nghĩa là, một doanh nghiệp tăng trưởng gấp đôi, gấp ba lần trong một năm thì sẽ có rất nhiều vấn đề. Bởi vì khi tăng quy mô về số lượng cơ sở sẽ phải tăng quy mô số lượng học sinh, vận hành và nhân sự. Như vậy, bài toán mới về mặt quản trị, quản lý cũng xuất hiện và MindX phải học liên tục, để có khả năng giải quyết những vấn đề đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới