(KTSG) - Thay vì chỉ nghĩ đến việc cạnh tranh trực tiếp với nhau, các công ty luật truyền thống trong nước nên tập trung vào chiến lược khác biệt hóa, tận dụng công nghệ và xây dựng quan hệ khách hàng bền vững để bảo vệ vị thế của mình trong một thị trường dịch vụ pháp lý cạnh tranh ngày càng khốc liệt và biến động khôn lường.
- Dịch vụ tài chính số trong hệ sinh thái, thách thức pháp lý và dữ liệu
- Vụ án Huyền Như: Hiệu lực pháp lý của các giao dịch dân sự
Đầu năm nay, hàng loạt tờ báo tại Mỹ loan tin, KPMG Mỹ đang tiến tới những bước cuối cùng để trở thành công ty kiểm toán “Big 4”((1) đầu tiên hành nghề luật tại nước này. Việc chính quyền bang Arizona, Mỹ có thể cho phép Công ty luật KPMG - một nhánh của Công ty kiểm toán KPMG - hoạt động độc lập đã tạo ra sự thay đổi lớn cho thị trường dịch vụ pháp lý(2). Chấp thuận cho phép những người không phải là luật sư được phép sở hữu công ty luật sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho các công ty luật truyền thống nhưng là lợi thế quá lớn cho các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay.
Vì sao Mỹ chần chừ nhưng Việt Nam đã cấp phép từ lâu?
Khác biệt về hệ thống pháp lý. Sự khác biệt lớn nhất giữa Việt Nam và Mỹ trong vấn đề này đến từ khung pháp lý điều chỉnh hoạt động của các công ty kiểm toán và công ty luật. Tại Mỹ, có các quy định rất chặt chẽ về việc tách biệt giữa dịch vụ kiểm toán và dịch vụ pháp lý. Các công ty kiểm toán bị hạn chế nghiêm ngặt trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý cho các khách hàng mà họ cũng là bên kiểm toán. Đây là quy định nhằm tránh xung đột lợi ích trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Tại Việt Nam, pháp luật chưa có các quy định rõ ràng và nghiêm ngặt tương tự, đặc biệt là trong việc quy định các công ty kiểm toán mở công ty luật hoạt động độc lập nhưng vẫn sử dụng chung thương hiệu và có sự liên kết chặt chẽ về khách hàng. Các công ty kiểm toán “Big 4” tại Việt Nam có thể dễ dàng thành lập công ty luật dưới danh nghĩa là đối tác độc lập đầu tư từ nước ngoài nhưng vẫn giữ thương hiệu của tập đoàn kiểm toán mẹ. Trong khi đó, tại Mỹ, họ gặp nhiều rào cản pháp lý khiến mô hình này khó thực hiện hơn.
Chính sách kiểm soát xung đột lợi ích khác nhau giữa Việt Nam và Mỹ cũng là một trong những khác biệt trong việc các công ty kiểm toán Big 4 dễ dàng thành lập tại Việt Nam nhưng vẫn chưa thể thành lập công ty luật mang thương hiệu của chính mình tại Mỹ.
Ngoài ra, chính sách kiểm soát xung đột lợi ích khác nhau giữa Việt Nam và Mỹ cũng là một trong những khác biệt trong việc các công ty kiểm toán Big 4 dễ dàng thành lập tại Việt Nam nhưng vẫn chưa thể thành lập công ty luật mang thương hiệu của chính mình tại Mỹ.
Tại Mỹ, đạo luật Sarbanes-Oxley Act (SOX) 2002(3) và các quy định của Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng (PCAOB) yêu cầu các công ty kiểm toán không được cung cấp một số dịch vụ tư vấn pháp lý cho khách hàng mà họ kiểm toán, nhằm đảm bảo tính độc lập.
Trong khi đó, tại Việt Nam, dù có quy định về xung đột lợi ích trong lĩnh vực kiểm toán (ví dụ Luật Kiểm toán độc lập 2011), nhưng lại không có quy định nào về việc cấm một công ty kiểm toán hoạt động trong cùng một “hệ sinh thái” với công ty luật. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ ràng ở Việt Nam, dù công ty luật và công ty kiểm toán có danh nghĩa tách biệt (được thành lập bởi các luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài theo đúng quy định của Luật Luật sư), nhưng trên thực tế, họ vẫn có thể chia sẻ khách hàng, tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các hãng luật truyền thống.
Trong khi đó, tại Mỹ, các quy định chặt chẽ về xung đột lợi ích khiến Big 4 khó có thể dùng thương hiệu chung hoặc cung cấp dịch vụ pháp lý theo mô hình như ở Việt Nam. Bằng chứng là đến thời điểm này, Big 4 kiểm toán vẫn chưa thể đặt chân vào thị trường dịch vụ pháp lý của Mỹ, dù đã tiến hành thủ tục này rất nhiều năm trước.
Hệ thống hiệp hội hành nghề luật sư. Mỹ là một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, có hệ thống luật sư chuyên nghiệp và các tổ chức hành nghề pháp lý lâu đời và phát triển hết sức mạnh mẽ. Nghề luật sư tại Mỹ được quy định chặt chẽ bởi các Hiệp hội Luật sư Bang (State Bar Associations). Ngoài ra, các quy định nghiêm ngặt về việc cấp phép hành nghề luật sư không cho phép các công ty kiểm toán có thể dễ dàng lập công ty luật hoặc thuê luật sư hành nghề dưới thương hiệu của mình.
Trong khi đó, tại Việt Nam, hội nghề nghiệp luật sư đang trong giai đoạn phát triển non trẻ, chưa có tiếng nói mạnh mẽ và cởi mở hơn trong việc chào đón những làn sóng hành nghề mới từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam. Pháp luật Việt Nam hiện hành không có các quy định quá nghiêm ngặt về việc kiểm toán viên và luật sư có thể làm việc dưới một thương hiệu chung. Điều này dẫn đến các hãng kiểm toán “Big 4” có thể dễ dàng sử dụng pháp nhân toàn cầu hoặc khu vực đã được phép hoạt động ở nước ngoài để tiến hành thành lập công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại Việt Nam.
Chẳng hạn như Công ty Luật TNHH KPMG sử dụng pháp nhân tại Đài Loan (Trung Quốc) để thành lập công ty luật 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và đã được Sở Tư Pháp TPHCM cấp Giấy đăng ký hoạt động số 70 vào năm 2015. Có thể thấy, về vấn đề này, các hiệp hội hành nghề luật sư tại Việt Nam vẫn chưa đưa ra những phản đối đủ mạnh mẽ để ngăn cản sự mở rộng và xâm chiếm vào lĩnh vực pháp lý của các công ty kiểm toán. Đây cũng có thể được xem là một trong các nguyên nhân để các công ty “Big 4” kiểm toán thế giới dễ dàng thiết lập một công ty luật bên cạnh công ty kiểm toán, đồng thời xây dựng đội ngũ luật sư và mở rộng dịch vụ pháp lý dưới thương hiệu của họ mà không bị cản trở bởi các tổ chức luật sư chuyên nghiệp như ở Mỹ.
Kỷ nguyên mở rộng của ngành luật?
Việc Công ty luật KPMG Mỹ đang tiến đến những bước cuối cùng để được chấp thuận hoạt động độc lập tại Mỹ, “thành trì” cuối cùng và cũng là thử thách khó khăn nhất được thông qua sẽ là một cột mốc đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mở rộng của ngành luật, với sự tham gia và cạnh tranh của không chỉ các công ty luật truyền thống mà còn là sự cạnh tranh gay gắt với các đối thủ từ những ngành nghề khác rẽ ngang hoạt động trong lĩnh vực pháp lý. Nếu quyết định này được thông qua sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho KPMG.
Ở Việt Nam, nhiều hãng kiểm toán lớn cũng đã phát triển dịch vụ pháp lý, đáng chú ý có thể kể đến: EY Law (Ernst & Young); PwC Legal (PricewaterhouseCoopers); Deloitte Legal; KPMG Law Vietnam cũng như một số công ty kiểm toán lớn khác cũng đang manh nha thực hiện kế hoạch này.
Các công ty luật với thương hiệu kể trên đang cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến thuế, đầu tư, M&A, tuân thủ pháp luật doanh nghiệp... Với thương hiệu mạnh và mạng lưới khách hàng rộng lớn, các công ty này đang ngày càng chiếm một thị phần lớn trong mảng cung cấp dịch vụ pháp lý cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam và doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.
Mặc dù theo quy định pháp luật Việt Nam, công ty kiểm toán không thể trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý, nhưng với việc thành lập các công ty luật độc lập nhưng vẫn thuộc tập đoàn, hoạt động dưới thương hiệu nổi tiếng toàn cầu trong ngành kiểm toán. Điều này tạo ra một sự cạnh tranh thiếu công bằng và lành mạnh đối với các công ty luật Việt Nam. Trong khi đa phần các công ty luật Việt Nam hiện nay đều là các đơn vị nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu đủ mạnh để cạnh tranh sòng phẳng với các tên tuổi lớn trong ngành.
Giải pháp nào cho Việt Nam?
Với vai trò quản lý, để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty luật truyền thống và các hãng luật có nguồn gốc từ công ty kiểm toán, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam có thể cân nhắc thực hiện các giải pháp sau đây trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần kiểm soát mô hình hoạt động. Cần có quy định rõ ràng về việc công ty kiểm toán và công ty luật thuộc cùng một tập đoàn có thể chia sẻ khách hàng hay không, tránh tình trạng độc quyền, cũng như mâu thuẫn về trách nhiệm quyền hạn khi thực hiện cả hai hoạt động song song cho một khách hàng. Trường hợp một trong hai dịch vụ không đạt yêu cầu, khách hàng có được quyền chấm dứt cả hai dịch vụ không? Đây là những điểm hết sức quan trọng khi doanh nghiệp kiểm toán cũng đồng thời là đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý.
Thứ hai, cần yêu cầu tách biệt rõ ràng về mặt tổ chức và quản lý giữa công ty kiểm toán và công ty luật để đảm bảo tính độc lập và tránh xung đột lợi ích. Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các quy định giới hạn quyền cung cấp dịch vụ pháp lý của các hãng kiểm toán cũng như giám sát hoạt động của họ để thúc đẩy hoạt động cạnh tranh công bằng giữa các công ty luật.
Cân nhắc áp dụng giới hạn đối với các dịch vụ pháp lý mà công ty luật thuộc các tập đoàn kiểm toán có thể cung cấp, đặc biệt là những dịch vụ có liên quan trực tiếp đến khách hàng kiểm toán.
Cơ quan quản lý cạnh tranh có thể vào cuộc để đảm bảo rằng các công ty kiểm toán không lạm dụng vị thế thị trường của mình để ép buộc khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý từ công ty luật cùng hệ thống. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách hỗ trợ các công ty luật truyền thống, như ưu đãi thuế hoặc tạo điều kiện để họ tiếp cận khách hàng tiềm năng trong các lĩnh vực khác nhau.
Với các công ty luật truyền thống
Để đối phó với áp lực từ các công ty luật thuộc hãng kiểm toán, các công ty luật truyền thống tại Việt Nam cần có chiến lược thích ứng phù hợp.
Tăng cường năng lực chuyên môn. Các hãng luật không chỉ cần tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn mà công ty kiểm toán không thể mạnh bằng, chẳng hạn như tranh tụng, luật hình sự, sở hữu trí tuệ, lao động… mà còn phải đẩy mạnh năng lực chuyên môn của đội ngũ luật sư của mình để từ đó gia tăng lợi thế của một công ty luật truyền thống. Đặc biệt, các công ty luật có thể phát triển dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên sâu cho các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa.
Phát triển quan hệ khách hàng riêng. Thế mạnh của các công ty luật có nguồn gốc từ kiểm toán chính là quan hệ khách hàng được chuyển đổi trực tiếp từ công ty mẹ. Do đó, muốn tăng cường khả năng cạnh tranh của mình, các công ty luật truyền thống có thể hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty khởi nghiệp để cung cấp dịch vụ pháp lý linh hoạt với giá cạnh tranh.
Ứng dụng công nghệ pháp lý (LegalTech). Muốn trở thành công ty phát triển tốt và dẫn đầu trong ngành luật, bất kỳ công ty luật nào cũng phải hiểu rằng nếu không ứng dụng công nghệ và dùng công nghệ như một công cụ phục vụ công việc chuyên môn, họ sẽ bị bỏ lại phía sau với một khoảng cách khó lấp đầy. Do đó, việc phát triển các giải pháp công nghệ để tăng hiệu suất làm việc, chẳng hạn như tự động hóa hợp đồng, phần mềm quản lý hồ sơ pháp lý, nền tảng tư vấn trực tuyến là một giải pháp để các công ty luật truyền thống vươn lên và bứt phá.
Mở rộng dịch vụ liên kết. Các hãng luật hoàn toàn có thể mở rộng mạng lưới hoạt động bằng việc hợp tác với các công ty tư vấn chiến lược, công ty tài chính, hoặc thậm chí các công ty kiểm toán nhỏ hơn để cung cấp dịch vụ tích hợp, nhằm cạnh tranh với mô hình “dịch vụ toàn diện” của các hãng kiểm toán lớn. Đây có thể xem là một bước đi không tồi để các công ty luật truyền thống không sợ hãi trước sự xâm chiếm ngày càng mạnh mẽ của công ty luật có nguồn gốc kiểm toán tại Việt Nam.
Nhìn chung, việc các công ty luật thuộc các tập đoàn kiểm toán mở rộng hoạt động đang làm thay đổi cục diện ngành dịch vụ pháp lý, cả ở Mỹ và Việt Nam. Đây là một xu hướng tất yếu, nhưng cần có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng và lành mạnh.
Giờ đây, có lẽ các công ty luật truyền thống, thay vì chỉ nghĩ đến việc cạnh tranh trực tiếp với nhau, thì họ nên tập trung vào chiến lược khác biệt hóa, tận dụng công nghệ và xây dựng quan hệ khách hàng bền vững để bảo vệ vị thế của mình trong một thị trường dịch vụ pháp lý cạnh tranh ngày càng khốc liệt và biến động khôn lường.
(1) Thuật ngữ dùng để chỉ bốn công ty kiểm toán được xem là dẫn đầu ngành kiểm toán gồm: KMPG, Ernst & Young, PricewaterhouseCoopers (PwC), Deloitte.
(2) https://www.wsj.com/articles/kpmg-wants-to-be-the-first-accounting-giant-to-own-a-u-s-law-firm-heres-why-224949f2, truy cập lần cuối ngày 4-2-2025
(3) https://sarbanes-oxley-act.com/, truy cập lần cuối ngày 4-2-2025