Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường điện cạnh tranh, nhìn từ Nhật Bản

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường điện cạnh tranh, nhìn từ Nhật Bản

Trương Trọng Hiểu (*)

(TBKTSG) - Người tiêu dùng Nhật Bản có thể chọn mua điện từ một trong 637 đơn vị bán lẻ. Việt Nam cũng có thể làm như Nhật, nếu thực sự muốn làm.

Hơn mười năm trước, ít nhất là sau khi Luật Điện lực được thông qua năm 2004, Việt Nam bắt đầu các bước để phá vỡ thế độc quyền và xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Điều đáng nói là chiến lược phát triển thị trường điện cạnh tranh được luật xác định cho mọi cấp độ. Dù vậy, từ cánh cửa đầu tiên mở ra cho sự cạnh tranh ở khâu sản xuất điện, những kỳ vọng về một thị trường điện cạnh tranh đầy đủ vẫn khó có thể đến gần khi câu chuyện giá điện vẫn còn tiếp tục gây xôn xao.

Cải cách thị trường điện ở Nhật Bản

Có thể nói, cơn động đất và sóng thần Sendai năm 2011, mà một trong hậu quả lớn nhất của nó là sự cố rò rỉ lò điện hạt nhân Fukushima, là một cú hích lớn để Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy cuộc cải cách ngành điện. Kết quả, thị trường điện ở Nhật Bản đã trở nên cạnh tranh đầy đủ ở tất cả các cấp độ sản xuất, truyền tải và đặc biệt là bán lẻ từ năm 2016.

Hiện tại, người tiêu dùng Nhật Bản có thể lựa chọn phương án mua điện từ bất kỳ một trong số hơn sáu trăm đơn vị kinh doanh bán lẻ điện. Đơn cử, một khách hàng ở Tokyo khi cần mua điện sẽ có hơn hai trăm lựa chọn như vậy.

Sự khác biệt trong giá bán của các công ty không lớn. Nhưng bù lại, hạ tầng, chính sách khuyến mãi và hậu mãi của họ là một hấp lực lớn cho sự lựa chọn của người tiêu dùng. Theo thống kê của Trung tâm Thông tin năng lượng Nhật Bản (JEPIC), trong năm 2019-2020, có đến khoảng 15% (khoảng gần 9,5 triệu) người dùng điện hạ thế, kể cả hộ gia đình, thay đổi nhà cung cấp.

Thực ra, trước đó, cụ thể là từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, ngành điện Nhật Bản duy trì con số 10 công ty điện khu vực. Tình trạng độc quyền trong bán điện theo khu vực vẫn được duy trì ở thời điểm đó.

Đến năm 2000, thị trường bán điện bắt đầu nới lỏng. Những đơn vị có nhu cầu sử dụng điện lớn, như công ty lớn, bệnh viện, trung tâm thương mại... được lựa chọn mua điện từ bất kỳ công ty nào trong số mười công ty nói trên. Khoảng năm năm sau đó, việc này được áp dụng đối với nhóm khách hàng là các công ty và tòa nhà nhỏ và vừa. Cuối cùng, như đã nói, tất cả các hộ gia đình và đơn vị kinh doanh nhỏ đều được tiếp cận thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2016.

Khá thú vị là cạnh tranh đầu tư sản xuất điện đã được mở ra từ giữa thập kỷ 1990, bắt đầu từ chính 10 công ty điện khu vực nói trên. Hiện tại, Nhật Bản có đến 637 đơn vị được cấp phép, bên cạnh vị trí thống trị của bậc tiền bối là nhóm J-Power và Công ty Atomic Nhật Bản. Các công ty này vẫn có thể tham gia cả thị trường bán sỉ, bán lẻ lẫn truyền tải nếu muốn.

Tuy nhiên, truyền tải và phân phối điện vẫn còn độc quyền theo khu vực và chịu sự kiểm soát chặt. Lý do đơn giản là vì sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nhà sản xuất lựa chọn “mua” một đường truyền tải khác. Vấn đề quan trọng là, các nhà khai thác lưới điện có trách nhiệm duy trì tần số. Đặc biệt, Tổ chức Kết nối các vùng giữa các đơn vị truyền tải (OCCTO) đã ra đời từ năm 2015. Sứ mệnh quan trọng nhất của OCCTO là điều phối và cân bằng cung - cầu về điện trên cả nước.

Với không ít nước, lý do quan trọng để tiếp tục duy trì chính sách độc quyền đối với ngành điện là an ninh năng lượng. Giải quyết vấn đề này, Nhật Bản cũng luôn nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn cung năng lượng, và đặc biệt là hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo trong những năm gần đây, nhất là nguồn điện mặt trời. Đáng chú ý, Nhật Bản cũng là quốc gia tiên phong, và nỗ lực đến năm 2050 giảm được 80% lượng khí thải hiện tại.

Nhìn chung, giá bán điện ở Nhật Bản vẫn còn ở mức cao so với giá bán điện ở các nước phát triển khác. Người dùng điện ở Nhật Bản cũng buộc phải chịu mức giá điện cao hơn khi sử dụng vào giờ cao điểm. Nhưng ngược lại, họ được lựa chọn dòng điện (theo cường độ, ví dụ giữa dòng điện 2A hay 3A) khi ký hợp đồng với nhà cung cấp. Không phải là quốc gia duy nhất, nhưng hiện tại Nhật Bản có thị trường năng lượng cạnh tranh lớn bậc nhất thế giới với số lượng khách hàng lên đến 80 triệu người.

Việt Nam có thể có thị trường điện cạnh tranh khi độc quyền nhà nước vẫn còn?

Có thể thấy, chiến lược phát triển ngành điện ở Việt Nam khá giống cuộc cải cách của Nhật Bản. Sau chính sách mở cửa đầu tư sản xuất điện, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh dự định thí điểm vào năm... 2021 và chính thức vận hành vào năm 2023. Những lo ngại về khả năng đó có thể vẫn tồn tại khi các biểu giá điện được đề xuất đều có vẻ không hướng về người tiêu dùng. Nhưng thực ra, để có được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hay không, mục tiêu và quyết định chính trị là nhân tố mang tính quyết định.

Thực tế, Nhật Bản có lợi thế hơn cho cuộc cải cách là 10 công ty điện ban đầu đã được tư nhân hóa từ sau Thế chiến thứ 2. Nhưng đó là kết quả có được sau một hành trình dài từ sở hữu tư nhân ở xuất phát điểm đến quốc hữu hóa trước thời điểm Nhật Bản theo đuổi cuộc chiến để rồi quay về tình trạng ban đầu trở lại.

Các công ty điện lực ở nước ta hiện nay vẫn chưa cổ phần hóa hay được chuẩn bị sẵn sàng cho cổ phần hóa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tiền đề cho một thị trường bán lẻ điện cạnh tranh là không có.

Trước hết, về chính sách, cần có sự phân định rõ độc quyền nhà nước và độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Về mặt lý thuyết, độc quyền nhà nước có thể tồn tại bởi một vài lý do nào đó, nhưng ngược lại, sẽ khó chấp nhận nếu như sự độc quyền đó được ban tặng cho một hay một nhóm doanh nghiệp trên thị trường.

Chính vì điều này mà hơn mười năm trước, khi bàn về chiến lược phát triển kinh tế một khi Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa X) năm 2007 đã khẳng định: “Kiên quyết chấm dứt tình trạng biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp”.

Hay nói cách khác, đây chính là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa cạnh tranh đối với lĩnh vực, ngành mà Nhà nước vẫn cần duy trì sự độc quyền. Thực tế, với tiếp cận này, các công ty dầu khí dù đều là doanh nghiệp nhà nước (đồng nghĩa độc quyền nhà nước) đã bắt đầu cạnh tranh với nhau, trước khi mở rộng cạnh tranh với sự xuất hiện của các công ty dân doanh khác.

Nếu các công ty điện lực khu vực và địa phương hiện thời được tách khỏi tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và được trao quyền tự quyết trong kinh doanh, một thị trường điện cạnh tranh đã có thể bắt đầu xuất hiện. Ít ra thì cũng tương tự như Nhật Bản ở giai đoạn đầu, chúng ta chấp nhận độc quyền mang tính khu vực trong bán lẻ. Cổ phần hóa các đơn vị hiện thời và nới rộng cửa cho hoạt động bán lẻ đến các thành phần kinh tế khác như lĩnh vực dầu khí vẫn là lựa chọn tối ưu.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới