(KTSG Online) - Được hỗ trợ bởi các sáng kiến xanh bao gồm tàu chạy bằng pin và nhiên liệu hydrogen, thị trường đường sắt toàn cầu dự kiến tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm 3% cho đến năm 2027. uy mô đạt 211 tỉ euro hàng năm trong giai đoạn 2025-2027, theo báo cáo nghiên cứu thị trường đường sắt thế giới của Công ty tư vấn Roland Berger.
- Hàng hóa liên vận bằng đường sắt đi châu Âu bị ảnh hưởng vì chiến sự Ukraine
- Vận chuyển hàng bằng đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu tăng kỷ lục
Báo cáo trên được thực hiện theo yêu cầu của Hiệp hội Ngành công nghiệp cung ứng đường sắt châu Âu (UNIFE) và được công bố tại Triển lãm thương mại quốc tế về công nghệ vận tải InnoTrans 2022 ở Berlin (Đức).
Theo báo cáo, trong khi tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành dự kiến thuộc về các thị trường nhỏ như châu Phi và Trung Đông (7,1%) và Đông Âu (6,1%), các thị trường trưởng thành hơn, bao gồm châu Á - Thái Bình Dương, cũng tăng trưởng đáng kể và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong con số tăng trưởng tuyệt đối.
Báo cáo chỉ ra rằng, nhiều tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt trên khắp thế giới. Kể từ năm 2020, tổng chiều dài đường sắt của thế giới đã tăng thêm khoảng 39.000 km, chủ yếu ở các tuyến đường sắt chính và đường sắt cao tốc.
Hầu hết các tuyến đường sắt bổ sung mới nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dẫn đầu là Trung Quốc khi nước này đẩy nhanh kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng. Tiếp đến là nỗ lực của Ấn Độ trong việc mở rộng các tuyến đường sắt chính và hành lang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.
Báo cáo cho biết thêm tổng chiều dài hệ thống đường sắt toàn cầu hiện đạt 1,7 triệu km bao gồm đường ray đô thị và liên đô thị.
Đầu năm nay, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ thúc đẩy tất cả dự án lớn trong các lĩnh vực quan trọng được xác định trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Đầu tháng này, Bắc Kinh cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ bơm vốn cho các dự án hạ tầng.
Henri Poupart-Lafarge, Chủ tịch UNIFE, đồng thời là Chủ tịch Công ty sản xuất toa xe và đầu máy xe lửa Alstom (Pháp), nói rằng ngành đường sắt thế giới đã cho thấy khả năng chống chịu tốt các cú sốc toàn cầu sau khi trải qua “thời kỳ hỗn loạn” trong đại dịch Covid-19. Ông nói: “Giờ đây, bất chấp những thách thức kinh tế và địa chính trị đang diễn ra, thị trường đường sắt thế giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh”.
Dịch vụ đường sắt, hạ tầng, đầu máy và toa xe sẽ đóng góp đến 89% trong mức tăng trưởng hàng năm khoảng 2-5-3,8% của thị trường đường sắt toàn cầu, theo Andreas Schwilling, cố vấn cấp cao tại Công ty tư vấn Roland Berger.
UNIFE nhận định các sáng kiến đáng chú ý như Thỏa thuận xanh châu Âu, với mục tiêu đạt được trung hòa carbon vào năm 2050, sẽ tác động tích cực đến nhu cầu về các giải pháp đường sắt, bao gồm cả tàu chạy bằng hydrogen và pin. Báo cáo của Roland Berger cho biết: “Là phương thức vận tải bền vững nhất, đường sắt có tiềm năng tốt nhất để trở thành xương sống của hoạt động di chuyển bền vững trên toàn thế giới và sẽ đạt được các mục tiêu về khí hậu”.
Một trong những đoàn tàu được Alstom giới thiệu tại InnoTrans , sự kiện kéo dài 4 ngày kết thúc vào 23-9, là Coradia iLint, được quảng bá là tàu chở khách đầu tiên trên thế giới chạy bằng pin nhiêu liệu hydrogen. Tàu này hiện đang hoạt động trên tuyến đường sắt vận hành hoàn toàn bằng hydrogen đầu tiên trên thế giới ở bang Lower Saxony, Đức.
Trong một hành trình đường dài vào ngày 15-9, đoàn tàu này đã đi được quãng đường 1.175 km mà không cần tiếp thêm nhiên liệu cho thùng chứa hydrogen và chỉ thải ra nước cũng như có độ ồn rất thấp.
Đoàn tàu này có sức chứa 300 hành khách, có thể vận hành tốc độ tối đa lên đến 140km/h. Bắt đầu từ 11-9 đến cuối tháng 11, tàu Coradia iLint được thử nghiệm vận chuyển hành khách trên một tuyến đường sắt ở Áo.
Theo Business Times