Thứ tư, 20/11/2024
25.6 C
Ho Chi Minh City

Thị trường gạo 2024 bị chi phối bởi yếu tố khí hậu và địa chính trị?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lúa gạo là mặt hàng rất khó để có một dự báo chính xác hay nói cách khác thị trường lúa gạo liên tục biến động bởi nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố căn bản sẽ dẫn dắt thị trường lúa gạo năm 2024 được cho là thời tiết và địa chính trị?

Thị trường lúa gạo 2024 chịu sự chi phối bởi điều kiện khí hậu và yếu tố địa chính trị. Ảnh: Trung Chánh

Thị trường lúa gạo Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chứng kiến sự biến động mạnh về giá cả và cung- cầu, nhất là sau khi một số quốc gia thay đổi chính sách mua- bán đột ngột. Vấn đề nhận được sự quan tâm hiện nay, đó là ngành lúa gạo Việt Nam năm 2023 diễn biến như thế nào và tương lai 2024 ra sao?

Toàn cảnh sản xuất, xuất khẩu và chủng loại năm 2023

Báo cáo cập nhật mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2023 (dự kiến) cả nước sản xuất 7,1 triệu héc ta lúa các loại, với sản lượng thu hoạch đạt khoảng 43,11 triệu tấn, tăng 0,45 triệu tấn so với năm 2022. Trong đó, đến hết tháng 10-2023, đã thu hoạch được 37,76 triệu tấn lúa các loại.

Với diện biến sản xuất và thu hoạch như nêu trên có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam vẫn duy trì khá ổn định kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, năm 2020 diện tích sản xuất và sản lượng thu hoạch lần lượt đạt 7,3 triệu héc ta và 42,69 triệu tấn; năm 2021 là 7,24 triệu héc ta và 43,86 triệu tấn; năm 2022 là 7,1 triệu héc ta và 42,66 triệu tấn và năm 2023 lần lượt đạt (dự kiến) là 7,1 triệu héc ta và 43,11 triệu tấn.

Trong khi đó, về xuất khẩu, năm 2023 là năm đạt kỷ lục của ngành hàng lúa gạo Việt Nam khi xét cả về kim ngạch lẫn khối lượng bán ra, tính từ năm 2018 đến nay. Trong đó, năm 2018 xuất khẩu đạt 6,12 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,06 tỉ đô la Mỹ; năm 2019 là 6,34 triệu tấn với kim ngạch 2,79 tỉ đô la Mỹ; năm 2020 là 6,25 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,12 tỉ đô la Mỹ; năm 2021 là 6,24 triệu tấn với kim ngạch 3,29 tỉ đô la Mỹ; năm 2022 và 11 tháng đầu năm 2023 lần lượt đạt 7,11 triệu tấn với kim ngạch 3,46 tỉ đô la Mỹ và 7,75 triệu tấn với kim ngạch đạt 4,41 tỉ đô la Mỹ.

Khi nhìn vào sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2023 (11 tháng đầu năm - PV) so với năm 2022 cho thấy, sản lượng xuất khẩu chỉ tăng 0,64 triệu tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng đến 950 triệu đô la Mỹ. Điều này cho thấy, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất mạnh so với năm trước đó (11 tháng đầu năm 2023 giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam đạt 568 đô la Mỹ/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó, riêng tháng 10 giá xuất khẩu bình quân đạt 640 đô la Mỹ/tấn, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái - PV).

Về thị trường xuất khẩu, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 2,628 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 1,41 tỉ đô la Mỹ; Indonesia đạt 1,028 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 555 triệu đô la Mỹ; Trung Quốc đạt gần 883.000 tấn với kim ngạch đạt gần 511 triệu đô la Mỹ; Ghana đạt 549.000 tấn và hơn 332 triệu đô la Mỹ; Bờ Biển Ngà đạt 454.000 tấn với kim ngạch hơn 241 triệu đô la Mỹ; Malaysia đạt 359.000 tấn với kim ngạch 184 triệu đô la Mỹ; Singapore đạt 114.000 tấn với kim ngạch hơn 68,5 triệu đô la Mỹ…

Xét về chủng loại, 10 tháng đầu năm 2023, gạo trắng tiếp tục là chủng loại gạo xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 4,27 triệu tấn, trị giá 2,3 tỉ đô la Mỹ; gạo thơm đạt gần 1,77 triệu tấn với trị giá đạt 1,03 tỉ đô la Mỹ; gạo nếp đạt hơn 736.000 với trị giá đạt gần 411 triệu đô la Mỹ; gạo giống Nhật đạt hơn 202.000 tấn, có trị giá gần 142 triệu đô la Mỹ; gạo lứt, hữu cơ và huyết rồng xuất khẩu đạt 62.300 tấn với trị giá hơn 35,6 triệu đô la Mỹ…

“Thắng lớn” về giá bán và khối lượng, nhưng…

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, tín hiệu tích cực về sản xuất như đã nêu ở trên chính là điều kiện quan trọng giúp đảm bảo dự trữ an ninh lương thực quốc gia cũng như góp phần gia tăng xuất khẩu để mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia.

“Sản lượng lúa của Việt Nam ổn định khoảng trên dưới 43 triệu tấn, tương đương khoảng 27-28 triệu tấn gạo. Như vậy, sau khi trừ nhu cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, chăn nuôi, dự phòng, dự trữ quốc gia, còn dư thừa cho xuất khẩu hàng năm khoảng 6,5-7 triệu tấn”, ông cho biết và dự báo, riêng năm 2023, xuất khẩu gạo cả nước sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn (có một lượng lớn lúa gạo được nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam- PV).

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì cho biết, gạo Việt Nam năm 2023 chứng kiến một năm biến động tăng giá mạnh do tác động từ chính sách của các nước xuất khẩu, nhất là sau khi Chính phủ Ấn Độ- nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới- ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng (trừ gạo basmati) kể từ ngày 20-7-2023. “Giá gạo tăng rất mạnh từ tác động của các nước xuất khẩu như vừa qua Ấn Độ có chính sách dừng xuất khẩu 1 số loại gạo”, ông nói và dẫn chứng, tháng 10-2023 vừa qua giá gạo 5% tấm tăng lên đến hơn 640 đô la Mỹ/tấn.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex (Intimex Group)- một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam- đánh giá, 2023 là năm thắng lợi của ngành lúa gạo Việt Nam khi có khả năng xuất khẩu 8 triệu tấn. “Đây là điều mà đối với chúng tôi, nhà xuất khẩu lớn cũng không bao giờ nghĩ rằng bán được lượng lớn như vậy”, ông nói.

Còn xét về giá, ông cho biết năm 2023 có giá bán rất tốt, thậm chí trong một giai đoạn khá dài giá gạo Việt Nam luôn dẫn đầu thế giới. “Điều này cho thấy, thị trường quốc tế chọn gạo Việt Nam để mua rất lớn. Đây là thành công của những nỗ lực từ bà con nông dân, nhà khoa học và cả doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Hà Nam nhấn mạnh và cho rằng, việc quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ dừng xuất khẩu, trong khi nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh ở một số thị trường (Indonesia, Malaysia - PV) giúp tạo thành công cho Việt Nam.

Xét về sản lượng và giá xuất khẩu, rõ ràng ngành gạo Việt Nam đã rất thành công trong năm 2023. Tuy nhiên, khi nhìn về hiệu quả xuất khẩu mang lại cho doanh nghiệp, theo vị doanh nhân này, không phải đơn vị nào cũng… “vui”. Bởi lẽ, giá gạo tăng đột biến, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu phần lớn đều “ký hợp đồng trước với khách hàng” nên gặp bất lợi.

“Muốn vay ngân hàng, thì doanh nghiệp bắt buộc phải có hợp đồng (nội và ngoại), trong khi giá thị trường trong nước cao hơn giá xuất khẩu, dẫn đến doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nam cho biết thêm.

Thực tế, ngay sau thời điểm Ấn Độ có chính sách mới về thương mại, giá lúa gạo thị trường nội địa của Việt Nam tăng sốc. Thời điểm lúc bấy giờ, tình trạng “tranh mua, tranh bán” xảy ra hàng ngày, dẫn đến “huỷ kèo”, không tôn trọng các hợp đồng đã thoả thuận. Điều này khiến các doanh nghiệp, nhà máy chế biến gạo không nhận được lượng hàng hoá đã chốt.

Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) cho biết, thậm chí với doanh nghiệp có liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với nông dân cũng không nhận được hàng do tình trạng nông dân, thương lái bỏ cọc để bán ra bên ngoài với giá cao hơn.

Theo ông, đặc thù của ngành gạo nói riêng và nông sản nói chung là phải bán trước mùa vụ, bởi nếu chờ “mọi thứ rõ ràng” thì doanh nghiệp sẽ không có hợp đồng và không cạnh tranh được.

Mặt khác, một hạn chế lâu nay “không giải được”, đó là tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu không đủ tài chính để chuẩn bị đủ lượng hàng kinh doanh, mà thường chỉ ở mức 50-60% lượng đơn hàng ký kết đã được xem là… “lý tưởng”, theo ông Việt Anh.

Tốc độ mua và nhập hàng bị hạn chế theo ngày do gạo là hàng nặng nhọc cần nhiều thời gian và sức lao động để sấy, xay xát và đưa về kho. Do đó, các doanh nghiệp thường ở tình trạng “mua vào không kịp” khi giá tăng mỗi ngày. Điều này, khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là khi xu hướng thị trường lúa gạo Việt Nam luôn trong trạng thái “leo thang” từ sau khi Ấn Độ hạn chế bán gạo.

Rõ ràng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành gạo ra sao phải đợi công bố báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới. Thế nhưng, thực tế thời gian qua, có không ít đơn vị cho biết bị thua lỗ khá nhiều.

Giá lúa gạo năm 2024 vẫn cao và hút hàng?. Ảnh: Trung Chánh

Năm 2024: giá vẫn cao và hút hàng?

Phân tích từ bộ nông nghiệp cho thấy, xuất khẩu gạo phụ thuộc rất lớn vào sản lượng sản xuất của từng quốc gia và nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về niên vụ 2023-2024, sản lượng gạo được sản xuất trên toàn cầu tuy có tăng hơn so với niên vụ 2022-2023, nhưng sản xuất vẫn thấp hơn so với nhu cầu tiêu thụ. “Như vậy, chúng ta có thể thấy bức tranh giá cả ngành gạo năm tới vẫn tiếp tục cao do nhu cầu lớn hơn so với sản xuất. Đây sẽ là yếu tố quyết định giá gạo trong năm 2024”, ông Hòa cho biết.

Tại hội thảo “Lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới” diễn ra mới đây ở tỉnh Hậu Giang, ông V Subramanian, chuyên gia nghiên cứu thị trường Công ty Ssresource Media Pte. Ltd (Singapore) đưa ra dự báo, sản xuất lúa gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 đạt 517,796 triệu tấn, tăng 4,441 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023.

Trong khi đó, tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 ở mức 522,286 triệu tấn, tăng 856.000 tấn so với niên vụ 2022-2023. Điều này có nghĩa, nhu cầu tiêu dùng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 đang cao hơn năng lực sản xuất lên đến 4,49 triệu tấn.

Còn về tồn kho, báo cáo của Công ty Ssresource Media Pte. Ltd cho thấy, tồn kho cuối kỳ của thế giới trong niên vụ 2023-2024 ở mức 167,42 triệu tấn, giảm 7,364 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023 và giảm đến 8,031 triệu tấn nếu so với niên vụ 2021-2022.

Nhu cầu tiêu thụ lớn hơn năng lực sản xuất, trong khi tồn kho cuối kỳ lại suy giảm. Điều này cho thấy, bức tranh chung của toàn ngành gạo thế giới năm 2024 sẽ tiếp tục “sáng” cho các quốc gia có lợi thế xuất khẩu như Việt Nam.

Tuy nhiên, ông V Subramanian cho biết, diễn biến của thị trường lúa gạo thế giới năm 2024 phụ thuộc khá lớn vào hai yếu tố, đó là thời tiết và yếu tố chính trị của các quốc gia xuất, nhập khẩu.

Chẳng hạn, với Indonesia, ông V Subramanian gọi quốc gia này là “ngồi sao mua hàng” khi nhập khẩu lên đến khoảng 2,5 triệu tấn gạo trong năm 2023 và có thể mua thêm 1,5 triệu tấn trong năm 2024. “Hầu hết các cuộc đầu thầu gần đây cho thấy Indonesia là nước mua tích cực khi quốc gia này sẽ bầu cử sớm vào năm 2024”, ông nói.

Thậm chí, mới đây Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman cho biết, quốc gia này nhập khẩu lên đến 5 triệu tấn gạo, trong đó, có 3,5 triệu tấn được nhập khẩu trong năm 2023 và 1,5 triệu tấn nhập trong năm 2024.

Tuy nhiên, mọi thứ có diễn ra đúng "kịch bản" như nêu trên hay không vẫn là dấu hỏi khi ông V Subramanian đặt vấn đề: liệu quốc gia nhập khẩu gạo lớn của thế giới này (Indonesia- PV) có tiếp tục nhập khẩu sau cuộc bầu cử tổng thống (Indonesia dự kiến bầu cử tổng thống vào ngày 14-2-2024-PV) hay không?

Trong khi đó, ông Đỗ Hà Nam của Intimex Group cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 có giá tốt và bán với khối lượng lớn là một phần nhờ đến chính sách dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ. “Cái gì là lợi thế đột xuất, thì cũng rất khó để nó tiếp tục duy trì lâu dài cho những năm tiếp theo”, ông nói, nhưng cho rằng, với việc gạo Việt Nam đã tạo ra một mặt bằng giá mới, bình quân trên 600 đô la Mỹ/tấn gạo, thì khả năng thời gian tới gạo Viêt Nam sẽ có được mức giá bán tốt hơn.

Có một điểm cũng đáng lưu ý, đó là Ấn Độ dù đang áp dụng chính sách dừng xuất khẩu gạo trắng, nhưng vẫn “âm thầm” đạt thoả thuận bán ra với một số quốc gia.

Thông tin từ tờ Borneobulletin.com, Indonesia đã đạt được thoả thuận "ghi nhớ" để nhập 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ cho năm 2024. Trong khi đó, theo tờ Inquirer.net, Philippines cũng đạt thoả thuận mua gạo từ Ấn Độ để tăng lượng tồn kho nhằm đối phó với những bất lợi của El Nino, trong đó, đợt đầu 75.000 sẽ đến Philippines vào cuối tháng 12-2023 đến đầu năm 2024. Đây là một phần trong số 295.000 tấn được Ấn Độ phân bổ cho quốc gia này.

Việc các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam gia tăng tìm kiếm nguồn cung từ các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam chắc chắn phần nào cũng sẽ tác động đến xuất khẩu gạo của nước ta trong năm 2024.

Ông Nam của Intimex Group cho rằng, Indonesia và Malaysia là hai thị không có tính bền vững cao bởi có năm nhập khẩu gạo có năm lại không. “Chúng ta phải luôn chủ động để khi họ có nhu cầu lớn, có thể bán được hàng tốt, nhưng khi họ không có nhu cầu chúng ta cũng không bị ảnh hưởng", và ông cho rằng các doanh nghiệp phải hết sức cẩn thận.

Nhìn trên tổng thể cung, cầu và tồn kho, thị trường gạo năm 2024 vẫn có lợi cho người bán. Tuy nhiên, thị trường lúa gạo luôn gắn liền với yếu tố thời tiết và địa chính trị nên rất khó có thể đưa ra được một dự báo chính xác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới