Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường IPO Đông Nam Á vẫn tăng trưởng bất chấp sự suy giảm toàn cầu

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dữ liệu của nền tảng Dealogic cho thấy số vụ IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) ở ASEAN tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, và số vốn huy động đạt 4,1 tỉ đô la, tăng 43%. Trong khi đó, số vụ IPO toàn cầu trong sáu tháng đầu năm giảm 5% so với trước đó, trong khi số vốn gọi được đạt 60,9 tỉ đô la, giảm 36%.

Mặc dù giá trị vẫn còn thấp so với con số ở Mỹ và châu Âu, nhưng các vụ IPO ở Đông Nam Á đã tăng khoảng 80% về giá trị.

Các thương vụ nổi bật thuộc về các các công ty tập trung vào nhu cầu trong nước, thuộc những lĩnh vực như bất động sản, thực phẩm và năng lượng tái tạo. Số vụ IPO và số vốn huy động tại Đông Nam Á đều tăng kể từ năm 2019 trước khi Covid-19 bùng phát. Mặc dù giá trị vẫn còn thấp so với con số ở Mỹ và châu Âu, nhưng các vụ IPO ở Đông Nam Á đã tăng khoảng 80% về giá trị.

Trong đó, Indonesia chiếm hơn một nửa tổng số giao dịch ở Đông Nam Á với 41 thương vụ, chiếm đến 70% số vốn huy động. Bốn thương vụ IPO lớn nhất ASEAN đều thuộc các công ty Indonesia chuyên khai thác nguyên vật liệu cho ngành xe điện và năng lượng tái tạo.

Hãng khai thác đồng và vàng Amman Mineral International đã gọi được hơn 700 triệu đô la khi niêm yết lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán Indonesia hôm 19-6. Một phần trong số tiền trên được đầu tư vào việc tinh chế đồng và kim loại quý.

Amman điều hành mỏ Batu Hijau, mỏ vàng và đồng lớn thứ hai của Indonesia, ở tỉnh Tây Nusa Tenggara. Nhu cầu về đồng đang tăng lên do các nỗ lực giảm phát thải trên toàn cầu, bao gồm mảng xe điện và điện gió ngoài khơi. Kết quả kinh doanh của Amman ngày càng tốt hơn khi thị trường xe điện mở rộng.

Trimegah Bangun Persada xếp vị trí thứ hai với 660 triệu đô la. Đây là hãng khai thác và tinh chế niken thuộc tập đoàn Harita Group, chuyên sản xuất các vật liệu chế tạo pin xe điện. Vị trí thứ ba là Merdeka Battery Materials thuộc tập đoàn khai thác đồng và vàng Merdeka Copper Gold, huy động được 620 triệu đô la. Hạng tư là Pertamina Geothermal Energy, hãng con về năng lượng địa nhiệt thuộc tập đoàn dầu khí quốc doanh Pertamina, với 586 triệu đô la.

Tại Thái Lan, tập đoàn đa ngành với mũi nhọn kinh doanh xe hơi Millennium Group lên sàn vào tháng 4, gọi được 65 triệu đô la. Số tiền huy động được sẽ được đầu tư cho các cơ sở bảo dưỡng xe điện. Xe điện đang ngày phổ biến ở Thái Lan và các nhà đầu tư rất lạc quan về thị trường xe điện ở nước này.

Master Style lên sàn vào tháng 1-2023 và gọi được số vốn tương tự Millenium Group, thấp hơn kế hoạch ban đầu là gọi 100 triệu đô la. Master Style sở hữu một bệnh viện chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ ở trung tâm Bangkok, với hơn 40 bác sĩ chuyên khoa và hơn 700 nhân viên. Thành công của vụ IPO này cũng chứng tỏ tiềm năng của du lịch y tế tại Thái Lan.

Tại Malaysia, hãng thực phẩm chức năng DXN Holdings lên sàn vào tháng 5, huy động được 146 triệu đô la. DXN sản xuất và bán các loại thực phẩm và mỹ phẩm tốt cho sức khỏe sử dụng các nguyên liệu như nấm linh chi.

Toàn bộ các công ty Đông Nam Á lên sàn trong sáu tháng đầu năm nay đã hoạt động kinh doanh trong nhiều năm, hoàn toàn không có các startup công nghệ lớn như GoTo hay Grab. Sự sụt giảm trong các thị trường khởi nghiệp có mức tăng trưởng cao ở Mỹ và châu Âu và mức định giá quá cao trong những năm trước đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ và châu Âu ngừng đầu tư vào Đông Nam Á.

Takahiro Suzuki, đối tác của quỹ Genesia Ventures chuyên đầu tư vào các startup châu Á, nói rằng: “Có nhiều hy vọng rằng Indonesia sẽ tiếp tục phát triển thành một thị trường mà các kỳ lân (startup có giá trị từ 1 tỉ đô la) sẽ niêm yết. Nhưng môi trường vốn cho startup hiện vẫn rất khó khăn”.

Số lượng kỳ lân lên sàn hiện rất hiếm hoi ở Đông Nam Á. Các sàn giao dịch chứng khoán Đông Nam Á hiện chỉ đón được các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các hãng con thuộc các tập đoàn lớn thực hiện IPO. Giám đốc điều hành của một tổ chức tài chính Thái Lan nói: “Một phần trong số đó là nhu cầu về vốn vì lo ngại về sự bất ổn kinh tế lan rộng từ châu Âu và Mỹ”.

Theo hãng dữ liệu Refinitiv, sàn Start Market ở Thượng Hải là thị trường IPO hàng đầu trên toàn cầu trong nửa đầu năm, với 42 vụ IPO huy động được 10,77 tỉ đô la, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Sàn ChiNext ở Thâm Quyến xếp thứ hai với 60 vụ niêm yết mới huy động được 10,54 tỉ đô la. Sàn giao dịch chứng khoán New York đứng thứ ba với chín giao dịch huy động được 5,94 tỉ đô la.

Các sàn chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh của Trung Quốc đại lục chiếm đến 5/10 các thương vụ lớn nhất toàn cầu.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg, Reuters, Market Screener, SCMP, EY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới