(KTSG Online) – Hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên toàn cầu đã chuyển dịch sang phía đông, tập trung ở Trung Quốc khi thị trường chứng khoán lao dốc khiến hầu như tất cả các thương vụ IPO lớn ở Mỹ rơi vào tình trạng tê liệt.
- Lạm phát, lãi suất và chiến tranh khiến thị trường IPO Mỹ đóng băng
- Châu Á dẫn đầu các thương vụ IPO khi thị trường toàn cầu co cụm
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, các thương vụ IPO ở châu Á đã huy động được 104 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, chiếm 68% khối lượng IPO toàn cầu. Ngược lại, các đợt IPO của Mỹ chỉ chiếm 14% trong tổng số 153 tỉ đô la thu được trên toàn cầu, mức thấp nhất từ trước đến nay đối với thị trường niêm yết bận rộn nhất thế giới.
Hoạt động IPO mạnh mẽ ở châu Á chủ yếu nhờ các đợt IPO dày đặc và nhanh chóng ở Trung Quốc ngay cả khi lãi suất tăng và rủi ro kinh tế suy thoái khiến doanh số IPO ở hầu hết các thị trường lớn bị đóng băng.
Trong số 10 thương vụ IPO lớn trên toàn cầu năm nay, có 6 thương vụ được tiến hành
bởi các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch ở Trung Quốc đại lục hoặc Hồng Kông.
“Trong năm 2022, khi thế giới ứng phó với lạm phát và các căng thẳng toàn cầu, tâm điểm của IPO đã dịch chuyển... Tính liên tục của xu hướng này có vẻ bền vững trong thời gian tới vì một số thương vụ IPO khá lớn ở Hồng Kông đang chờ được tiến hành để kiểm tra thị trường trước khi kết thúc năm”, James Wang, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần phụ trách khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản tại Ngân hàng Goldman Sachs nói.
Tại Mỹ, nơi chiếm hơn một nửa trong số 657 tỉ đô la thu được từ các thương vụ IPO toàn cầu hồi năm ngoái, thị trường đã đột ngột dừng lại khi các lo ngại về lạm phát và
biến động chứng khoán gia tăng, dẫn đến mức định giá cổ phiếu giảm xuống. Điều này khiến giới đầu tư tránh xa các công ty có tốc độ tăng trưởng cao, thường chi phối hoạt động IPO.
Các điều kiện thị trường không thuận lợi đã buộc các thương vụ IPO từng được mong đợi của nhiều công ty như Công ty công nghệ tự lái Mobileye, đơn vị thành viên của Intel và Công ty sữa chua Chobani bị đẩy lùi hoặc loại bỏ hoàn toàn.
Nếu tính các thương vụ IPO có mức định giá từ 1 tỉ đô la trở lên, trong năm nay, mới chỉ có 1 thương vụ ở New York của Công ty đầu tư cổ phần tư nhân TPG. Ở châu Á và Trung Đông, con số này lần lượt là 12 và 4.
Các thương vụ IPO bị trì hoãn ở Mỹ đang nới rộng khoảng trống vốn đã được tạo ra bởi cuộc tháo chạy của các ứng cử viên IPO có trụ sở tại Trung Quốc. Trong năm nay, chỉ có 636 triệu đô la được các công ty từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông huy động ở New York, so với gần 16 tỉ đô vào cùng kỳ năm ngoái.
Các đợt IPO của các công ty Trung Quốc tại Mỹ trở nên thưa thớt sau một loạt thông báo hủy bỏ niêm yết cổ phiếu ở New York giữa lúc Bắc Kinh và Washington chật vật đàm phán để được thỏa thuận cho phép các cơ quan quản lý Mỹ kiểm tra hồ sơ kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại New Yok.
Viễn cảnh buộc phải hủy niêm yết cổ phiếu ở New York nếu thỏa thuận trên không đạt được, cũng như quan hệ Trung - Mỹ xấu đi khiến các công ty Trung Quốc đang niêm yết ở Mỹ tiến hành các đợt IPO để niêm yết tại thị trường thứ hai ở Hồng Kông hoặc Trung Quốc đại lục trong những năm gần đây. Mức định giá cao hơn ở quê nhà là một điểm thu hút khác đối với họ.
Theo Zili Guo, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần châu Á tại Ngân hàng UBS, thị trường cổ phiếu hạng A (cổ phiếu niêm yết trên các giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến) bằng cách nào đó không bị ảnh hưởng bởi sự biến động toàn cầu. Đó phần lớn là thị trường nội địa và chủ yếu được thúc đẩy bởi tiền trong nước.
Điều kiện thị trường ở thị trường cổ phiếu hạng A tương đối ổn định. So với cơn biến động trên thị trường toàn cầu, thị trường này vẫn có thể thực hiện các giao dịch IPO một cách đều đặn.
Năm nay, một số thương vụ IPO lớn nhất ở châu Á là của các công ty bị hủy niêm yết cổ phiếu ở New York, gồm Tập đoàn viễn thông China Mobile và Tập đoàn dầu khí hải
dương Trung Quốc (CNOOC). Hai tập đoàn này thu về tổng cộng 14 tỉ đô la thông qua việc bán cổ phiếu lần đầu tại Thượng Hải.
Có những dấu hiệu cho thấy hoạt động IPO sôi động trở lại ở Hồng Kông, nơi đã chứng kiến tốc độ IPO chậm trong nửa đầu năm nay. Hãng sản xuất pin Trung Quốc, CALB
đang đánh giá nhu cầu về một đợt IPO tiềm năng trị giá 2 tỉ đô la tại Hồng Kông. Trong khi đó, hãng xe điện Zhejiang Leapmotor Technologies đang bắt đầu nhận đơn đăng ký
mua cổ phiếu của nhà đầu tư cho đợt IPO trị giá 1 tỉ đô la vào tuần tới.
Ngay cả sau khi Trung Quốc và Mỹ đã một thỏa thuận sơ bộ về vấn đề kiểm toán, vẫn có những hoài nghi liệu dòng chảy của các công ty Trung Quốc đến New York sẽ trở lại mức trước đó hay không trong bối cảnh các căng thẳng gia tăng và có nhiều sự lựa chọn thay thế. Các công ty Trung Quốc đã huy động được 122 tỉ đô la từ thị trường chứng khoán Mỹ kể đầu thế kỷ này.
“Các công ty Trung Quốc hiện có nhiều lựa chọn hơn khi họ muốn huy động vốn ở nước ngoài. Ngoài việc niêm yết ở Hồng Kông và Mỹ theo truyền thống, họ có thể thực hiện IPO ở Trung Quốc đại lục trước”, Mandy Zhu, người đứng đầu bộ phận ngân hàng toàn cầu của UBS nói và cho rằng, sau đó, các công ty này có thể chọn niêm yết ở các sàn giao dịch châu Âu thông qua hệ thống kết nối chứng khoán giữa Trung Quốc và châu Âu.
Trên thực tế, với các công ty Trung Quốc, châu Âu đang trở thành một điểm đến niêm yết hấp dẫn hơn so với Mỹ. Khoảng 2,3 tỉ đô la đã được các công ty ở Trung Quốc đại lục huy động ở châu Âu trong năm nay thông qua hệ thống liên kết chứng khoán mới được mở rộng giữa Trung Quốc và các sàn giao dịch ở Đức, Thụy Sĩ và Anh.
Theo Bloomberg