(KTSG Online) – Làn sóng rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào các tài sản ở Nhật Bản có thể hỗ trợ các công ty khởi nghiệp (startup) bị lãng quên trước đây ở nước này chống chọi cơn suy thoái của thị trường vốn mạo hiểm toàn cầu.
- Startup Nhật Bản phát triển tàu 'chở' điện gió xa bờ vào đất liền
- Startup 2 tỉ đô la “dạy” robot biết cách suy nghĩ
Mối quan tâm đến Nhật Bản đang tăng vọt khi các lo ngại về chiến dịch chấn chỉnh công nghệ ở Trung Quốc khiến các nhà đầu tư chú ý hơn đến các doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn đang được định giá ở mức hấp dẫn.
Các nhà đầu tư lớn của Mỹ bao gồm tỉ phú Warren Buffett, Chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway, đang phân bổ nhiều vốn hơn trong danh mục đầu tư châu Á vào Nhật Bản. Điều này tạo ra chất xúc tác thúc đẩy chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo tăng điểm liên tục trong 10 tuần.
Trong bản công bố thông tin hôm 19-6, Berkshire Hathaway cho biết tiếp tục mua cổ phiếu của 5 tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản gồm Itochu, Marubeni, Mitsubishi, Mitsui & Co và Sumitomo để tăng mức nắm giữ trung bình hơn 8,5% cổ phần ở mỗi tập đoàn. Đây là khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết lớn nhất của Berkshire Hathaway bên ngoài Mỹ. Berkshire Hathaway bắt đầu mua cổ phiếu của những tập đoàn này vào năm 2020 và liên tục mua thêm kể từ đó.
James Riney, CEO của Coral Capital, một quỹ đầu tư tập trung vào các startup ở giai đoạn đầu, nhận định sự quan tâm của tỉ phú Buffett đã khiến Nhật Bản được chú ý, khiến nhiều nhà đầu tư xem xét các loại tài sản khác nhau ở đó, bao gồm vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm.
Tháng trước, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) rót 10 tỉ yen (70 triệu đô la) vào Go, công ty gọi xe lớn nhất Nhật Bản dựa trên mức định giá 1 tỉ đô la, giúp startup này bước vào hàng ngũ kỳ lân khởi nghiệp.
Ông nói: “Khi xem xét các đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư này muốn tình hình kinh doanh có thể dự đoán được. Hiện tại, Trung Quốc không cung cấp điều đó, nhưng Nhật Bản có triển vọng rõ ràng hơn”.
Thị trường khởi nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang kém xa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Mỹ có hơn 600 kỳ lân khởi nghiệp, Trung Quốc có hơn 150 công ty như vậy, thì Nhật Bản có 6 công ty, theo CB Insights.
Thủ tướng Fumio Kishida đang nỗ lực hỗ trợ thị trường khởi nghiệp. Chính phủ của ông đã công bố kế hoạch 5 năm nhằm tăng số vốn đầu tư vào các startup của đất nước gấp 10 lần, lên 10 nghìn tỉ yen (70 tỉ đô la).
James Riney nói: “Rõ ràng là chính phủ Nhật Bản đang ưu tiên thúc đẩy đầu tư vào các startup và sẽ tiếp tục làm điều đó trong dài hạn”.
Theo Riney, chính phủ Nhật Bản nên dành nhiều ưu đãi thuế hơn cho các startup mới thành lập, để có thể giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp của Nhật Bản.
Một phần của vấn đề hiện nay là thiếu vốn dành các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn sau, đặc biệt là những startup chuẩn bị cho các vòng gọi vốn Series D trở đi. Riney cho biết những startup này đang gặp khó khăn với mức định giá giảm gần 30% vào năm 2022 khi vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu giảm và thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trì trệ.
Tuy nhiên, mức giảm đó nhẹ hơn so với ở những nơi khác. Các startup ở Nhật Bản đã tránh được tình trạng định giá tăng vọt giống như ở các thị trường khác vào năm 2021 do các quỹ mạo hiểm lớn không rót vốn nhiều vào Nhật Bản. Riney cho biết điều đó cho phép hoạt động đầu tư mạo hiểm tiếp tục phát triển ở Nhật Bản trong năm 2022, đi ngược lại với tình trạng bán tháo cổ phần ở các startup trên toàn cầu.
Các startup của Nhật Bản đã huy động được số vốn kỷ lục 877 tỉ yen (6,2 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2022, theo INITIAL Enterprise, công ty thu thập dữ liệu vốn khởi nghiệp trong nước. Con số này cao gấp 10 lần mà họ huy động được trong năm 2013.
Các nhà quản lý tiền vẫn lạc quan về bức tranh thị trường khởi nghiệp ở Nhật Bản. Họ cho rằng tình hình bất ổn vĩ mô toàn cầu chỉ tác động hạn chế đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Nhật Bản. Trong khi đó, rủi ro địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
“Gần đây, có hai điều có lợi cho Nhật Bản. Một là những lo ngại gia tăng xung quanh nền kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư xem Nhật Bản như một sự thay thế dễ đoán hơn. Thứ hai là khoản đầu tư của tỉ phú Warren Buffet vào Nhật Bản. Nhiều nhà đầu tư dường như đang đi theo “nhà tiên tri xứ Omaha” để nắm bắt các cơ hội đầu tư tại Nhật Bản”, James Riney nói.
Dù kinh tế vĩ mô toàn cầu không thuận lợi vào thời điểm này nhưng thị trường khởi nghiệp của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng tốc.
Tsuyoshi Ito, CEO của Beyond Next Ventures, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng số vốn tài trợ khởi nghiệp sẽ tăng lên với sự hỗ trợ của chính phủ. Chính phủ Nhật Bản đã chỉ định năm 2022 là “Năm đầu tiên của sáng tạo khởi nghiệp' và công bố kế hoạch 5 năm để thúc đẩy các startup, trong đó bao gồm số tiền kỷ lục khoảng 1 nghìn tỉ yen dành cho các biện pháp hỗ trợ khởi nghiệp”.
Theo Bloomberg, Tech Crunch