Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường logistics và hạ tầng công nghiệp thu hút đầu tư trong mùa dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường logistics và hạ tầng công nghiệp thu hút đầu tư trong mùa dịch

Trọng Nghĩa

(KTSG Online) - Sự bùng nổ của thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần bên thứ ba (3PL) trong những năm gần đây như một thỏi nam châm thu hút sự quan tâm đáng kể từ các bên tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản hậu cần (logistics) và công nghiệp, bao gồm kho bãi, chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất.

Thị trường logistics và hạ tầng công nghiệp thu hút đầu tư trong mùa dịch
Thị trường logistics và hậu cần vẫn sẽ vững vàng trong vòng xoáy khăn. Ảnh: DNCC

“Trong khi Covid-19 đem lại những thay đổi đáng lo ngại cho cuộc sống và kinh tế, mặt khác nó cũng đã mở ra một cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thương mại điện tử”, bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao thị trường Việt Nam, Tập đoàn tư vấn đầu tư bất động sản JLL, chia sẻ.

Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, với nền tảng dân số trẻ và am hiểu công nghệ, cùng với sự phát triển mạnh của điện thoại thông minh và mạng 4G, Việt Nam luôn nằm trong nhóm thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỉ đô la Mỹ.

Trong quí 2-2021, lĩnh vực này ghi nhận các thương vụ đầu tư mới, như việc Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần phát triển công nghiệp KTG Bắc Ninh tại khu công nghiệp Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu đô la Mỹ; Thị trường cũng đón nhận nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường như GNP Industrial hay Công ty cổ phần công nghiệp khu công nghiệp Việt Nam có thể xem là những dấu hiệu cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường này vẫn tiếp tục gia tăng ngay cả trong đại dịch.

Theo báo cáo của JLL, Việt Nam có định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình ba vùng kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dọc suốt đất nước. Với tổng diện tích đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn cho thuê đến quí 2-2021 lần lượt tại miền Bắc là 9.700 ha và 1,9 triệu m2; miền Trung là 6.600 ha và 30.500 m2; và miền Nam là 25.200 ha và 3,2 triệu m2.

JLL dự báo, khối lượng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và công nghiệp khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng từ 25-30 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2019-2020 lên 50-60 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2023-2025. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ logistics và vận hành thương mại điện tử nước ngoài cũng đang rất nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam.

Với những dữ liệu trên, bà Trang Bùi nhận định: “Sức hấp dẫn của các tài sản logistics và công nghiệp sẽ chỉ theo chiều tăng lên trong mắt các nhà đầu tư. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tăng tỷ lệ đầu tư tài sản logistics khi họ tìm cách phân bổ vốn vào các tài sản ít cạnh tranh và tạo ra thu nhập ổn định”.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng sự lây lan của Covid-19 cũng đã có những ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất; nhà xưởng thiếu hụt lao động do những hạn chế di chuyển; kết nối hậu cần ghi nhận sự gián đoạn trong việc phân phối sản phẩm vì hàng hóa buộc phải phân loại thành thiết yếu và không thiết yếu. Hệ thống logistics, chuỗi cung ứng, các kênh phân phối và bán lẻ chịu nhiều sức ép trong vấn đề làm thế nào để vừa đáp ứng các chính sách an sinh xã hội vừa đảm bảo dịch vụ được vận hành hiệu quả.

Theo dự báo của các chuyên gia, nhìn về tương lai, các nhà đầu tư sẽ rất thận trọng, xem xét kỹ lưỡng các danh mục đầu tư trước khi triển khai vốn cho các khoản đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ dược phẩm tăng tốc ồ ạt đã đảm bảo rằng logistics và công nghiệp vẫn là loại tài sản tăng trưởng vững vàng hơn so với các loại tài sản bất động sản khác năm 2021.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới