(KTSG Online) - Trong năm nay, dòng vốn ngoại chảy ròng vào 25 nền kinh tế đang phát triển lớn thuộc thị trường mới nổi có thể sẽ tăng gần 1/3 so với năm 2023, đạt mức 903 tỉ đô la Mỹ, theo báo cáo của Viện Tài chính quốc tế (IIF), trụ sở ở Washinhton (Mỹ).
- Nâng hạng thị trường và chuyện “hút” vốn ngoại vào doanh nghiệp niêm yết
- Rào cản khiến Việt Nam khó đón nhận dòng vốn FDI chất lượng cao
Vào hôm 30-5, IIF công bố báo cáo cho biết, mức tăng ròng này chủ chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn ngoài đổ vào danh mục đầu tư chứng khoán.
“Thương mại toàn cầu cũng có dấu hiệu phục hồi khá trong vài tháng qua nhờ khối lượng giao dịch tại các thị trường mới nổi tăng lên”, IIF ghi nhận.
Dòng vốn nước ngoài là thành phần quan trọng của cán cân thanh toán của một quốc gia, cùng với cán cân tài khoản vãng lai và những thay đổi trong dự trữ ngoại hối. Dòng vốn nước ngoài chủ yếu là từ vốn FDI cũng như đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào cổ phiếu và trái phiếu.
Dòng vốn FDI ròng chảy vào 25 nước phát triển lớn được dự đoán tăng lên 426 tỉ đô la Mỹ vào năm 2024. Trong khi đó, dòng vốn ròng của nước ngoài rót vào danh mục đầu tư cổ phiếu và trái phiếu ở các nước này có thể đạt 259 tỉ đô la trong năm nay. Con số này tăng đáng kể so với mức 161 tỉ đô la vào năm 2023 nhờ Trung Quốc dự kiến ghi nhận mức phục hồi khiêm tốn sau 2 năm dòng vốn ngoại suy giảm. Số vốn còn lại trong số 903 tỉ đô la mà nhà đầu tư dự kiến rót vào các 25 nước này năm 2024 chủ yếu là các khoản cho vay.
IIF cho biết, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và các yếu tố vĩ mô vững chắc của các nước châu Á sẽ thúc đẩy dòng vốn nước ngoài quay trở lại khu vực này.
Ngân hàng JPMorgan dự kiến đưa Ấn Độ vào chỉ số trái phiếu bằng đồng nội tệ trên toàn cầu vào tháng tới. IIF nhận định động thái này có thể dẫn thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào trái phiếu bằng đồng nội tệ của chính phủ Ấn Độ, làm giảm lợi suất trái phiếu, đồng hỗ trợ đồng rupee.
Dòng vốn FDI chảy ra từ Nga dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay nhưng các nước đang phát triển khác ở châu Âu sẽ chứng kiến vốn FDI tăng trưởng tích cực, một phần nhờ dòng vốn FDI vào Hungary tăng lên.
Đối với các nước phát triển lớn ở châu Phi và Trung Đông, IIF ước tính, dòng vốn ngoại chảy ròng vào sẽ đạt 149 tỉ đô la trong năm 2024, tăng so với 115 tỉ đô la.
Theo báo cáo của IIF, Ai Cập, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA) chiếm 80% dòng vốn ngoài chảy vào của khu vực.
Bên kia Đại Tây Dương, IIF dự báo dòng vốn ngoại đổ vào các thị trường mới nổi ở khu vực Mỹ Latin sẽ tăng mạnh mẽ trong năm nay và năm 2025. Theo IIF, khu vực này tiếp tục được hưởng lợi nhờ vai trò là nhà sản xuất hàng hóa quan trọng cho toàn cầu cũng như vị trí chiến lược tránh xa các xung đột địa chính trị và các cơ hội thu hút đầu tư nhờ nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dự báo của IIF dựa vào giả định, tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng tốc trong năm nay, cùng với kịch bản cắt giảm lãi suất “đáng kể” ở các nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, IIF lưu ý, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 0,7 tỉ đô la khỏi danh mục đầu tư chứng khoán tại khu vực thị trường mới nổi trong tháng 4 do lo ngại về đường lối chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái, dòng vốn nước ngoài bị rút ròng trên thị trường chứng khoán của khu vực này. Trong tháng trước, nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh chứng khoán ở Ấn Độ và Indonesia.
IIF dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay và Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay. IIF nhận định, khu vực sử dụng đồng euro và Anh có thể tiến hành đợt cắt giảm lãi suất chính sách đầu tiên vào tháng 6 hoặc tháng 7.
Theo Reuters