Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường nhà ở Mỹ đóng băng khi người mua người bán đứng ngoài cuộc

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cơn bùng nổ nhu cầu nhà cửa kéo dài một thập niên ở Mỹ đã kết thúc, khiến thị trường trở nên yên ắng một cách kỳ lạ. Phần lớn người mua lẫn người bán đều đang đứng ngoài cuộc. Với lượng giao dịch ngày càng thưa thớt, nhiều nhân viên môi giới bất động sản giờ đây đang chuyển sang làm các công việc khác.

Một khu dân cư ở Tacoma, bang Washington, Mỹ. Ảnh: Getty

Khi giá nhà lao dốc ở những địa điểm sôi động nhất và nền kinh tế Mỹ đang mấp mé bên bờ vực suy thoái, hàng tồn kho vẫn thắt chặt, ngăn giá giảm sâu hơn. Nhưng cú sốc từ lãi suất vay thế chấp tăng vọt, hệ quả của chiến dịch thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đã khiến lĩnh vực nhà đất rơi vào tình trạng hỗn loạn với thị trường báo hiệu thời kỳ khó khăn hơn sắp tới.

Theo dữ liệu từ sàn giao dịch bất động sản trực tuyến Zillow, số lượng nhà rao bán trong tháng 10 của Mỹ giảm 24% so với một năm trước đó, tháng giảm thứ tư liên tiếp. Đồng thời, lượng giao dịch mua cũng giảm và hiện thấp hơn 17% so với tháng 10-2019.

Với một ngôi nhà thông thường, hiện tại chỉ phù hợp với khả năng tài chính của những người có thu nhập hơn 100.000 đô laMỹ/năm, các nhân viên môi giới đang chật vật để tìm người mua. Và các chủ nhà cũng không muốn bán ngôi nhà hiện tại của họ, đặc biệt là nếu họ phải vay thế chấp với lãi suất cao hơn để mua lại căn nhà khác.

Benjamin Keys, giáo sư chuyên ngành bất động sản ở Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nói: “Thị trường có thể đông cứng một thời gian nữa vì không có bất kỳ lực lượng thị trường nào có thể làm tan băng một cách nhanh chóng”.

Để phá vỡ tình trạng bế tắc, khả năng chi trả của người mua tiềm năng phải được cải thiện. Hiện tại, điều đó có nghĩa là giá nhà hoặc lãi suất phải giảm đáng kể.

Theo Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, chi phí lãi vay thế chấp đã giảm một phần sau khi vượt qua mức 7% vài tuần trước, nhưng không có khả năng giảm nhiều hơn nữa trong tương lai gần.

Ông dự kiến trong hai năm tới, giá nhà ở Mỹ sẽ giảm gần 10% so với mức đỉnh hồi tháng 6 với điều kiện đất nước tránh được cơn suy thoái kinh tế toàn diện. Tuy nhiên, ngay cả một cơn suy thoái vừa phải cũng có thể khiến giá nhà giảm 20%, ông cảnh báo.

Zandi cho biết các chủ nhà đang cầm cự với hy vọng lãi suất sẽ giảm nhiều hơn, giúp bán dễ dàng hơn và mua lại ngôi nhà khác rẻ hơn. Nhưng các sự kiện như ly hôn, thay đổi công việc và sinh con sẽ tiếp tục đến, buộc nhiều chủ nhà cuối cùng phải rao bán nhà của họ.

Ông lưu ý khi thị trường việc làm trở nên xấu đi rõ rệt do kinh tế suy thoái, áp lực bán nhà sẽ tăng lên.

Bất kỳ ngôi nhà nào được rao bán hiện nay cũng sẽ phải cạnh tranh với những ngôi nhà đang mòn mỏi chờ khách trên thị trường. Ở những nơi như thành phố Phoenix, bang Arizona, số lượng nhà đăng bán nhưng chưa bán được đang ngày càng tăng kể từ khi người mua rút lui.

Nhưng bối cảnh thị trường nhà ở hiện nay khác xa so với thời kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hầu hết những người mua nhà cách đây một thập niên đều ghi nhận giá trị căn nhà của họ đã tăng lên đáng kể. Và các khoản thế chấp có lãi suất cố định trong 30 năm ở mức thấp trước đây cho phép họ vượt qua cơn biến động lãi suất hiện nay.

Giáo sư Benjamin Keys nhận định các chủ nhà này có khả năng đứng ngoài thị trường trong nhiều năm, khiến thị trường tiếp tục đông cứng. Ông cũng cho biết hiện có rất ít người háo hức mua nhà vì phần lớn những người có nhu cầu thực sự đã mua nhà trong vài năm qua.

Với lượng nhà đăng bán còn tồn đọng nhiều ở hạt Bergen, bang New Jersey, điểm nóng của các giao dịch mua bán nhà ở trong thời kỳ đại dịch Covid-19, hai nhân viên môi bất động sản Yvette Miranda-Lee và Lamont Byrd đang thử các chiến lược mới để mở rộng doanh số bán nhà.

Họ đã thuyết phục được một vài người bán đóng vai trò là ngân hàng cho người mua của họ, cung cấp nguồn tài chính ngắn hạn, giá rẻ để làm cho những ngôi nhà có giá cả phải chăng.

Cách đây 6 tháng, hai nhân viên môi giờ này túi bụi với công việc kinh doanh. Giờ đây, họ đi gõ cửa từng nhà để tìm kiếm bên bán có động lực nhất, đó là người sắp mất nhà vì bị ngân hàng tịch biên.

Ở Las Vegas, thị trường yếu đến nỗi Trish Williams, một nhân viên môi giới của Công ty Keller Williams, đã phải từ chối một số người bán không thực tế về mức giá mà họ có thể nhận được. Williams phải trả chi phí tiếp thị cho các thông tin đăng bán nhà, vì vậy, cô không thể lãng phí với những căn nhà rao bán với giá bất hợp lý trong tình cảnh thị trường ảm đạm hiện nay.

Dustin Holindrake, nhân viên môi giới của Công ty Home Group ở Chandler, Arizona, cho biết hầu hết các nhân viên môi giới giờ đây phải chuyển sang làm các công việc tay trái để cầm cự qua ngày.

Sau khi không bán được căn nhà nào trong vài tháng qua, Holindrake bắt đầu bán các thiết bị năng lượng mặt trời. Anh nói: “Tôi có một tài khoản tiết kiệm lớn vào đầu năm, nhưng giờ tôi bắt đầu lo lắng vì không còn kiếm được thu nhập nữa”.

Theo Bloomberg

1 BÌNH LUẬN

  1. Khi có nhiều người bán thì cuộc thanh lọc thị trường sẽ diễn ra mạnh mẽ. Khi có nhiều người mua thì các nhà đầu cơ sẽ bắt đầu trỗi dậy. Bất động sản ở Mỹ đang ngược hoàn toàn so với ta. Giá bất động sản đông cứng. Người mua hầu như không có động lực, kể cả những nhu cầu thực. Nhiều đại gia bất động sản đang buộc phải hạ giá, có nơi lên đến 30%, nhưng thị trường vẫn chưa thực sự nhúc nhích. Xu thế là phải tiếp tục hạ giá/ giảm lãi/ cắt lỗ/ thanh lọc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới