Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường nông nghiệp toàn cầu đứng trước biến động lớn khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các thị trường gạo, lúa mì và đường trên toàn cầu đang đối mặt với cơn biến động tiềm tàng do sự thay đổi có khả năng xảy ra trong chính sách thương mại của Ấn Độ sau khi chính phủ mới nhậm chức trong tháng này.

Công nhân bốc các bao lúa lên xe tải tại chợ sĩ ngũ cốc ở thành phố Chandigarh, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đã hạn chế cung cấp một số nông sản quan trọng gồm gạo và đường cho thị trường toàn cầu trong hơn hơn một năm qua.

Thủ tướng Narendra Modi đã tìm cách đảm bảo đủ nguồn cung lương thực trong nước và giảm lạm phát tiêu dùng trước cuộc bầu cử quốc gia diễn ra từ ngày 19-4 đến ngày 1-6. Bằng cách cấm xuất khẩu một số loại gạo kể từ tháng 7 năm ngoái, ông đã rút ​​​​lại cam kết cung cấp lương thực cho thế giới sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Chính phủ Ấn Độ cũng không giảm thuế nhập khẩu lúa mì để xoa dịu nông dân trong nước, vốn là lực lượng cử tri quan trọng.

Trên thị trường thế giới, giá cả của một số mặt hàng nông sản đã giảm so với mức đỉnh khi giới chức trách Ấn Độ tìm cách ngăn chặn hoạt động đầu cơ và xuất khẩu một số gạo từ kho dự trữ nhà nước. Điều đó báo hiệu chính phủ mới của Ấn Độ có thể thay đổi các hạn chế thương mại sau khi kết quả bầu cử được công bố vào ngày 4-6.

Đảng Nhân dân Ấn Độ (Bharatiya Janata) của Thủ tướng Narendra Modi được dự đoán sẽ giành chiến thắng.

Bất kỳ sự nới lỏng nào trong hoạt động xuất khẩu gạo và đường của Ấn Độ cũng có thể làm suy giảm giá gạo ở Á đang giao dịch gần mức cao nhất trong 15 năm. và góp phần làm giảm giá đường trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, giá lúa mì có thể tăng cao hơn nữa nếu chính phủ mới của Ấn Độ chấp nhận lời kêu gọi giảm thuế nhập khẩu của lúa mì để tăng nguồn cung trong nước.

Kể từ năm ngoái, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và một số loại gạo trắng, bên cạnh việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với loại gạo đồ. Động thái này siết chặt nguồn cung toàn cầu, đẩy giá gạo tăng cao, gây tổn thương vào một nước ở Tây Phi và Trung Đông vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung gạo của Ấn Độ.

“Các nhà xay xát gạo Ấn Độ sẽ yêu cầu chính phủ mới cho phép xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng”, B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, nói. Ông cho biết, ngành xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ vẫn ổn nhưng các hạn chế thương mại nên được dỡ bỏ.

Ông dự báo mùa mưa sắp tới sẽ có lượng mưa trên mức bình thường, làm tăng triển vọng cho vụ thu hoạch lúa gạo trong niên vụ 2024-2025.

Về lúa mì, các nhà nhập khẩu của Ấn Độ đang vận động chính phủ giảm mức thuế nhập khẩu 40% hiện nay đối với mặt hàng này. Ấn Độ đã không mua lúa mì của nước ngoài với quy mô lớn kể từ năm 2017. Trong khi đó, nguồn cung lúa mì trong nước trở nên thắt chặt hơn do các cơ quan nhà nước mua dự trữ số lượng lớn để phục vụ các sáng kiến ​​phúc lợi khác nhau. Hiện nay, giá lúa mì và bột mì bán lẻ ở Ấn Độ cao hơn khoảng 5% so với một năm trước. Giá lúa mì tương lai ở sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) tăng hơn 9% từ đầu năm.

Navneet Chitlangia, Phó Chủ tịch cấp cao của Liên đoàn các nhà xay bột mì Ấn Độ cho biết, Ấn Độ cần nhập khẩu 2-3 triệu tấn lúa mì trong năm nay để cải thiện năng lực nguồn cung cho thị trường nội địa và tạo vùng đệm.

Cơ quan Dịch vụ nông nghiệp nước của Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán, nhập khẩu lúa mì của Ấn Độ sẽ đạt 2 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu vào ngày 1-4 nhờ nhu cầu nội địa ổn định. Các nhà xay bột mì và sản xuất bánh mì ở Ấn Độ đang lo ngại dự trữ lúa mì sẽ tiếp tục giảm trong nhiều tháng tới vì vụ thu hoạch tiếp theo chỉ bắt đầu vào tháng 3 của năm sau.

Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho hay, New Delhi dự kiến bãi bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với lúa mì trong năm nay, mở đường cho các thương nhân và nhà máy xay bột mì của Ấn Đô mua lúa mì từ các nhà sản xuất hàng đầu bao gồm Nga.

Dự trữ lúa mì trong các kho nhà nước giảm xuống 7,5 triệu tấn trong tháng 4, mức thấp nhất trong 16 năm, sau khi chính phủ buộc phải bán ra hơn 10 triệu tấn cho các nhà xay bột và nhà sản xuất bánh quy để kiềm chế giá cả.

“Việc loại bỏ thuế nhập khẩu sẽ giúp đảm bảo dự trữ lúa mì của Ấn Độ sẽ không giảm xuống dưới mức chuẩn tâm lý là 10 triệu tấn”, một quan chức của chính phủ Ấn Độ, nói.

Về mặt hàng đường, Ấn Độ áp dụng một hệ thống hạn ngạch xuất khẩu mới vào niên vụ 2022-2023, chỉ cho phép xuất khẩu tối đa khoảng 6 triệu tấn đường, so với 11 triệu tấn xuất khẩu vào niên vụ trước đó. Đến tháng 10, Ấn Độ quyết định kéo dài các hạn chế xuất khẩu này. Ấn Độ vẫn chưa công bố hạn ngạch xuất khẩu đường cho năm nay.

Ấn Độ có đủ dự trữ đường cho tiêu dùng nội địa và có đủ khả năng xuất khẩu 2 triệu tấn trong mùa vụ này, theo Deepak Ballani, Tổng Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất đường và năng lượng sinh học Ấn Độ. “Chúng tôi mong muốn chính phủ cho phép xuất khẩu theo yêu cầu của chúng tôi”, ông nói.

Ông cho biết, lượng mưa dồi dào trong mùa mưa của năm trước và dự báo lượng mưa trên mức bình thường trong năm nay sẽ không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung mía đường thoải mái cho tiêu dùng trong nước mà giúp duy trì chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol để pha trộn với xăng.

Theo Bloomberg, Reuters

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới