Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường nông sản Ấn Độ đang chờ doanh nghiệp Việt Nam

Nguyễn Ngọc Trâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Với quy mô dân số khổng lồ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cùng mức chi tiêu của người tiêu dùng đều đang tăng nhanh, Ấn Độ đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà xuất khẩu lương thực và nông sản Việt Nam.

Dự kiến, trong vòng năm năm tới, người tiêu dùng Ấn Độ sẽ chi tiêu mạnh tay nhất trong số các nền kinh tế G20 (tỷ lệ tăng trưởng kép ước tính là 6,6% một năm, so với mức tăng trung bình trong G20 là 2,7%).

Hạt điều - mặt hàng mà Việt Nam đang chiếm vị trí nhà xuất khẩu số 1 - lại cũng là sản phẩm được Ấn Độ nhập khẩu với số lượng khổng lồ, chiếm vị trí thứ 2 trong số các nông sản mà nước này mua nhiều nhất. Ảnh: H.P

Ấn Độ là quốc gia đông dân cư nhất thế giới với dân số khoảng 1,4 tỉ người vào năm 2023 - chiếm 18% tổng dân số toàn cầu - theo số liệu của Liên hiệp quốc, và kể từ đầu thế kỷ 21 tới nay vẫn duy trì đà tăng trưởng dân số mạnh mẽ (tính từ năm 2000 đến thời điểm hiện tại, mức tăng này là 400 triệu người).

Bên cạnh quy mô dân số khổng lồ này, một yếu tố then chốt nữa khiến Ấn Độ trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà xuất khẩu lương thực và nông sản Việt Nam là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cùng mức chi tiêu của người tiêu dùng đều đang tăng nhanh. Sau một thời gian giảm sút vì đại dịch Covid-19, GDP thực tế của Ấn Độ đã khôi phục trong năm tài khóa 2021 và đến năm tài khóa 2022 thì đã tăng trưởng xấp xỉ 6,9% - thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Đi kèm với đó là các hộ gia đình Ấn Độ cũng đẩy mạnh chi tiêu và xu hướng này chưa có dấu hiệu biến mất. Dự kiến trong vòng năm năm tới, người tiêu dùng Ấn Độ sẽ chi tiêu mạnh tay nhất trong số các nền kinh tế G20 (tỷ lệ tăng trưởng kép ước tính là 6,6% một năm, so với mức tăng trung bình trong G20 là 2,7%).

Tại cuộc hội thảo “Kinh doanh tại Ấn Độ - Những nội dung quan trọng doanh nghiệp Việt Nam cần biết” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vào ngày 11-05 vừa qua, các chuyên gia nhận định, Ấn Độ hiện là thị trường tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, cũng là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho hàng Việt. Việt Nam và Ấn Độ đều là hai quốc gia phát triển mạnh về nông nghiệp, với con số xuất khẩu nông lâm thủy sản tương đương nhau, trên 50 tỉ đô la mỗi năm.

Thế nhưng giao thương nông sản giữa hai nước được đánh giá là còn quá thấp, chỉ đạt chưa đến 2 tỉ đô la mỗi năm. Rõ ràng, tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ vẫn còn rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu rõ những mặt hàng nông sản mà thị trường lớn nhất thế giới này đang “thèm khát” cũng như những rào cản cần lưu ý để đảm bảo cho một chiến lược xuất khẩu lâu dài và gặt hái nhiều thành công.

Những mặt hàng giàu tiềm năng

Hạt điều - mặt hàng mà Việt Nam đang chiếm vị trí nhà xuất khẩu số 1 thế giới, mang về cho nước ta hàng tỉ đô la mỗi năm - lại cũng là sản phẩm được Ấn Độ nhập khẩu với số lượng khổng lồ, chiếm vị trí thứ 2 trong số các nông sản mà nước này mua nhiều nhất (sau dầu thực vật).

Trong năm tài khóa 2023, giá trị nhập khẩu hạt thực vật của Ấn Độ đạt 2,8 tỉ đô la thì trong đó hạt điều chiếm tới 1,4 tỉ đô la. Loại hạt mà nước này nhập nhiều thứ hai là hạnh nhân, với con số 932 triệu đô la. Một loại hạt nhập khẩu đáng chú ý khác là trầu cau (156 triệu đô la). Đây đều là những mặt hàng mà Việt Nam rất quen thuộc, có truyền thống gieo trồng lâu đời và có thể nhanh chóng xuất đi với số lượng lớn, giá cả phải chăng khi có nhu cầu.

Với ý thức về sức khỏe ngày càng tăng, người tiêu dùng đang lựa chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh, do đó nhu cầu về hạt điều có hương vị đang tăng lên ở Ấn Độ. Là một đất nước có số lượng lớn người ăn chay, Ấn Độ cần nhập rất nhiều loại hạt thực vật có hàm lượng xơ và protein sạch cao như hạt điều để đáp ứng thị trường trong nước.

Nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm dệt may từ Ấn Độ đã kéo theo gia tăng nhu cầu về sợi dệt. Ngành dệt may của nước này có quy mô rất lớn và hoạt động sản xuất sợi bông trong nước luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”, do đó phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Việt Nam là một trong những nước sản xuất bông và các loại sợi với chất lượng sợi dệt vượt trội, bền chắc. Các nhà sản xuất dệt may tại Ấn Độ sẵn sàng trả giá cao để có được chất lượng này, khiến sợi dệt Việt Nam trở thành hàng hóa rất quý giá. Hơn nữa, Việt Nam còn có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng quan trọng cho Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may kỹ thuật, khi Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực mạnh mẽ để phát triển ngành nghề này.

Theo nghiên cứu Tiêu thụ thủy hải sản ở Ấn Độ: Mô hình và xu hướng (Fish Consumption in India: Patterns and Trends) do tổ chức quốc tế WorldFish công bố vào đầu năm nay, mức tiêu thụ thủy hải sản ở Ấn Độ dự kiến đạt 26,5 triệu tấn vào năm 2048 - tức là tăng gấp đôi so với thời điểm này - nếu xu hướng tiêu thụ hiện tại vẫn được duy trì. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tới 72,1% dân số Ấn Độ - khoảng 966,9 triệu người - bổ sung thủy hải sản vào chế độ ăn uống. Sự gia tăng mạnh mẽ này là do tốc độ tăng trưởng dân số, mức thu nhập trung bình được cải thiện dẫn đến chế độ ăn uống nâng cao.

Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam tới khai thác và khẳng định danh tiếng lâu năm (với thành tích xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và giá trị xuất khẩu vượt mốc 11 tỉ đô la vào năm 2022). Hiện tại, quy mô xuất khẩu thủy hải sản từ Việt Nam sang Ấn Độ là quá thấp (440 triệu đô la vào năm 2022) so với các thị trường truyền thống như Mỹ (chỉ riêng xuất khẩu tôm vào thị trường này trong năm 2022 đã đạt 807 triệu đô la), đòi hỏi nỗ lực thật nhiều hơn nữa từ phía doanh nghiệp Việt.

Khó khăn vẫn còn đó

Trên cơ sở các chính sách “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) và “Self-Reliant India” (Ấn Độ tự cường) của Thủ Tướng Modi, nước này áp đặt nhiều biện pháp cản trở thương mại nông sản quốc tế bằng cả mức thuế quan cao và các hàng rào phi thuế quan. Mức thuế quan mà Ấn Độ đánh vào phần lớn sản phẩm nông nghiệp và hàng tiêu dùng chế biến sẵn thường dao động ở mức 30-40%, có trường hợp thuế suất ràng buộc lên tới 150%. Song song với đó là các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật cùng nhiều hàng rào phi thuế quan khác, nhất là trong lĩnh vực công nghệ sinh học, không dựa trên cơ sở khoa học hay rủi ro nào.

Cụ thể, đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam, trong một cuộc tiếp đón Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam vào tháng 2-2023, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thẳng thắn nêu quan ngại đối với các biện pháp chính sách của Ấn Độ như áp giá sàn nhập khẩu hồ tiêu, hạt điều, hạn chế nhập khẩu hương nhang, các yêu cầu xác minh xuất xứ hàng hóa theo Luật Hải quan CAROTAR 2020. Còn về một mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam là trái cây, có những loại hoa quả xuất khẩu sang Ấn Độ bị đánh mức thuế lên tới 70% vì chưa được thị trường này mở cửa. Hiện tại mới chỉ có duy nhất trái thanh long Việt Nam xuất khẩu được sang Ấn Độ với thuế suất 0%.

Trong chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ vào đầu tháng 8 vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai phía đã nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực. Xét đến nhu cầu nhập khẩu gần như “vô tận” của Ấn Độ và năng lực xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới của Việt Nam, nếu những rào cản hiện còn đang gây nhiều trở ngại cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiếp cận Ấn Độ được gỡ bỏ, thì các doanh nghiệp Việt sẽ thu được rất nhiều lợi ích từ một thị trường vốn đã rất to lớn và lại đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới