Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường ô tô mong ngóng sức bật những tháng cuối năm

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường ô tô trong nước đã trải qua nửa năm đầy gian nan khi sụt giảm sâu đến 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar (giảm 76,4%).

Trước các chính sách hỗ trợ thị trường, các hãng lắp ráp và nhà kinh doanh ô tô mong đợi sự hồi phục hồi bán hàng vào những tháng còn lại trong năm, để kéo lại lượng bán hàng sụt giảm sâu nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết khó có thể kỳ vọng thị trường đạt được bằng như năm ngoái do tình hình kinh tế còn khó khăn, lãi suất vay vẫn còn cao...

Sau kết quả kinh doanh giảm sâu nửa đầu năm nay, các nhà lắp ráp và kinh doanh ô tô trông chờ sức bật thị trường vào những tháng cuối năm. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Sản lượng sản xuất liên tục sụt giảm

Trưởng phòng kinh doanh của đại lý một thương hiệu ô tô Nhật Bản tại TPHCM than với KTSG Online rằng tiêu thụ ô tô trong những tháng nửa đầu năm nay liên tục bị sụt giảm nhiều dẫn đến tình hình bán hàng tại trong nửa đầu năm bị sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù đã cố gắng đưa ra nhiều chương trình kích cầu như giảm phí trước bạ và khuyến mãi nhưng lượng xe bán ra  khá chậm... dẫn đến lượng tồn kho nhiều và tình hình kinh doanh tại đại lý này hiện rất khó khăn.

Tương tự, trước sự "lao dốc" của thị trường trong nửa đầu năm nay, lãnh đạo một doanh nghiệp lắp ráp ô tô bày tỏ sự lo lắng khi dự báo thị trường ô tô tiêu thụ năm nay khó có thể đạt được như năm ngoái và ông dự báo có thể giảm khoảng 20%.

Trên thực tế đà sụt giảm tiêu thụ ô tô đã thấy rõ từ những tháng cuối năm ngoái khi tình hình sản xuất kinh doanh xuất khẩu cũng đã "thấm" với các đợt suy giảm đơn hàng cho các thị trường lớn. Tiêu thụ giảm mạnh dẫn đến tồn kho tăng cao. Nhiều doanh nghiệp ô tô phải đối mặt với tình trạng tồn kho lớn.

Số liệu bán hàng do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cung cấp cũng cho thấy lượng bán hàng toàn thị trường trong nửa đầu năm nay giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 37%, xe thương mại giảm 11% và xe chuyên dụng giảm 65%. Đáng chú ý, lượng bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm đến 37%.

Đơn cử như xe Kia của Thaco chỉ tiêu thụ được hơn 17.240 xe, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Hay thương hiệu xe Peugeot chỉ có lượng xe bán ra là 1.232 xe, giảm đến hơn 80%...

Đáng chú ý, nhiều thương hiệu ô tô đến từ Nhật Bản có lượng tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước trong những năm qua cũng có lượng bán hàng bị sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay. Đơn cử như Toyota chỉ tiêu thụ được 26.637 xe, giảm đến 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Hay lượng xe Honda chỉ tiêu thụ được gần 9.500 xe, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Còn Mitsubishi dù có lượng bán ra tương đối khá đạt gần 12.850 xe, những vẫn sụt giảm đến 29% so với cùng kỳ năm ngoái...

Gần đây, Hiệp hội Sản xuất ô tô Đông Nam Á (Asean Automative Federation - AAF) cũng đã công bố số liệu về thị trường ô tô của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, có 7 quốc gia trong khu vực được AAF theo dõi và thống kê, bao gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, xét trên tiêu chí lượng bán hàng, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường Việt Nam tiêu thụ 137.327 xe, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm lớn thứ hai trong khu vực này, chỉ sau thị trường Myanmar (giảm 76,4%).

Mặt khác dù thị trường ô tô trong nước giảm sâu nhưng một số thị trường trong khu vực này vẫn tăng trưởng. Cụ thể xét trên bình diện khu vực, Indonesia tiếp tục là thị trường có lượng tiêu thụ ô tô lớn nhất trong 6 tháng đầu năm với lượng bán hàng đạt 505.985 xe, đạt mức tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, thị trường có mức tăng trưởng doanh số ấn tượng nhất trong khu vực được AAF ghi nhận trong nửa đầu năm nay là Philippines, nơi chứng kiến lượng xe bán ra đạt hơn 202.400 xe, tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ. Thái Lan ở vị trí thứ 2 với tổng cộng xe bán ra hơn 406.130, chỉ giảm nhẹ 5% so với 6 tháng đầu năm ngoái.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là cùng thời gian trên, sản lượng sản xuất ô tô của thị trường Việt Nam chỉ đạt hơn 79.270 xe, giảm đến 33% so với cùng kỳ năm trước, nằm trong nhóm các quốc gia trong khu vực AAF có mức giảm tốc lớn nhất khu vực về sản lượng sản xuất.

Chính sách hỗ trợ có ghìm được cơn lao dốc?

Thị trường sụt giảm như trên theo các đơn vị sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam là do tình hình kinh tế vĩ mô nửa đầu năm đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường bất động sản "đóng băng" khiến dòng tiền bị tắc nghẽn.

Chính sách giảm 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước được cho là sẽ thúc đẩy thị trường ô tô tăng trở lại nhưng tình hình tháng đầu áp dụng các nhà kinh doanh cho biết chưa đạt như kỳ vọng. Ảnh minh họa: L.Hoàng

Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng được thắt chặt, lãi suất cho vay tăng rất cao, nguy cơ lạm phát gia tăng khiến những người có ý định mua ô tô cũng thắt chặt chi tiêu vả hoãn kế hoạch mua xe… đã kéo tụt sức mua ô tô tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước, có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua.

Sau 2 lần từng được ban hành vào năm 2020 và 2021, chính sách này đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng bán hàng. Vì vậy, trong lần thứ 3 được triển khai vừa qua, chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được Chính phủ ban hành được xem như "liều thuốc" có thể kéo cho thị trường ô tô phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Với mức giảm 50% phí trước bạ đồng nghĩa với việc khách hàng mua xe lắp ráp trong nước chỉ cần đóng phí 5-6% giá trị xe, thay vì 10-12% như trước. Đây là cơ hội tốt giúp khách hàng có thể tiết kiệm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng khi sở hữu các mẫu xe ô tô lắp ráp trong nước.

Đáng chú ý, trong thời gian này, các khách hàng xuất hóa đơn trong tháng 6 và đăng ký mới trong tháng 7 còn được hưởng ưu đãi kép, tiết kiệm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng khi vừa giữ được chương trình giá tốt nhất trong tháng 6 đồng thời còn được hưởng lợi thêm từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế lại không như kỳ vọng của các nhà kinh doanh ô tô. Sau hơn một tháng có hiệu lực, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước vẫn chưa thể vực dậy sức mua trên thị trường ô tô. Tình hình kinh doanh tại nhiều đại lý ô tô vẫn rất ảm đạm.

Trao đổi với KTSG Online, các đại lý ô tô Toyota, Mazda, Hyundai, Kia... cho biết từ khi chính sách giảm giá phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước (ngày 1-7) đến nay, sức mua vẫn chưa tăng cao như mong đợi. Lượng khách hàng đến xem có tăng nhẹ, nhưng lượng mua xe tại đại lý vẫn không nhiều như lúc thị trường ổn định trước đây.

Theo giải thích của các nhà kinh doanh, không chỉ là vấn đề hỗ trợ phí trước bạ, hiện tại đa số khách hàng còn tỏ ra e dè nhiều yếu tố khác và cân nhắc khá kỹ trước khi đưa ra quyết định mua xe. Bởi lẽ thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn dẫn đến dòng tiền bị tắc nghẽn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua xe hiện vẫn ở mức cao...

Tình hình đơn hàng xuất khẩu của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhiều lĩnh vực chưa được phục hồi nhiều, tình trạng thất nghiệp vẫn tăng cao, kinh tế trong nước còn khó... dẫn đến người có ý định mua ô tô cũng phải đắn đo.

Theo các nhà kinh doanh ô tô, chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ của nhà nước đợt này có thể phần nào giúp thúc đẩy thị trường sôi động hơn nhưng hiệu quả khó được như những năm trước đó. Phía các đại lý cùng nhà sản xuất vẫn nỗ lực duy trì các chương trình ưu đãi, giảm giá nhưng nhìn chung, sức mua vẫn chưa có sự tăng trưởng đột phá bởi tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhà sản xuất, nhà phân phối cùng linh hoạt xoay xở

Theo thông tin từ các doanh nghiệp ô tô, do tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, lãi suất tăng cao, kinh tế khó khăn, nhu cầu yếu... dẫn đến hiện lượng xe tồn kho khá lớn, ngay cả xe tồn từ năm 2022 chuyển sang vẫn còn khá nhiều. Thông thường như mọi năm, xe sản xuất lắp ráp từ năm cũ chỉ tồn tới hết quí 1, nhưng năm nay sang tới quí 2 các nhà máy vẫn còn tồn lượng lớn xe của năm 2022.

Các doanh nghiệp hy vọng nhờ được ưu đãi 50% lệ phí trước bạ từ 1-7-2023 cùng với các chương trình khuyến mãi được đẩy mạnh, sẽ giúp thị trường ô tô khởi sắc hơn vào nửa cuối năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, nếu cắt giảm khuyến mãi, giảm giá,… khó có thể hút khách mua, khi nhiều mẫu mã ô tô nhập khẩu đang được ưu đãi lên đến cả trăm triệu đồng.

Thị trường ô tô năm nay được dự báo khó có thể đạt như kết quả bán hàng của năm 2022. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Và trên thực tế trong tháng 7 vừa qua, các hãng sản xuất và kinh doanh ô tô vẫn duy trì ưu đãi, khuyến mại, nhất là đối với nhà phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc đã chạy đua giảm 50% thuế VAT để cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước được hưởng chính sách ưu đãi.

Hay bước sang tháng 8 này, các hãng xe, đại lý ô tô cũng đã tung ra ưu đãi, giảm giá "sâu", tặng 50% lệ phí trước bạ cho khách mua xe... để kéo khách hàng.

Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) mới đây đã công bố trong tháng 8 và tháng 9-2023 dành tặng ưu đãi giảm giá tương đương 50% thuế VAT trên giá bán lẻ đề xuất cho hầu hết các mẫu xe của hãng với mức giảm thấp nhất trên 70 triệu đến hàng trăm triệu đồng/xe.

Theo đó, chương trình thực hiện kéo dài đến hết tháng 9 tới áp dụng cho khách hàng mua xe Mercedes-Benz lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu tại hệ thống nhà phân phối chính hãng Mercedes-Benz, đã hoàn tất thủ tục thanh toán 100% giá trị hợp đồng sẽ nhận được ưu đãi giảm giá 4,55% trên giá bán lẻ đề xuất được công bố của MBV, tương đương 50% VAT.

Mức giảm giá trên sẽ được khấu trừ vào giá giao dịch thực tế giữa người tiêu dùng cuối cùng và nhà phân phối. Hóa đơn VAT sẽ vẫn áp dụng mức thuế chính thức là 10% áp dụng cho xe ô tô theo quy định hiện hành.

Đáng chú ý, chương trình tri ân khách hàng thân thiết với mức ưu đãi nâng từ 1% lên 2% (trên giá bán lẻ đề xuất) dành cho khách hàng đã từng sở hữu xe Mercedes-Benz đã được hãng công bố vào tháng 7 vừa qua cũng sẽ được áp dụng đồng thời. Bên cạnh đó, mức ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe ô tô lắp ráp trong nước từ Chính phủ vẫn sẽ có hiệu lực đến hết năm 2023 trên các mẫu xe C-Class, E-Class, GLC và AMG C 43 vừa được ra mắt.

Hay hệ thống đại lý Toyota trên toàn quốc tiếp tục triển khai chương trình khuyến mại cho khách hàng mua Toyota Corolla Cross (phiên bản G, V và HEV) sản xuất năm 2023 sẽ được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ.

Trong tháng 8 này, Honda Việt Nam phối hợp cùng các nhà phân phối triển khai chương trình khuyến mại “Cơ hội duy nhất nhận ưu đãi cực chất”, cho khách hàng mua xe Honda CR-V, Honda Civic RS và Honda Accord đến hết 31-8.

Cụ thể, với xe CR-V, bên cạnh được hưởng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ theo quy định của Chính phủ, khách mua xe còn được hỗ trợ 150 triệu đồng tiền mặt. Với xe Honda Civic RS, và Honda Accord khách hàng được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ (không bao gồm VAT), miễn phí 1 năm bảo hiểm thân vỏ (không bao gồm VAT) và nhiều quà tặng hấp dẫn khác từ nhà phân phối.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang duy trì mức cao, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho khách hàng có cơ hội sở hữu ô tô điện, hãng xe Việt VinFast cho biết đã hợp tác với các ngân hàng đối tác dành riêng gói Tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi đặc biệt.

Chính sách được áp dụng cho khách hàng vay mua ô tô điện kết hợp với các đối tác bao gồm: MB Bank, VietinBank, BIDV. Với tổng giá trị lên đến 3.500 tỉ đồng, chương trình Tín dụng xanh đảm bảo khách hàng có nhu cầu vay mua xe ô tô VinFast mới 100% sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi 8% trong 18 tháng đầu, sau 18 tháng sẽ áp dụng lãi suất thông thường của ngân hàng.

Hàng loạt nhà lắp ráp, đại lý và nhà nhập khẩu ô tô khác cũng đang đánh giá lại thị trường hiện nay cũng như nghe ngóng các đối thủ kinh doanh trong cùng phân khúc để có chính sách bán hàng cạnh tranh nhằm kéo khách hàng về với mình vào những tháng còn lại trong năm nay.

Với tình hình kinh doanh hiện tại và sắp rơi vào tháng "ngâu - tháng 7 âm lịch" - dân gian hay gọi là tháng cô hồn mà nhiều người kiên kỵ chi nhiều tiền mua sắm như xe ô tô, các đơn vị kinh doanh ô tô dự báo phải đến tháng 9-2023 "liều thuốc" giảm lệ phí trước bạ mới thực sự phát huy tác dụng để kích thích tâm lý mua ô tô của khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi trên thị trường ô tô.

Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng chính sách khó có thể mang lại hiệu quả như những lần được ban hành trước đây và hầu hết dự báo rằng thị trường khó có thể tăng trưởng đột phá trong giai đoạn cuối năm cũng như kết quả kinh doanh năm nay khó có thể đạt được như kết quả của năm 2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới