Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường phim hoạt hình nội địa: ‘Mỏ vàng’ bỏ ngỏ

Hoàng An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hoạt hình Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn phát triển trong 65 năm qua. Dù đã có bước tiến đáng kể khi đóng góp 10-15% doanh thu cho toàn ngành điện ảnh trong 10 năm qua, nhưng để Việt Nam gia tăng sở hữu IP (tài sản trí tuệ) cho ngành còn là chặng đường dài bởi còn nhiều vấn đề thách thức.

Gian nan sáng tạo “Disney thu nhỏ”

Theo báo cáo của nhóm Tư vấn và Nghiên cứu Phân tích Thị trường Quốc tế (IMARC Group), quy mô thị trường hoạt hình Việt Nam được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,12% trong giai đoạn 2024-2032. Tại hội nghị giao lưu ngành kỹ xảo điện ảnh Việt – Pháp (Vietnam - France VFX Conference 2024) vừa qua, thống kê Việt Nam hiện có khoảng 200 studio tham gia ngành công nghiệp hậu kỳ, làm kỹ xảo, game, phim hoạt hình 2D/3D. Trong đó ước tính có hơn 50 studio hoạt động chính trong ngành hoạt hình.

Phim hoạt hình do hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất trung bình 25-30 bộ/năm, mỗi bộ dao động dưới 30 phút chiếu. Một số công ty tư nhân khác tham gia vào đường đua này với thế mạnh hợp tác sản xuất cho dự án quốc tế, có số ít sản phẩm “made in Vietnam”.

Tại phòng vé trong nước, trung bình cứ 10 phim ra rạp có khoảng 2 phim hoạt hình. Theo nhà phát hành CGV Việt Nam, doanh thu phim hoạt hình chiếm 12-15% tổng doanh thu phim chiếu rạp. Số lượng phim hoạt hình Việt Nam ra rạp vẫn còn đếm trên đầu ngón tay mà thay vào đó là phim ngoại nhập. Năm 2023, phim “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” đạt doanh thu 5 tỉ tại phòng vé, đánh dấu phim hoạt hình Việt đầu tiên chiếu rạp.

Ông Tạ Mạnh Hoàng, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Sconnect Việt Nam, “cha đẻ” của phim hoạt hình Việt Nam Wolfoo chia sẻ dự án này đã phát hành hơn 4.000 tập trên các nền tảng mạng xã hội, trung bình mỗi tháng đem về hơn 4 tỉ lượt xem. Năm 2023, Wolfoo đã phát hành phim điện ảnh thương mại đầu tiên.

Nhân vật Wolfoo trong phim điện ảnh hoạt hình đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Wolfoo Việt Nam

Không chỉ là phim, Sconnect đã phát triển được hệ sinh thái Wolfoo với các sản phẩm nhượng quyền hình ảnh, thương hiệu (merchandise, licensing), khu vui chơi, học viện đào tạo… Đây là đơn vị hiếm hoi có thương hiệu phim hoạt hình Việt Nam nổi tiếng trong và ngoài nước nhiều năm qua.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Hoàng nói hoạt hình nội địa phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm ngoại nhập của các nhà sản xuất lớn đã có vị thế trên thị trường quốc tế. Vì lý do này mà hiếm có doanh nghiệp nào dám mạnh dạn đầu tư làm một dự án hoạt hình bài bản, bởi chi phí sản xuất lớn, thời gian sản xuất kéo dài và những rủi ro chưa dự liệu được.

Bên cạnh đó, ít doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở vật chất và hạ tầng studio mở rộng để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Những nước có ngành hoạt hình phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc có điểm chung là có chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo điều kiện cho ngành hoạt hình được tiếp cận với khán giả. Việt Nam vẫn chưa có chính sách rõ ràng để hỗ trợ ngành hoạt hình, vẫn thiếu những quy định chặt chẽ để bảo vệ bản quyền,

“Mặt khác số đông khán giả Việt không có nhiều niềm tin với hoạt hình Việt, đây là điều đáng buồn với các nhà sản xuất trong nước”, ông Hoàng chia sẻ.

Bên cạnh những khó khăn, đại diện Sconnect vẫn có niềm tin đưa doanh nghiệp của mình thành một “Disney của Việt Nam”. Hiện nay công ty đang sở hữu 18 IP hoạt hình (sở hữu quyền sở hữu trí tuệ với các bộ nhân vật hoạt hình), trong đó có 5 IP đang phát triển thành công. Sconnect đặt mục tiêu xây dựng mỗi năm thêm nhiều IP mới.

Làm hoạt hình kiểu lấy ngắn nuôi dài

Trong bối cảnh thị trường phim hoạt hình nội địa còn khiêm tốn, ông Hoàng Việt Hùng CEO của studio Sparta VFX cho hay, các studio trong mảng hoạt hình đa số nhận gia công dự án nước ngoài vì vấp phải bài toán kinh doanh.

Giả sử kinh phí làm phim hoạt hình chiếu rạp dài hơn 90 phút cần ít nhất 15-25 tỉ, nhân sự sản xuất với số lượng lớn 50-100 người, tối thiếu hai năm để hoàn thành dự án. Xét về mặt kinh doanh, chưa có hãng phim nào dám tự bỏ ra số tiền lớn để chắc thắng, đặc biệt ở Việt Nam chưa có nhiều phim hoạt hình nội địa thành công bảo chứng cho thị trường. Phim Việt lọt top doanh thu cũng thuộc về đạo diễn lớn như Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ…

“Nếu có nhà đầu tư rót vốn, họ cũng sẽ lo ngại tỉ lệ hồi vốn thấp, tỉ suất lợi nhuận khó qua được phim điện ảnh thông thường, nên chưa nhìn thấy nhiều nhà đầu tư bỏ tiền cũng là điều dễ hiểu”, ông Hùng bộc bạch.

Về lâu dài, ông chia sẻ ngoài công việc gia công, doanh nghiệp cũng hướng đến tích lũy, xây dựng kịch bản, nội dung, chủ động làm IP riêng nhằm định hướng phát triển phim hoạt hình Việt Nam, chờ thời điểm phù hợp trong tương lai.

Trong khi đó, ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Học viện đào tạo Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình MAAC đồng tình cho rằng, để phát triển kịch bản phim hoạt hình cho riêng mình rất khó và nó phụ thuộc vào vòng vốn của xưởng làm phim. Làm thế nào để tạo doanh thu liên tục từ sản phẩm đó nhưng vẫn giữ được bộ máy sản xuất kịch bản, đảm bảo tính nghệ thuật chỉn chu là thách thức nhiều bên phải đối mặt.

Chính vì thế, các studio phải nhận gia công, làm dự án khác trong ngành hậu kỳ để được tiếp thu công nghệ, nâng cao chuyên môn, có chi phí duy trì bộ máy. Đây là phương thức lấy ngắn nuôi dài và đội ngũ ấp ủ những IP riêng chờ được đầu tư. Được biết, nhiều xưởng hoạt hình tư nhân Việt Nam đã góp mặt trong đội ngũ sản xuất những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Netflix như Ultraman, Attack on Titan, One Piece…

Theo số liệu thống kê từ trang Box Office Vietnam, chỉ trong vòng nửa năm 2024, lần đầu tiên phim Việt chạm ngưỡng doanh thu 1.570 tỉ đồng. Các chuyên gia trong ngành dự kiến sự phát triển của điện ảnh nói chung sẽ phần nào xúc tiến đầu tư cho các dự án phim hoạt hình.

Bà Vũ Thương, Giám đốc điều hành kiêm hiệu trưởng Học viện Đào tạo hoạt hình Quốc tế Sconnect - Sconnect Academy of Media Arts cho biết, đầu tư phim hoạt hình cần vốn không kém so với phim điện ảnh người đóng. Hiện tại với tiềm năng của các dự án phim hoạt hình, việc kêu gọi đầu tư đã cởi mở hơn nhưng doanh nghiệp phải tự mình quảng bá và như thế không mang lại hiệu quả lớn.

“Đáng mừng là mạng lưới các studio hoạt hình đang hình thành trong khoảng 2 năm gần đây. Họ bắt đầu hợp tác cũng như giới thiệu các studio đến những hội chợ về hoạt hình trên thế giới”, bà nói.

Bên trong nơi làm việc của xưởng sản xuất phim hoạt hình Sconnect. Ảnh: DVCC

Từ phía Sconnect cho hay công ty đã có sáng kiến thành lập quỹ đầu tư phát triển hoạt hình để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư cùng sản xuất những bộ phim chất lượng cao.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong ngành chỉ ra muốn hoạt hình trở thành ngành kinh tế trọng điểm thì cần có sự công nghiệp hóa. Tức là tiêu chuẩn hóa tất cả các khâu, các bước thực hiện từ lên ý tưởng, sản xuất đến phát hành, từ đó nhân bản sản xuất, gia tăng quy mô, năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

Chất lượng phim tất nhiên là điều kiện “cần”, là yếu tố tiên quyết nhưng số lượng lại là điều kiện “đủ”, phải đảm bảo số lượng đều đặn để tiếp cận khán giả mới chứng minh được chất lượng, ghi dấu vào tâm trí người xem, đại diện Sconnect bộc bạch.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới