(KTSG Online) - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bắt đầu vào thứ Ba, thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư trên thế giới. Tại Việt Nam, các thị trường cũng đang chịu sức ép ngắn hạn.
- Chứng khoán tháng 11 – co kéo giữa các luồng thông tin
- Thấy gì qua động thái can thiệp tỷ giá mới nhất của nhà điều hành?
Thị trường chững lại
Trong hai ngày đầu tiên của tuần bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường tài chính Việt Nam tiếp tục có sự điều chỉnh.
Trên thị trường vàng, giá vàng có điều chỉnh giảm nhẹ trong cả hai phiên, tương đồng với đà giảm của thế giới sau khi lập đỉnh hồi cuối tháng 10. Giá bán vàng miếng SJC quanh mức 89 triệu đồng/lượng, kéo dài xu hướng giảm từ cuối tuần trước, có lúc cao hơn 90 triệu đồng/lượng. Tương tự, vàng nhẫn 9999 bán ra tại Công ty SJC cũng giảm nhẹ, về quanh mức 88,7 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá ngày 5-11 được Vietcombank niêm yết chiều bán ra là 25.460 đồng/đô la Mỹ, gần như đi ngang so với ngày hôm qua. Đáng chú ý là trong hôm thứ Hai, giá bán đô la được các ngân hàng đẩy lên mức tối đa, sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm thêm 9 đồng mỗi đô la (biên độ 5%).
Theo bản tin tài chính của Ngân hàng ACB, tỷ giá đóng cửa cuối tuần trước ở mức 25.300 đồng/đô la đồng thời ghi nhận biên độ biến động lớn khoảng 100 đồng trong phiên giao dịch. Trong đó một số nguồn ngoại tệ lớn phát sinh đẩy tỷ giá tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Còn trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm cũng bật mạnh trong hai ngày đầu tuần trước, lên mức 4,7% rồi hạ nhiệt dần vào cuối tuần, về mức 3,9%, tức không đổi so với tuần trước đó. Trong phiên giao dịch hôm qua, NHNN tiếp tục mua tín phiếu kỳ hạn với lãi suất 4%, quy mô 30.000 tỉ đồng.
“Trong tuần này, áp lực thanh khoản vẫn hiện hữu khi kết quả về bầu cử Tổng thống Mỹ hay quyết định của Fed trong cuộc họp tháng 11 sẽ ảnh hưởng tới biến động tỷ giá, và có thể các động thái can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tới diễn biến thanh khoản và lãi suất thị trường 2”, báo cáo thị trường tài chính tiền tệ của Công ty chứng khoán SSI đánh giá.
Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch hôm thứ Hai cũng có biến động lớn. Chỉ số VN-Index giảm 0,81% với đà bán mạnh phần lớn đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng.
Đến phiên giao dịch ngày 5-11, điểm số VN-Index gần như đi ngang khi chỉ tăng hơn 1 điểm. Thanh khoản sụt giảm mạnh lại là điều đáng chú ý. Giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt hơn 12.000 tỉ đồng, trong đó có 3.000 tỉ đồng từ thỏa thuận.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán diễn biến đi xuống trong hai tuần qua, cùng với đó là dòng tiền cũng thu hẹp kéo VN-Index chuyển sang xu hướng điều chỉnh ngắn hạn. Trong tuần trước, thanh khoản trung bình toàn thị trường đạt mức 16.382 tỉ đồng, giảm 2% so với tuần trước đó, còn thanh khoản giao dịch khớp lệnh giảm đến 18%.
Chờ kết quả bầu cử
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng tâm lý thị trường vẫn đang chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ, nhưng sức ép trên thị trường là vẫn còn và hầu hết đều là ngắn hạn.
Theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, trong bối cảnh thị trường đang điều chỉnh, các cổ phiếu đang rơi vào trạng thái quá bán cho nên thị trường được kỳ vọng sớm hồi phục trong những phiên giao dịch tới; lãi suất liên ngân hàng cũng kỳ vọng sớm ổn định. Tuy nhiên, thị trường cũng khó có thể có nhịp hồi mạnh trong những phiên tới, khi các nhà đầu tư đang thận trọng bởi sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ.
Bên cạnh đó, diễn biến thị trường còn sẽ phụ thuộc nhiều vào sự kiện cuộc họp chính sách tháng 11 của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Hiện nay thị trường kỳ vọng xác suất 99% Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt, thị trường lao động có dấu hiệu yếu đi nhưng vẫn tương đối mạnh.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank, diễn biến thị trường chứng khoán hiện tại bị ảnh hưởng bởi kỳ bầu cử và tỷ giá trong ngắn hạn.
"Trong giai đoạn bầu cử Tổng thống, dữ liệu cho thấy có những giai đoạn biến động mạnh, điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên, sau đó thường kết thúc năm bằng sóng tăng, kể cả khi Tổng thống bên đảng Dân chủ hay Cộng hòa lên đi chăng nữa thì về trung, dài hạn chỉ số S&P 500 đều tăng nếu không xuất hiện một cuộc suy thoái”, ông Sơn bình luận.
Đánh giá tương tự, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank cho rằng, xác suất thị trường Việt Nam tăng điểm vì tương quan với chỉ số S&P500 là có, nhưng rất khó biết tăng được ít hay hay nhiều. Trong khi đó, một vấn đề của thị trường hiện nay là dòng tiền trên thị trường vẫn rất yếu, khi thanh khoản từ đầu năm đến nay giảm dần đều.
Trong khi đó, đại diện VPBankS nhận định, với giả định ông Trump thắng cử, chỉ số DXY (chỉ số đo lường sức mạnh đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác) sẽ còn tăng tiếp, khi đó thị trường tiếp tục chịu áp lực khi nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp, Đại học UEH, sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ trên thực tế khó có tác động thực tế ngay lập tức vì các chính sách tài khóa, tiền tệ chỉ được triển khai sau đó, mà chủ yếu tác động tâm lý với các nhà đầu tư tài chính.
Kết quả bầu cử có thể mất thêm nhiều ngày để kiểm phiếu vì tỷ lệ đồng đều giữa hai ứng viên. Điều này đồng nghĩa độ “nhiễu động” của thị trường chưa chấm dứt sớm, tâm lý nhà đầu tư sẽ cần thêm thời gian để ổn định.