(KTSG Online) - Thị trường tiền số biến động dữ dội trong phiên giao dịch hôm nay (4-12) với giá bitcoin có lúc giảm sâu xuống mức 42.000 đô la, tức thấp hơn 27.000 đô la so với mức đỉnh mới được thiết lập vào hôm 10-11.
Đó là một dấu hiệu nữa cho thấy giới đầu tư đang tìm cách thoát ra khỏi những tài sản có mức rủi ro cao ở khắp các thị trường tài chính giữa lúc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang gây ra các bất ổn cho triển vọng kinh tế thế giới.
Vào trưa 4-12, theo giờ châu Á, giá bitcoin bất ngờ giảm gần 10.000 đô la chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, xuống mức 42.000 đô la, trước khi phục hồi về mức hơn 47.000 đô la. Trong 24 giờ qua, giá bitcoin giảm đến 15.000 đô la. Đồng ether (ETH), có vốn hóa lớn thứ nhì trên thị trường tiền số, cũng giảm khoảng 1.100 đô la trong cùng thời gian đó, lùi về mức 3.500 đô la.
Theo CoinGecko, cơn bán tháo đã khiến tổng vốn hóa thị trường tiền số giảm khoảng 20%, về mức 2.200 tỉ đô la. Làn sóng bán tháo trên thị trường giao ngay đã đẩy giá bitcoin lao dốc trước khi kích hoạt hành động bán dừng lỗ trên các thị trường phái sinh
“Tôi chứng kiến hơn 4.000 bitcoin bị bán khiến thị trường rơi nhanh. Trên thực tế, có đến 1.500 bitcoin (trị giá khoảng 70 triệu đô la Mỹ) bị bán chỉ trong vòng chưa đến một phút vào thời điểm thị trường lao dốc”, Laurent Kssis, Giám đốc Công ty tư vấn CEC Capital, nói.
Dữ liệu mà nền tảng Coinglass theo dõi cho thấy cú giảm giá mạnh của bitcoin đã kích hoạt giới đầu tư đóng các vị thế nắm giữ các hợp đồng bitcoin tương lai với tổng trị giá gần 600 triệu đô la chỉ trong vòng chưa đến một giờ.
Cú sụt giá của bitcoin về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9 giữa lúc biến thể Omicron làm gia tăng các bất ổn kinh tế và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lo ngại mức lạm phát cao. Hồi đầu tuần này, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, nói rằng việc mô tả lạm phát tăng chỉ là tạm thời có lẽ không còn thích hợp nữa và Fed có thể cân nhắc giảm chương trình mua tài sản nhanh hơn.
Cơn biến động giá của các đồng tiền số diễn ra trong bối cảnh các thị trường tài chính rung lắc mạnh trong tuần vừa qua. Chứng khoán toàn cầu giảm hơn 4% so với mức kỷ lục được thiết lập trong tháng này, trong khi đó, giá các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh.
Mức lạm phát tăng vọt đang khiến các ngân hàng trung ương ở các nước phương Tây thắt chặt chính sách tiền tệ, đe dọa làm giảm nguồn thanh khoản khổng lồ vốn đang hỗ trợ một loạt tài sản. Trong khi đó, sự xuất hiện của biến thể Omicron đe dọa tiến trình tái mở cửa kinh tế trên toàn cầu và điều này dẫn đến tâm lý ngại đầu tư vào các tài sản rủi ro.
Vijay Ayyar, Giám đốc phụ trách thị trường châu Á-Thái Bình Dương của sàn giao dịch tiền số Luno (Singapore), cho biết trong phiên giao dịch hôm nay, nhiều nhà đầu tư đã bị giải chấp vì dùng đòn bẩy tài chính để mua bitcoin. Ông nói: “Thị trường tiền số cũng chao đảo vì tình hình bất ổn xung quanh biến thể Omicron, với các ca nhiễm đang xuất hiện tại nhiều nước”.
Theo Coinglass, khoảng 2,4 tỉ đô la giá trị tiền số bị bán giải chấp vào hôm 4-12, mức bán giải chấp cao nhất kể từ ngày 7-9. Dù giảm mạnh nhưng giá bitcoin vẫn đang cao hơn 60% so với hồi đầu năm, tạo ra mức lợi nhuận vượt trội so với nhiều tài sản khác.
Một số nhà đầu tư đang tận dụng cơ hội bitcoin giảm giá để mua thêm. Nayib Bukele, Tổng thống El Salvador, nước gần đây đưa bitcoin vào danh mục tài sản dự trữ quốc gia, cho biết El Salvador vừa mua thêm 150 bitcoin với giá trung bình 48.670 đô la mỗi đồng.
“Như thường lệ, việc sử dụng đòn bẫy của nhà đầu tư tiền số đã dẫn đến hiện tượng đua nhau bán tháo và bị bán giải chấp khi thị trường lao dốc”, Antoni Trenchev, người đồng sáng lập của Công ty cho vay tiền số Nexo, nhận xét.
Ông dự báo nếu không xuyên thủng ở vùng giá hỗ trợ 40.000-42.000 đô la, bitcoin sẽ phục hồi để hướng đến một đợt tăng giá mới vào cuối năm.
Ông nói: “Nếu vùng giá đó không được giữ vững, chúng ta có thể chứng kiến bitcoin rơi xuống các mức thấp nhất trong tháng 7, khoảng từ 30.000 đến 35.000 đô la”.
Theo Bloomberg, Coindesk