Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường tín chỉ carbon: những thử nghiệm…

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tín chỉ carbon được xem là nguồn lực mới cho Việt Nam, mang lại nguồn vốn cần thiết để cải thiện thu nhập người trồng rừng, bảo vệ và mở rộng độ che phủ của rừng. Nhưng đến nay, ngoài Quảng Nam xây dựng đề án bán tín chỉ carbon rừng, hầu hết các doanh nghiệp đều rất mơ hồ về thị trường mới này.

Thị trường mới này giúp giải quyết các vấn nạn ô nhiễm không khí và mục tiêu giảm phát thải ròng về zero vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết.

Tiếp cận cơ chế kinh doanh phát thải

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 đã đưa ra nguyên tắc “người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền”. Chương trình kinh doanh phát thải carbon (ETS) của Việt Nam đã tạo ra một công cụ định giá thị trường. Với công cụ này, các cơ sở sản xuất, địa phương và quốc gia tìm cách giảm mức phát thải, có thể mua các khoản tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải thực tế của từng nơi. Cơ chế định giá này sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách và công cụ bổ sung như hệ thống kiểm kê khí thải quốc gia, hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh và cơ quan đăng ký quốc gia. Chương trình ETS này phù hợp với các thông lệ quốc tế hiện hành, dự kiến sẽ được áp dụng trước tiên cho các đơn vị phát thải lớn, trước khi áp dụng cho các đơn vị nhỏ hơn.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối năm 2021 chỉ ra bốn nguyên nhân mà Việt Nam cần phải thay đổi và cần thực hiện cơ chế ETS.

Một, lượng khí thải tính theo GDP của Việt Nam tăng 48% từ năm 2000-2010. Trong giai đoạn 2010-2020, lượng khí thải tăng gần gấp 4 lần, phần lớn từ sản xuất nhiệt điện than, phát triển công nghiệp và mật độ xe gia tăng. Mức độ ô nhiễm không khí gia tăng, khiến 60.000 ca tử vong trong năm 2017. Do đó, giảm lượng khí thải sẽ cứu sống hàng ngàn người mỗi năm.

Hai, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và mực nước biển dâng cao đe dọa gây ngập lụt các khu vực kinh tế quan trọng ở vùng ven biển, có khả năng buộc hàng triệu người Việt Nam phải di dời.

Ba, cơ chế ETS được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp giảm phát thải.

Cuối cùng là yếu tố thị trường, nếu Việt Nam không phát triển được thị trường carbon trong nước, không đạt được yêu cầu giảm phát thải carbon theo các tiêu chuẩn EU, đây sẽ là rào cản đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và nhiều thị trường khác. Bên cạnh đó, hợp tác song phương của EU với các chương trình phát thải carbon quốc gia khác như của Trung Quốc có thể đặt các nhà xuất khẩu Việt Nam vào tình thế cạnh tranh bất lợi.

Thị trường thử nghiệm

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Việt Nam đã và đang thực hiện ba hiệp định thương mại tín chỉ carbon lớn trên cơ sở thử nghiệm. Trong năm năm qua, các cơ quan chính phủ đã thực hiện các nghiên cứu thử nghiệm cơ chế thương mại carbon trong lĩnh vực sản xuất thép và xử lý chất thải rắn. Ông nói rằng, dự án đã đánh dấu một bước tiến của Việt Nam trong việc hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước và vươn ra thị trường carbon toàn cầu.

Kế đến là Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác carbon rừng thuộc WB (PCPF) ký vào tháng 10-2020. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải CO2 từ sáu tỉnh Bắc Trung bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu đô la, tức mỗi tín chỉ carbon sẽ là 1 tấn khí thải và trị giá 5 đô la Mỹ.

Một thỏa thuận khác tương tự với 5,15 triệu tấn CO2 giảm từ rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, Việt Nam sẽ được nhận từ quỹ tài chính lâm nghiệp LEAF 51,5 triệu đô la Mỹ. Mỗi tín chỉ tương đương 10 đô la Mỹ.

Thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam dự kiến sẽ phát triển trong tương lai gần do còn trữ lượng rừng và nhiều tập đoàn nước ngoài sẵn sàng chi hàng tỉ đô la để mua tín chỉ carbon rừng từ Việt Nam. Việt Nam có thể bán 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế hàng năm, với giá 5 đô la/tín chỉ, ước tính thu về 235 triệu đô la mỗi năm.

Hiện Quảng Nam là tỉnh duy nhất xây dựng đề án bán tín chỉ carbon rừng. Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi hoàn tất các thủ tục của dự án và được phê chuẩn, Quảng Nam sẽ mời các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đấu thầu. Hiện có sáu công ty nước ngoài quan tâm đến tín chỉ carbon rừng của Quảng Nam.

Theo đề án, Quảng Nam sẽ xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, trong năm 2021 sẽ bán 1,2 triệu tín chỉ của các năm 2018, 2019 và 2020 (bình quân mỗi năm sẽ bán 400.000 tín chỉ).

Doanh nghiệp Việt còn bỡ ngỡ

Indonesia và Campuchia đã bắt đầu bán tín chỉ carbon rừng trước Việt Nam. Singapore dự kiến sẽ hình thành thị trường tín chỉ carbon trong năm tới. Hãng hàng không Singapore Airlines sẽ bán lại các tín chỉ carbon tương đương với lượng khí thải mà hãng giảm thiểu được khi sử dụng nhiên liệu sinh học thay cho xăng máy bay thông thường. Tương tự, khách bay với hãng hàng không All Nippon Airways sẽ được cấp chứng nhận dựa theo số dặm bay.

Tuần rồi, tại Hàn Quốc, tập đoàn Samsung công bố đầu tư 5 tỉ đô la Mỹ để các nhà máy sản xuất đồ điện tử gia dụng ở nước ngoài chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2027. Công ty đặt mục tiêu vận hành các dây chuyền sản xuất chất bán dẫn hoàn toàn bằng năng lượng sạch trong năm 2050. Tương tự, tập đoàn thép Posco cũng tuyên bố đầu tư 14 tỉ đô la Mỹ cho mục tiêu giảm phát thải.

Trên thị trường quốc tế, giá mỗi tín chỉ carbon rất khác nhau. Liên minh châu Âu (EU) tính ra rằng mỗi tấn CO2 tương đương (tCO2e) sẽ định giá như sau: tiết kiệm năng lượng 8,2 euro + 1 euro công bằng thương mại (fair trade); năng lượng tái tạo 8,1 + 1 euro fair trade, và quản lý rừng 13 euro + 1 euro fair trade.

Như vậy, hiện mức giá tín chỉ carbon rừng của Việt Nam khá thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam, nếu không chủ động tham gia mua bán trên thị trường, sẽ gặp bất lợi lớn về sau.

Cái được trước mắt và lâu dài là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và thực hành an toàn nông nghiệp tại Việt Nam. Tại một hội thảo vào tháng 6 vừa rồi, ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành, cho rằng Việt Nam là thị trường tín chỉ carbon tiềm năng bởi diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn và diện tích rừng còn lại tương đối.

Ông nói máy bay không người lái (drone) sẽ sử dụng nhiên liệu là pin, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu. Vì thế, sẽ giảm lượng lớn khí thải. Việc dùng drone sẽ thúc đẩy tự động hóa hoàn toàn các công đoạn gieo giống, phun dung dịch, rải phân… Nhờ đó, nông dân có thể cắt giảm một lượng lớn, ít nhất là 20% thuốc bảo vệ thực vật.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại, thể hiện quyền phát thải một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc tương đương một tấn carbon dioxide (tCO2e). Đây là đơn vị mua bán trên thị trường tín chỉ carbon. 

4 BÌNH LUẬN

  1. Tín chỉ các bon, trước hết cần phải hiểu đó là sự chứng nhận uy tín của một tổ chức/ địa phương/ quốc gia về thành tích bảo vệ môi trường. Nếu mới chỉ có một tỉnh duy nhất có đề án bán tín chỉ cabon xem ra rất lạ ? Bởi nơi đây không thiếu “thành quả” về tàn phá rừng, nhất là tàn phá rừng để khai khoáng, làm thủy điện tràn lan, hậu quả dẫn đến đã rất rõ. Có lẽ nên tư duy lại một cách nghiêm túc về câu chuyện này để không có kiểu “khuyến khích ngược” với những mô hình như vậy, từ đó cổ vũ những điển hình có thành tích thực sự trong khôi phục và bảo vệ môi trường tự nhiên.

    • Trả lời tới Gia Minh: Tín chỉ carbon là tín chỉ mà chỉ có thể cho phép sử dụng 1 hạn mức nhất định bao nhiêu phát thải carbon. Thiếu thì chỉ có thể trao đổi với những người có thừa tín chỉ.

    • Ví dụ nhà máy A phát thải CO2 và cần mua tín chỉ, thế thì dựa vào đâu để áp hạn mức phát thải của nhà máy đó, từ đó xác định đc số lượng tín chỉ cần mua? và ai là người áp hạn mức đó?

  2. Nhà nước cần có Quy định, cơ chế minh bạch tín chỉ Carbon. Khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ký, xác nhận số tín chỉ (khả năng hấp thu C02) cho người trồng rừng thì phải chứng minh được rừng đó tồn tại, loại cây trồng và khả năng hấp thụ CO2. Rất dễ sảy ra tham nhũng nếu việc quản lý thiếu minh bạch giống như tình trạng mua Giấy chứng nhận tiêu chuẩn hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới