(KTSG) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4-2023 “hạ nhiệt” đáng kể sau tháng 3 sôi động. Sẽ cần thêm thời gian để kiểm chứng những tác động thực tế của Nghị định 08 và Thông tư 03 đối với thị trường này.
- 98 tổ chức chậm trả trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 128 ngàn tỉ đồng
- Phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm rất mạnh trong tháng 4 và 5
Trầm lắng trở lại!
Theo báo cáo mới nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của FiinRatings, sau tháng 3 sôi động, thị trường TPDN tháng 4 đã quay trở lại trạng thái trầm lắng khi chỉ ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 671 tỉ đồng đến từ Công ty cổ phần North Star Holdings được phát hành.
Điều này dẫn đến quy mô phát hành của tháng 4 chỉ tương đương 2,5% so với tháng 3 và chỉ bằng 2,25% của cùng kỳ năm 2022. Lô trái phiếu duy nhất này thuộc nhóm ngành bất động sản có kỳ hạn 16 tháng với lãi suất 14%/năm. Đây cũng là mức lãi suất danh nghĩa cao nhất được ghi nhận kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Trong khi đó, quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn trong tháng 4 cũng theo chiều hướng sụt giảm khi đạt gần 11.300 tỉ đồng, giảm 41,6% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động mua lại trong tháng vừa qua chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng, chiếm 61% giá trị trái phiếu mua lại.
Đáng chú ý, giá trị trái phiếu ngân hàng được mua lại tăng 5,64 lần so với tháng trước và tăng 2,42 lần so với cùng kỳ năm 2022, đến từ các ngân hàng lớn như BIDV, VPBank, Sacombank, VIB. Hầu hết các lô TPDN (8/12) được các ngân hàng mua lại có kỳ hạn ba năm và có thời gian đáo hạn còn lại là một hoặc hai năm.
Sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép cơ cấu lại nợ TPDN với việc kéo dài thời gian đáo hạn tối đa hai năm được ban hành đầu tháng 3-2023, thị trường TPDN đã ghi nhận một số hoạt động triển khai theo quy định mới này.
Cụ thể, theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán VnDirect, hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ đã diễn ra tích cực trong tháng 4 khi có nhiều tổ chức phát hành đạt được kết quả đàm phán gia hạn thời hạn trái phiếu với các trái chủ. Theo tổng hợp, hiện đã có trên 20 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên HNX.
Thị trường TPDN tháng 4 chỉ ghi nhận duy nhất một lô trái phiếu riêng lẻ trị giá 671 tỉ đồng đến từ Công ty cổ phần North Star Holdings được phát hành; chỉ tương đương 2,5% so với tháng 3 và chỉ bằng 2,25% của cùng kỳ năm 2022.
Theo ước tính, trong tháng 5-2023 sẽ có khoảng 17.900 tỉ đồng TPDN riêng lẻ đáo hạn, tăng 12,6% so với tháng 4 (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 24-4-2023).
Cũng theo tổng hợp của VNDirect, tính đến ngày 24-4-2023, có khoảng 57 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX.
Tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp này được các chuyên gia ước tính vào khoảng 152.700 tỉ đồng, chiếm khoảng 13,9% dư nợ TPDN riêng lẻ toàn thị trường. Khoảng hơn 45.200 tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm nay.
Kỳ vọng gì từ những chính sách mới?
Một trong những điểm đáng lưu ý nhất của Thông tư 03/2023/TT-NHNN là ngưng hiệu lực khoản 11 điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN. Theo đó, Thông tư 03 cho phép tổ chức tín dụng được mua lại TPDN chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc TPDN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua TPDN.
Nhóm nghiên cứu của FiinRatings nhận định Thông tư 03 tạm thời gỡ nút thắt thanh khoản trên thị trường khi cho phép các tổ chức tín dụng mua lại TPDN mà không cần chờ sau một năm; đồng thời giúp ổn định tâm lý của tổ chức phát hành và nhà đầu tư khi dòng vốn tạm thời được đảm bảo trước áp lực đáo hạn lớn sắp tới. Thông tư 03 cũng sẽ góp phần giảm tỷ trọng nắm giữ TPDN của nhà đầu tư cá nhân, đưa thị trường về trạng thái cân bằng và ổn định hơn khi tài sản được nắm giữ bởi nhà đầu tư tổ chức.
Mặc dù vậy, Thông tư 03 cũng giới hạn doanh nghiệp có trái phiếu được mua lại phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của tổ chức tín dụng. FiinRatings cho biết phần lớn các tổ chức phát hành có sức khỏe tín dụng hoặc xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp, do đó các trái phiếu này khó đáp ứng được tiêu chí mà Thông tư 03 đưa ra.
Ngoài ra, việc thực hiện quy định doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín dụng nội bộ ở mức cao nhất sẽ gặp phải khó khăn do có thể có nhiều cách hiểu trong nội dung này. Xếp hạng tín dụng nội bộ được quy định trong Thông tư 11/2021/TTNHNN do các ngân hàng xây dựng và triển khai.
Mức xếp hạng cao nhất theo Thông tư 03 có thể hiểu là mức điểm cao nhất trong hệ thống tín dụng nội bộ quy định tại Thông tư 11, nhưng cũng có thể giải nghĩa là mức điểm cao nhất trong nhóm các TPDN trong danh mục TPDN chưa niêm yết mà ngân hàng thương mại đã bán, hoặc mức cao nhất trong từng nhóm ngành nghề mà doanh nghiệp phát hành nằm trong nhóm đó. Do vậy, các ngân hàng thương mại sẽ cần được hướng dẫn cụ thể hơn để tránh việc áp dụng sai quy định này.
Bên cạnh đó, cần lưu ý là hiệu lực của Thông tư 03 chỉ kéo dài đến hết năm 2023, do đó các tổ chức tín dụng sẽ tập trung giải quyết những lô trái phiếu đã/đang đáo hạn trước mắt nhằm giải tỏa áp lực nợ. Do vậy, đây chỉ là giải pháp tạm thời ít tạo ra thanh khoản thực cho thị trường TPDN.
Các chuyên gia đánh giá Thông tư 03 vô tình tạo tiền lệ xấu cho thị trường TPDN khi ngân hàng đứng ra thanh toán thay cho doanh nghiệp sẽ khiến trái phiếu lại quay lại sở hữu bởi ngân hàng. Điều này mang bản chất hoạt động tín dụng thay vì hoạt động trái phiếu của thị trường vốn. Về tổng thể, diễn biến trên được đánh giá có thể làm gia tăng rủi ro tập trung trong ngắn hạn đối với hệ thống nhưng sẽ giúp thị trường bình ổn trong dài hạn.