(KTSG Online) - Trong bối cảnh giá vàng biến động liên tục, thị trường trang sức ở nhiều quốc gia đang có xu hướng tập trung vào phát triển sản phẩm cho giới trẻ. Bởi hành vi mua hàng của phân khúc khách hàng này không được quyết định bởi giá trị của sản phẩm mà là mẫu mã hợp thời trang, thiết kế đẹp…
- Chứng khoán châu Á giảm, vàng chạm đỉnh mới giữa áp lực thuế quan
- Giá vàng biến động mạnh trước ngưỡng 3.000 đô la/ounce
Thế hệ trẻ không mua trang sức đá quý để đầu tư
Tại Hội chợ Đá quý và Trang sức Bangkok lần thứ 71, nhiều nhà triển lãm đến từ nhiều quốc gia cho biết, định hướng kinh doanh của họ là tập trung vào sản phẩm dành cho thế hệ trẻ. Sỡ hữu sản phẩm có giá trị cao không phải là thứ mà họ mong muốn.

Trao đổi với KTSG Online, ông Suttipong Damrongsakul, chủ tịch Hiệp hội Đá quý và Trang sức Đông Nam Á cho biết, thị trường trang sức và quý sẽ tập trung vào phân khúc khách hàng là những “new generation” (thế hệ mới). Người trẻ không bận tâm và giá trị của sản phẩm vì họ không mua để tích trữ hay đầu tư như những thế hệ đi trước. Điều mà người trẻ quan tâm là những thiết kế đẹp, hợp thời trang và với mức giá phải chăng.
“Giá vàng tăng giảm liên tục và không thể kiểm soát, do vậy người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển đổi sang kim loại khác như bạc chứ không hoàn toàn 100% vàng như trước đây”, ông Suttipong nói thêm.
Theo bà Virada Saksirirak, quản lý truyền thông thương hiệu tập đoàn trang sức Pandara, trong bối cánh giá vàng tăng cao và phân khúc khách hàng là thế hệ trẻ, thì ưu tiên về thiết kế được đặt lên hàng đầu.
Do vậy, thay vì vàng 24K hay 18K, họ tập trung phát triển những sản phẩm từ vàng 9K với mức giá vừa túi tiền người trẻ nhưng đồng thời thu hút người trẻ bởi mẫu mã đẹp và hợp thời trang. Thương hiệu này hiện có 3 cửa hàng ở TPHCM và 2 cửa hàng ở Hà Nội, và cũng được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng.

Ngoài ra, bà Sauwalak, đại diện Aelina, một thương hiệu trang sức đến từ Thái Lan cũng cho hay, giới trẻ cũng ưu tiên những sản phẩm có kích thước nhỏ, vừa thể hiện sự khiêm tốn nhưng vẫn có tính thẩm mĩ cao.
“Vì vàng có giá thành cao nên thay sản xuất trang sức từ kim loại này, chúng tôi dùng bạc và đầu tư nhiều hơn vào ý tưởng để thu hút và giữ chân khách hàng”, một đại diện từ công ty Lanna Silver CM có trụ sở tại Chiang Mai (Thái Lan) cho biết.
Việt Nam là thị trường tiềm năng nhưng còn nhiều vướng mắc
Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, với cơ cấu dân số trẻ và đông, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ nữ trang tiềm năng. Ước tính, mỗi năm, người dân Việt Nam chi khoảng 3,5 tỉ đô la cho vàng và trang sức.
Ông Cao Xuân Lành, Phó tổng giám đốc SJC cho biết, nhu cầu về vàng trang sức tại Việt Nam rất lớn, với tốc độ phát triển bình quân từ 20% đến 25% mỗi năm. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh vàng trang sức ở nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn về thuế và nguyên liệu.
“Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển trang sức đá quý. Ngành công nghiệp này hiện đang phát triển với lợi thế về lực lượng lao động và kinh tế đang trên đà phát triển. Tuy nhiên hiện tại chính phủ vẫn chưa có nhiều hỗ trợ để phát triển lĩnh vực này”, ông Suttipong cho hay.
Chia sẻ với KTSG Online, bà Nisabudh Virabutr, Cục Xúc tiến và Thương mại Quốc tế Thái Lan cũng chia sẻ điều tương tự. Ngoài ra, theo bà, không phải Thái Lan không muốn xuất khẩu vàng sang Việt Nam, lý do không thực hiện được là vì vướng phải những khó khăn từ chính sách cho thị trường này của Việt Nam.
Theo bà Virada và bà Sauwalak, Việt Nam đang phát triển nhanh, người trẻ có lối sống hiện đại, năng động nên đây là thị trường tiềm năng để phát triển ngành trang sức và đá quý.
Ngày 22-2, Hội chợ Đá quý và Trang sức Bangkok lần thứ 71 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia của Thái Lan với hơn 1.100 công ty tham gia và hơn 2.620 gian hàng. Ước tính, sự kiện năm nay sẽ đem lại hơn 104 triệu đô la Mỹ và chào đón khoảng 40.000 khách tham quan.
Sự kiện diễn ra từ ngày 22 đến 26-2, do Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP) phối hợp với Viện Đá quý và Trang sức Thái Lan (GIT) cùng một số đơn vị khác tổ chức.
Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Pichai Naripthaphan, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết ngành công nghiệp đá quý và trang sức của Thái Lan là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế và xuất khẩu của quốc gia này.
Ông Sumed Prasongpongchai, Tổng Giám đốc GIT cho hay gần 50% gian hàng sẽ trưng bày đá quý màu tại sự kiện lần này.
Kết quả từ hội chợ lần thứ 70 cho thấy, sự kiện được đánh giá là triển lãm thương mại đạt được nhiều sự hài lòng nhất trong số các hội chợ đá quý và trang sức quốc tế.