Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thị trường vàng ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay

Huỳnh Thế Du - Nguyễn Xuân Thành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ khi đổi mới đến nay, vàng là kênh lưu giữ giá trị an toàn. Tuy nhiên, với những chu kỳ ngắn hơn thì mức độ rủi ro rất cao. Khi giá vàng thế giới tăng cao thì suất sinh lợi của vàng cũng cao và ngược lại. Sự thay đổi của giá vàng gắn với những cơn sốt vàng như phân tích ở bài “Khó khăn kinh tế vĩ mô và sốt vàng” trong số báo 16-2024, ra ngày 18-4-2024, cho thấy giá vàng ở Việt Nam gắn chặt với giá vàng thế giới và các tác động tâm lý, nhất là trong thời gian gần đây bị ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới.

Vàng an toàn trong dài hạn

Do không có dữ liệu đầy đủ nên chúng tôi bắt đầu từ năm 1988. Hình 1 thể hiện các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giá vàng trong nước (GVTN), giá vàng thế giới (GVTG) và giá đô la Mỹ (USD) từ năm 1988-2023. CPI tăng 36,2 lần, giá vàng trong nước tăng 21,2 lần, giá vàng thế giới tăng 4,9 lần và đô la Mỹ tăng 4,5 lần.

Giai đoạn 2000-2023, khi đã có thị trường cổ phiếu, vàng tăng 13,6 lần; chỉ số chứng khoán (VN-Index) tăng 9,9 lần; vàng thế giới tăng 7,6 lần; tiền gửi bằng tiền đồng (TGVND) tăng 4,5 lần; CPI tăng 3,7 lần; đô la Mỹ tăng 1,7 lần. Về lâu dài, vàng là an toàn nhất, nhưng hiếm có nhiều người nắm giữ tài sản trong thời gian dài như vậy. Với thời gian kéo dài từ 5-10 năm, kết quả đã khác đi nhiều.

Giai đoạn 2012-2023: Vàng không phải là kênh đầu tư hiệu quả

Giai đoạn 2012-2023, bình quân tiêu thụ vàng của Việt Nam là 62 tấn/năm, tương đương mức 61 tấn giai đoạn 1997-2007. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ vàng năm 2012 và 2013 vẫn rất cao (lần lượt là 84 và 100 tấn). Bình quân tiêu thụ vàng giai đoạn 2015-2023 là 56 tấn, tương đương mức 55 tấn giai đoạn 1997-2005.

Giá vàng biến động mạnh trong giai đoạn 2012-2022. Từ năm 2012-2015, giá vàng thế giới và trong nước đều giảm khoảng 30%; khá ổn định từ năm 2015-2018; giá vàng thế giới tăng trên 40%, trong nước tăng trên 50% trong giai đoạn 2018-2020; ổn định từ năm 2020-2022; và tăng đáng kể từ năm 2022-2023. Trong cả giai đoạn, chỉ số VN-Index tăng 2,73 lần; giá căn hộ cao cấp (CHCC-HCM) tăng 2,72 lần; tiền gửi bằng tiền đồng tăng 1,69 lần; giá vàng trong nước tăng 1,5 lần; CPI tăng 1,39 lần; giá vàng thế giới tăng 1,25 lần và đô la Mỹ tăng 1,18 lần.

Giai đoạn 2008-2012: Giữ vàng là tốt nhất

Trong giai đoạn 2008-2012, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 94 tấn vàng. Cao hơn khoảng 50% so với mức trung bình giai đoạn 1997-2007 và gấp 3 lần mức trung bình giai đoạn 1988-1996. Mức tiêu thụ vàng cao bắt đầu từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2013. Bình quân tám năm là 91 tấn/năm. Việt Nam đã trải qua thời kỳ bất ổn vĩ mô cao.

Giai đoạn 2007-2012, giá vàng thế giới tăng gấp đôi và giá đô la Mỹ tăng 31% dẫn đến giá vàng trong nước tăng tới 2,84 lần. Trong thời gian này, chỉ số CPI tăng 81%; tiền gửi bằng tiền đồng tăng 70%; VN-Index tăng 60%; giá căn hộ cao cấp tăng 55%. Như vậy, chỉ có vàng tăng cao hơn mức tăng CPI.

Giai đoạn 1997-2007: Vàng có suất sinh lời cao nhất

Từ năm 1997-2007, trung bình mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 61 tấn vàng, gần gấp đôi mức trung bình của giai đoạn 1988-1996. Tuy nhiên, mức tiêu thụ cao vào năm 2006 và 2007 trong khi tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1996-2005 ở mức vừa phải và mức tiêu thụ bình quân giai đoạn này chỉ đạt 55 tấn/năm. Từ năm 1997-2007, Việt Nam trải qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1998) đến kỳ vọng cao và bùng nổ của thị trường tài sản sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006, từ đó giá vàng biến động mạnh.

Giai đoạn 1996-2001 (trước và sau khủng hoảng), giá vàng thế giới giảm trong khi giá vàng trong nước không biến động nhiều. Tuy nhiên, giá vàng đã tăng nhanh trong giai đoạn 2001-2007. Từ năm 1996-2007, giá vàng thế giới tăng 2,3 lần; giá vàng trong nước tăng 3,1; tiền gửi bằng tiền đồng tăng 2,1 lần; CPI tăng 1,6 lần; đô la Mỹ tăng 1,3 lần. Nhìn chung, nắm giữ vàng là một lựa chọn tốt trong cả thời kỳ. Tuy nhiên, đó lại là phương án tệ nhất trong giai đoạn 1996-2004.

Giai đoạn 1988-1996: Giữ vàng là hao hụt tài sản nhiều nhất

Trong giai đoạn này, 263 tấn vàng đã được tiêu thụ ở Việt Nam, trung bình mỗi năm là 33 tấn. Việt Nam trải qua thời kỳ siêu lạm phát vào cuối những năm 1980, sau đó là thời kỳ lạm phát cao. Trong thời kỳ siêu lạm phát, hầu hết mức tăng của tài sản đều thấp hơn lạm phát. Từ năm 1988-1996, nắm giữ vàng là lựa chọn tệ nhất. Trong giai đoạn này, giá vàng thế giới giảm 32%; giá vàng trong nước chỉ tăng 1,5 lần; trong khi CPI tăng khoảng 9 lần; đô la Mỹ tăng 2,3 lần. Tiền gửi bằng tiền đồng trong thời gian này thấp hơn CPI nhưng cao hơn đáng kể so với việc giữ cả vàng và đô la Mỹ.

Trong thời kỳ siêu lạm phát và các hoạt động kinh tế tư nhân chưa được thừa nhận, ba chức năng tiền tệ của vàng đều rất phổ biến. Những tài sản có giá trị cao như bất động sản, ti vi, xe máy, gia súc, thậm chí cả nông sản đều được định giá và quy đổi bằng vàng. Tuy nhiên, cho đến cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, vàng chỉ được ưa chuộng để định giá và làm phương tiện trao đổi những tài sản có giá trị cao như bất động sản.

Đối với những hàng hóa như ti vi, xe máy, nhất là hàng sản xuất trong nước, được định giá và quy đổi bằng tiền thay vì vàng như trước đây. Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là kinh tế trong nước có tốc độ tăng trưởng tốt và giá vàng thế giới liên tục đi xuống, giữ vàng là lỗ nên việc niêm yết giá bằng vàng không được ưa chuộng.

Trên đây là phân tích hoạt động của kênh đầu tư vàng so với một số kênh khác. Đáng tiếc là chúng tôi không có thống kê chỉ số giá bất động sản. Tuy nhiên đây là kênh cũng rất khó đoán và tùy thuộc vào phân khúc. Nhà gắn với đất có mức tăng cao nhất, trong khi căn hộ chung cư chỉ tăng ở mức vừa phải. Mua đất nông nghiệp với kỳ vọng tăng giá trong tương lai có lẽ là kênh bấp bênh và rủi ro nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới