Thứ Sáu, 12/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thị trường xuất bản 2022: phục hồi trong do dự

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thị trường xuất bản 2022 không chỉ chứng kiến sự phân hóa rõ rệt về các phân khúc độc giả theo chủ đề, nội dung mà còn có sự phân hóa đặc biệt về hình thức tiếp cận sách. Sách giấy đứng trước những khó khăn, trong khi sách số, sách nói đang là những thị trường có tiềm năng…

Sự chia nhỏ phân khúc của miếng bánh thị trường cho thấy việc kinh doanh xuất bản năm 2023 có thể khó khăn hơn. Ảnh: N.V.N

Một năm gọi là “phục hồi” sau những đợt sóng Covid-19 ở nhiều lĩnh vực kinh tế, nhưng với thị trường xuất bản, 2022 là một năm “thấm đòn đại dịch”.

Một năm không dễ dàng

Quan sát ở thị trường sách truyền thống, có thể thấy không có những đầu sách đột phá về doanh số. Điều này thoạt tưởng là phi lý, bởi sau hai năm đại dịch, lẽ ra nguồn bản thảo hay sẽ “bùng nổ” khi đời sống thị trường được khai thông trở lại, người đọc sẽ háo hức hơn với những cuốn sách hay.

Thế nhưng thực tế lại đi theo chiều ngược lại: các nhà xuất bản, công ty sách ấn hành với sự dè dặt, đa số phải giảm số lượng in trên mỗi đầu sách để tránh tồn kho, bởi những cuộc thăm dò cho thấy nhu cầu thị trường đang giảm sút. Hầu hết các nhà xuất bản và công ty sách điều chỉnh số lượng in mỗi tựa sách, chỉ in từ 1.000-2.000 cuốn. Đã có hiện tượng những đầu sách kén độc giả giảm đều số lượng in xuống mức còn 500-1.000 cuốn.

Điều này lại tạo nên một nghịch lý vòng tròn: cùng với giá giấy tăng liên tục, nguồn giấy khan hiếm, việc ấn hành số lượng thấp sẽ đẩy giá bìa sách tăng cao. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khách hàng thắt chặt chi tiêu, ưu tiêu các khoản tiêu dùng thiết yếu, thì việc họ bỏ tiền ra mua sách sẽ không còn dễ dàng như ngày trước.

Sách nói, sách nói có bản quyền là đốm sáng le lói trên bức tranh xuất bản năm 2022 khi mang về doanh thu 100 tỉ đồng. Xuất bản theo khuynh hướng công nghệ sẽ là một cuộc chơi tốn kém và không hoàn toàn màu hồng trong bối cảnh nhận thức của thị trường về bản quyền, về quyền sở hữu trí tuệ chưa cao, và ít nhiều có yếu tố “cả thèm chóng chán”. Con số nói trên cũng cho thấy sự chia nhỏ phân khúc của miếng bánh thị trường vốn đã khiêm tốn, có thể đặt các nhà kinh doanh xuất bản vào một năm 2023 không nhẹ nhàng, thảnh thơi.

Tại TPHCM, có những công ty xuất bản lặng lẽ đóng cửa hoặc ngưng liên kết ấn hành sách. Chủ của một công ty trong số đó đã tâm sự, cô xem cuộc phiêu lưu vào thị trường xuất bản thời điểm này là một trải nghiệm khó quên.

Cái kết của một ngày xấu trời trong cuộc khởi nghiệp của cô đó là tự mình phải khuân từng thùng sách chuyển cho các thư viện làm từ thiện với mục đích giải phóng kho hàng tồn để trả lại mặt bằng. Với chủ của một công ty khởi nghiệp kinh doanh xuất bản, đó hoàn toàn là điều không mong muốn.

Cô nói rằng chính khi ấy, cô mới nhận ra sự nghiệt ngã. Bởi ba năm qua, bộ máy nhân sự của cô, từ các biên tập viên đến thủ kho, người ở các ban kế toán, bản quyền, truyền thông…, họ đã làm việc hết mình trên từng câu chữ để lấy về những bản quyền tốt với hy vọng xây dựng được một giá trị mới trong ngành này. Còn bây giờ, họ đành phải chia tay nhau để mỗi người tự đi xin việc làm mới ở nơi khác.

Có thể nhận ra sự khó khăn của ngành xuất bản khi lướt qua các Fanpage của các công ty, nhà xuất bản: mọi ý tưởng truyền thông dường như đều tập trung vào các chương trình xả kho – đẩy hàng tồn với suất ngày một tăng.

Dường như quanh năm, lúc nào độc giả cũng có thể tham gia vào các chương trình xả kho ở nơi này nơi kia, từ offline đến online, của các nhà phát hành, các công ty xuất bản. Sách mới phát hành hôm trước, hôm sau đã có thể bán đồng giá hoặc giảm sâu 30-50% giá bìa.

Thị trường xuất bản không dễ chơi. Năm qua, trong làng xuất bản tại TPHCM đã có những vụ sáp nhập của các công ty xuất bản tư nhân nhằm tạo ra một mô hình hợp tác quy mô lớn hơn. Nhưng đây chưa thể hứa hẹn là một mô hình hiệu quả, bởi từng “thương hiệu con” trước khi có nhu cầu sáp nhập cũng đã đứng trước bờ vực khó khăn.

Việc tập hợp có khi là sự phục hồi, nhưng trong một thời tiết thị trường xấu cũng dễ dẫn đến tích lũy thêm những khó khăn cho nhà quản trị trên tổng thể, nhất là trong một thị trường đang sóng gió.

Những con số le lói

Trước tác động của sự tăng giá giấy in, giá sản xuất, có thể thấy việc chọn lựa tác phẩm để ấn hành sách giấy trở nên khó khăn hơn tại các nhà xuất bản. Mục tiêu doanh số 2023 dĩ nhiên sẽ phải đặt ra ở mức thấp hơn trong năm mới đối với nhiều nhà xuất bản và công ty sách.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thì số đầu sách giấy in mới năm 2022 giảm 13%, trong khi số đầu xuất bản phẩm điện tử ước đạt 3.200 với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021, dù hiện nay cả nước chỉ có 13 công ty xuất bản sách điện tử.

Nếu có một điểm mới, le lói trong gam màu xám của ngành xuất bản năm qua, thì đó là các dự án sách nói, sách nói có bản quyền. Với chi phí đầu tư vào công nghệ rất cao mới đảm bảo kiểm soát bản quyền, giao dịch, thay đổi liên tục để đi cùng những bước tiến công nghệ số…, các nhà kinh doanh sách nói bắt đầu tìm thấy thị phần riêng.

Cũng theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành thì kinh doanh sách nói năm qua là một thị trường mới hình thành nhưng có doanh thu gần 100 tỉ đồng. Cục này liệt kê một số cái tên kinh doanh sách nói đáng chú ý: Waka, VoizFM, Fonos, Reavol…

Trên thực tế, cần nhắc lại, “cuộc chơi” xuất bản theo khuynh hướng công nghệ sẽ là một cuộc chơi tốn kém và không hoàn toàn màu hồng trong bối cảnh nhận thức của thị trường về bản quyền, về quyền sở hữu trí tuệ chưa cao, và ít nhiều có yếu tố “cả thèm chóng chán”. Nhưng một đốm sáng le lói cũng có ý nghĩa nhất định trên bức tranh xuất bản của một năm.

Ngoài ra, con số nói trên cũng cho thấy sự chia nhỏ phân khúc của miếng bánh thị trường vốn đã khiêm tốn, có thể đặt các nhà kinh doanh xuất bản vào một năm 2023 không nhẹ nhàng, thảnh thơi.

Một năm sau đại dịch, các yếu tố thị trường, các cơ chế khác như chiết khấu phát hành, bộ máy kiểm soát nội dung bảo thủ và lạc hậu, các thiết chế văn hóa hướng đến khuyến khích, hỗ trợ việc đọc sách… đều chưa có chuyển động đáng kể. Vì là một thị trường quy mô nhỏ lại không được xếp vào hàng thiết yếu, nên câu chuyện phục hồi và tìm kiếm giải pháp đột phá trong kinh doanh xuất bản xem ra sẽ cần nhiều thời gian hơn nhiều ngành khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới