Thích ứng nhanh và quyết liệt giúp FPT 'sống khỏe' trong Covid-19
Vân Ly
(KTSG Online) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Tập đoàn FPT đã đạt những kết quả khả quan về kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021. Nửa đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng tương ứng 19% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong năm 2020, FPT đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế tương ứng 29.830 tỉ đồng và 5.261 tỉ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với năm 2019, thời điểm Covid-19 chưa tấn công nền kinh tế toàn cầu.
Những kết quả nói trên đến từ sự nỗ lực của cả tập thể trong mọi hoạt động, cùng sự quyết liệt của ban lãnh đạo trong việc thay đổi tư duy, linh hoạt và nhanh chóng đưa ra những chiến lược, kịch bản ứng phó, tuân thủ nghiêm ngặt trong thực thi để chủ động làm chủ tình hình "bình thường mới".
KTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT về câu chuyện doanh nghiệp công nghệ này đã “sống” thế nào trong đại dịch.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT |
PV: Ông đã từng chia sẻ về FPT đã phải chuyển đổi số mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn do Covid-19. Ví dụ, đầu tư vào hồ dữ liệu (Data Lake) - một hệ thống quan trọng của FPT để từ đó tạo ra các “vũ khí mới” giúp cho doanh nghiệp quản trị, tăng trưởng và phát triển bền vững. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về chiến lược này?
- Ông Nguyễn Văn Khoa: Trong thời gian tới, FPT vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu lớn và dài hạn là đứng trong Top 50 công ty cung cấp dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới và tiên phong chuyển đổi số quốc gia hướng đến mô hình quốc gia số.
Hai năm gần đây, FPT chuyển sang giai đoạn tăng tốc đầu tư các dự án chuyển đổi số nội bộ trên tất cả các khía cạnh từ quản trị nhân sự, tài chính, kinh doanh đến tự động hóa, số hóa các quy trình, nghiệp vụ, tương tác với khách hàng… Bởi chúng tôi nhận thấy Covid-19 chính là thời điểm tốt nhất để FPT tập trung rà soát lại các vấn đề mà trước đây do tập trung vào tăng trưởng nên đã tạm thời gác lại. Chuyển đổi số nội bộ là một trong những yếu tố quan trọng giúp FPT chủ động, linh hoạt ứng phó kịp thời trước những diễn biến phức tạp và khó dự đoán của Covid-19.
Trong đó, dự án “Data Lake” được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của FPT, tiến tới mô hình doanh nghiệp vận hành theo thời gian thực (near real-time driven). Data Lake cho phép những người quản lý có được mọi thông tin cần thiết theo nhiều chiều, nhiều mức độ và gần thời gian thực, để từ đó có thể đưa ra quyết định kịp thời và hiệu quả.
Giờ đây, mỗi buổi sáng, tôi có thể nhìn thấy bức tranh tài chính, kinh doanh, nhân sự tổng thể của cả Tập đoàn FPT từ các dữ liệu của Data Lake. Việc này giúp chúng tôi biết được ngay lĩnh vực nào đang tăng trưởng tốt, lĩnh vực nào đang gặp vấn đề để đưa ra quyết định kịp thời. Bởi quản trị dòng tiền và thông tin tài chính liên tục là một trong những việc “then chốt” với FPT tại thời điểm này. Bên cạnh đó, dù có đến hơn 36.000 nhân sự tại 27 quốc gia trên toàn cầu, ban lãnh đạo công ty vẫn có thể nắm bắt được biến động nhân sự theo thời gian thực, theo dõi các chương trình tăng năng suất lao động mùa dịch, chủ động điều phối nguồn lực trong bối cảnh dịch và giãn cách như hiện nay.
Có thể mọi người sẽ nghĩ đây là một hệ thống đồ sộ nhưng không phải vậy. Doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô nào cũng đều có cách để quản trị dữ liệu, biến dữ liệu thành một thứ tài sản vô giá hỗ trợ kinh doanh, vận hành.
Ban lãnh đạo Tập đoàn FPT xác định sẽ đầu tư nhiều hơn nữa để tiếp tục triển khai các dự án chuyển đổi số của doanh nghiệp. Theo đó, có 3 dự án lớn về nhân sự, kinh doanh và Data Lake. Ông có thể nói cụ thể về sự thay đổi (về tư duy lẫn chiến lược thực thi) của FPT trong thời gian gần đây để phù hợp với tình hình mới, chuẩn bị những nền tảng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo của doanh nghiệp?
FPT đã và đang sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ để chủ động làm chủ tình hình bình thường mới tiếp theo, hơn là chạy theo việc thích ứng với thực trạng hiện tại. Chúng tôi vận dụng và phát huy các sức mạnh của công nghệ, chuẩn bị những nền tảng quản trị mới hơn, hiện đại hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của Tập đoàn trong tương lai.
Dự án Data Lake là một trong số đó, phủ rộng trên cả ba mảng tài chính, nhân sự, kinh doanh. Việc nắm bắt dữ liệu, thông tin là vô cùng quan trọng và cần kíp giúp FPT khi chuyển từ quản trị sang chỉ huy và có thể vững tin đưa ra quyết định trong vòng một ngày thậm chí vài giờ thay vì vài tuần như trước đây.
Tổng Giám đốc FPT chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh không gián đoạn với cộng đồng doanh nghiệp trong một hội thảo trực tuyến. |
Từ các dữ liệu này, FPT cũng có thể thiết kế thêm nhiều chương trình tiếp cận khách hàng dựa trên hiểu biết sâu và góc nhìn 360 độ về khách hàng. Giúp khách hàng và FPT ra quyết định nhanh chóng hơn, tính toán phân bổ nhân sự, mức đầu tư chính xác, hiệu quả cho từng dự án.
Tôi cho đây là thời điểm tốt nhất để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp xem lại hệ thống quản trị của mình. Những chỗ nào có vấn đề, chỗ nào là điểm yếu thì phải quyết tâm sửa và thay đổi.
Trong yêu cầu cấp thiết về ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đòi hỏi các ban ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị phải nhanh chóng và mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch bệnh. Là một doanh nghiệp công nghệ, FPT nhìn nhận cơ hội này ra sao, thưa ông?
FPT đang ở trong hạt nhân của mọi sự phát triển và tăng trưởng của các chương trình chuyển đổi số, các dự án đầu tư cho công nghệ.
Dựa trên thế mạnh công nghệ, chúng tôi sẵn sàng đồng hành giúp các tổ chức, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các giải pháp, nền tảng công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh cũng như phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn giãn cách và kinh doanh không gián đoạn.
Mới đây nhất, ngay khi nhận được “bài toán” từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia về việc hỗ trợ nguồn lực chống dịch, chỉ trong vòng 1 ngày, FPT đã triển khai xong trợ lý ảo voiceBot truy vết Covid-19 giúp gia tăng hiệu quả đáng kể cho đội ngũ truy vết dịch trên toàn quốc. Tính đến tháng 7-2021, trợ lý ảo đã thực hiện hơn 2,2 triệu cuộc gọi tới hơn 1,2 triệu công dân Việt Nam tại 6 tỉnh thành phố có dịch, góp phần phát hiện hàng nghìn trường hợp có triệu chứng nhiễm bệnh.
Hay như chỉ trong vòng 7 ngày khi diễn ra làn sóng Covid-19 lần thứ nhất tại Việt Nam, FPT đã hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam kịp thời xây dựng và đưa Trợ lý ảo nCov vào ứng dụng để tự động cung cấp thông tin và giải đáp mọi câu hỏi về dịch bệnh của người dân. Việc này không chỉ mang lại hiệu quả cao, mà còn giúp giải phóng nguồn lực cho các nhân viên tổng đài, để họ có thể tập trung cho những công việc quan trọng hơn.
Còn với các doanh nghiệp, từ kinh nghiệm vượt qua những thách thức và tác động của Covid-19 trong thời gian qua cùng sự thấu hiểu những khó khăn, bài toán mà các doanh nghiệp đang gặp phải, FPT chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, đưa ra các giải pháp công nghệ giúp họ có thêm “vũ khí”, sẵn sàng cho trận chiến dài hơi.
Chúng tôi sắp xếp các “vũ khí” này thành “bộ giải pháp kinh doanh không gián đoạn” giúp các doanh nghiệp vận hành xuất sắc, tạo ra trải nghiệm khách hàng vượt trội, khai thác nguồn lực số và củng cố hạ tầng kỹ thuật số đảm bảo ba “không”: không bị động - không gián đoạn - không chạm trong kinh doanh, quản trị, vận hành.
Xin ông cho biết FPT đánh giá và có kế hoạch tham gia vào thị trường giải pháp công nghệ y tế như thế nào? Liệu có sức ép cạnh tranh hay thử thách gì từ thị trường này?
Giải pháp công nghệ cho y tế chỉ là một trong số nhóm giải pháp của Hệ sinh thái made by FPT mà chúng tôi đang cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam và trên toàn cầu.
Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0, tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh doanh đều phải tập trung thúc đẩy và quyết liệt triển khai chuyển đối số, ngành y tế cũng không nằm ngoài guồng quay này. Các giải pháp chuyển đổi số sẽ tạo ra các mô hình y tế thông minh, đảm bảo an toàn trong công tác khám chữa bệnh và giải phóng khối lượng lớn nhân sự tuyến đầu, phục vụ cho công tác phòng và chống dịch.
Cách đây 20 năm FPT đã đưa ra các giải pháp công nghệ cho lĩnh vực này, và hiện chúng tôi đã hình thành được hệ sinh thái y tế số với các giải pháp lõi giúp quản trị, điều hành y tế, khám chữa bệnh thông minh như FPT.eHospital, FPT.EMR, FPT.HIE, FPT.Carebooks…
FPT đã nhanh chóng chuyển đổi cách tiếp cận, trao đổi với khách hàng sang hình thức trực tuyến thích ứng với “bình thường mới”. |
Tiêu biểu là giải pháp quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital hướng đến mô hình bệnh viện không giấy tờ. Hiện có hơn 300 cơ sở y tế, bệnh viện và 7 sở y tế trên toàn quốc đang sử dụng hệ thống này của FPT. Với quan điểm xem bệnh nhân là trung tâm của hệ thống, FPT.eHospital cho phép các bệnh viện hiện đại hóa hầu hết các quy trình để bệnh nhân kết nối tương tác hai chiều theo thời gian thực, chủ động thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh thông qua các Kiosk thông minh… Hệ thống cũng giúp bác sĩ, y tá, kĩ thuật viên, nhân viên tài chính cũng như ban lãnh đạo bệnh viện đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. Theo tính toán sơ bộ, hệ thống đã phục vụ khoảng 20 triệu lượt khám/năm, giúp tiết kiệm khoảng 1 triệu ngày công/năm.
FPT hy vọng trong thời gian tới có thể cùng các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ khác nhân rộng mô hình y tế thông minh, tạo ra sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành y, trước mắt trong ngắn hạn giúp nhanh chóng dập dịch và ngừa dịch hiệu quả.
Còn về sức ép cạnh tranh hay thử thách thì thị trường nào, lĩnh vực nào cũng có. FPT tự tin cạnh tranh công bằng, cùng nhau phát triển bình đẳng, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái các giải pháp, ứng dụng y tế thông minh. Mang lại sự thuận tiện cho cả nhà quản lý, bác sĩ và người bệnh trên tất cả các phương diện từ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh đến quản lý, điều hành.
Liên quan đến quản trị trong giai đoạn dịch bệnh, ông có thể cho biết FPT đã có sự chuẩn bị ra sao trước các kịch bản như: các công ty con có F0, F1, F2… hoặc nằm trong khu vực bị phong tỏa. Mặc dù doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ vào giải pháp WFH (làm việc tại nhà) nhưng rõ ràng giải pháp này vẫn bộc lộ những điểm hạn chế. Và ở khía cạnh tâm lý, nó cản trở sự nhiệt tình của nhân viên cũng như các hoạt động tập thể cần sự đồng lòng, chung sức.
Kinh nghiệm quản trị và thế mạnh công nghệ đã giúp FPT có được “bí quyết” riêng để mang môi trường giống ở văn phòng nhất về nhà cho mỗi nhân viên của mình. Thay vì đến văn phòng thì nhân viên có thể họp hành, tiếp cận khách hàng, triển khai dự án… ở nhà mà vẫn đảm bảo năng suất.
Ví dụ như việc triển khai dự án, giãn cách xã hội khiến đội dự án của FPT không thể triển khai dự án cho khách hàng theo mô hình tập trung và trực tiếp mà chuyển sang mô hình phân tán và 100% làm việc qua mạng, trực tuyến. FPT xây dựng phương pháp luận, quy trình thực hiện trực tuyến chi tiết hoá qua từng giai đoạn của dự án từ khâu phân tích thiết kế, xây dựng hệ thống đến kiểm thử, triển khai đến ký kết nghiệm thu, vận hành.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch, tại thời điểm này đang có 70% cán bộ nhân viên của FPT làm việc tại nhà nhưng hoạt động kinh doanh vẫn không hề bị gián đoạn. Minh chứng là lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng của FPT vẫn tăng trưởng 21% so với cùng kì năm ngoái. FPT vẫn ký được các hợp đồng lớn. Ví dụ như cách đây một tuần là hợp đồng với quy mô dự kiến đạt khoảng 9 triệu đô la Mỹ với một khách hàng tại Nhật Bản.
Vì sao FPT làm được như vậy, thì như tôi đã nói ở trên, FPT đã bắt đầu thay đổi tư duy chiến lược. Lấy phát triển bền vững làm mục tiêu, đặt công nghệ và tối ưu hóa sức mạnh công nghệ làm trọng tâm. Đẩy mạnh triển khai các dự án chuyển đổi số nội bộ trên tất cả các khía cạnh từ quản trị nhân sự, tài chính, kinh doanh đến tự động hóa, số hóa các quy trình, nghiệp vụ, tương tác với khách hàng…
Đây chính là những “vũ khí mới” giúp FPT hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra.
Xin cảm ơn ông!
Mời xem thêm:
FWD đi tiên phong trong xu hướng ứng dụng AI để phục vụ khách hàng