Thứ ba, 6/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thích ứng với cách làm luật mới

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tốc độ làm luật ngày càng nhanh; quy trình xây dựng chính sách ngày càng tinh gọn; thời gian đăng tải, lấy ý kiến công khai rút ngắn hơn... Những thay đổi lớn trong hoạt động soạn thảo chính sách như vậy đòi hỏi doanh nghiệp tham gia chủ động hơn và sâu hơn vào quá trình làm luật. Điều này không chỉ để thích ứng, mà còn để kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và ổn định hơn trong dài hạn.

Tuần trước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2024. Báo cáo đã chỉ ra những thay đổi quan trọng trong hoạt động soạn thảo chính sách - sẽ tác động đáng kể đến doanh nghiệp.

Điểm đột phá lớn nhất bắt nguồn từ việc Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường tháng 2-2025. Luật này đã thay đổi căn bản quy trình lập pháp, từ cách tiếp cận tuần tự sang song song, giúp giảm đáng kể thời gian soạn và ban hành luật.

Trước đây, muốn xây dựng một luật mới phải thông qua đề nghị chính sách rồi chờ bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh - kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Nay, các bước này được tiến hành đồng thời và thẩm quyền phê duyệt được chuyển từ Quốc hội sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy trình ban hành luật cũng thay đổi từ hai kỳ họp (một kỳ thảo luận, một kỳ thông qua) thành một kỳ họp duy nhất. Vì vậy, kể từ ngày 1-4-2025, thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 có hiệu lực, thời gian xây dựng một luật sẽ rút ngắn từ 22 tháng xuống còn khoảng 10 tháng; trong trường hợp áp dụng quy trình rút gọn, thời gian có thể chỉ còn 1-2 tháng.

Bên cạnh đó, thời gian đăng tải, lấy ý kiến công khai sẽ ngắn hơn. Theo đó, không bắt buộc đăng tải công khai với đề nghị xây dựng chính sách nhưng bắt buộc tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp. Đồng thời, thời gian đăng tải công khai xin ý kiến dự thảo luật sẽ rút ngắn, từ 60 ngày hiện hành xuống 20 ngày.

Doanh nghiệp cần vượt qua tư duy “chờ luật rồi làm theo” để trở thành chủ thể tích cực đóng góp vào việc xây dựng pháp luật. Khi doanh nghiệp lên tiếng và khi tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe, chính sách sẽ sát thực tế hơn, tính dự báo cao hơn và chi phí tuân thủ cũng giảm đi đáng kể.

“Phong cách” soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng thay đổi lớn. Luật giờ đây chỉ quy định những vấn đề có tính ổn định lâu dài, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, các nguyên tắc lớn. Những nội dung mang tính kỹ thuật, quản lý nhà nước sẽ để nghị định và thông tư quy định cụ thể. Thậm chí, thông tư - vốn là văn bản cấp bộ - cũng có thể quy định thủ tục hành chính mà không cần được “luật hóa” như trước.

Một điểm nổi bật khác là quy trình xây dựng chính sách đang diễn ra khá nhanh chóng, nhất là các văn bản nhằm hiện thực hóa các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đồng thời giải quyết nhanh nhất và kịp thời nhất các vướng mắc và bất cập của các chính sách hiện hành. Kéo theo đó là xu hướng sử dụng một văn bản luật để sửa đổi đồng thời nhiều luật khác nhau. Năm 2024, các luật sửa đổi theo hình thức này đã được ban hành với mật độ dày đặc, như Luật sửa nhiều luật về thuế, Luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực tài chính, thương mại..., và năm nay cũng vậy.

Những thay đổi trên mang lại cả cơ hội và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp. Về tích cực, tốc độ xây dựng pháp luật nhanh hơn, linh hoạt hơn giúp tháo gỡ nhiều nút thắt vốn kéo dài trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhưng mặt khác, nếu không nắm bắt kịp thời, doanh nghiệp dễ rơi vào thế bị động, không kịp điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tuân thủ, thậm chí vi phạm quy định mới.

Chẳng hạn, với các quy định pháp luật được ban hành theo quy trình rút gọn, cơ hội để doanh nghiệp và người dân tham gia góp ý sẽ ít hơn. Các văn bản này lại thường có hiệu lực ngay sau khi ký, không có độ trễ để doanh nghiệp chuẩn bị nhân lực, hạ tầng, điều chỉnh hợp đồng hay đào tạo đội ngũ. Những doanh nghiệp không có bộ phận pháp chế chuyên sâu hoặc khả năng cập nhật chính sách chậm sẽ gặp rủi ro lớn.

Trước những thay đổi lớn trong quy trình xây dựng pháp luật hiện nay, doanh nghiệp không thể tiếp tục giữ vai trò thụ động, chờ chính sách được ban hành mới phản ứng. Thay vào đó, cần chủ động tham gia ngay từ đầu vào quá trình làm luật để bảo vệ lợi ích chính đáng và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Trước hết, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý nội bộ. Việc đầu tư cho bộ phận pháp chế hoặc hợp tác với các đơn vị tư vấn pháp luật chuyên sâu sẽ giúp doanh nghiệp theo sát các thay đổi của pháp luật, đánh giá tác động và chuẩn bị phương án ứng phó kịp thời. Đây không chỉ là giải pháp phòng ngừa rủi ro mà còn là cách để góp tiếng nói chất lượng vào chính sách.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp hội ngành nghề, cần tích cực tham gia đóng góp ý kiến từ giai đoạn đầu của quá trình xây dựng văn bản pháp luật, chứ không chỉ góp ý ở những vòng cuối khi dự thảo đã gần như định hình. Sự tham gia sớm sẽ giúp các chính sách phản ánh thực tiễn nhiều hơn, giảm thiểu những quy định khó khả thi. Khi phát hiện những quy định chưa phù hợp trong thực tiễn áp dụng, doanh nghiệp nên mạnh dạn lên tiếng thông qua các kênh như hiệp hội, báo chí hoặc các diễn đàn đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước. Ứng dụng công nghệ vào quản trị pháp lý cũng là xu hướng không thể bỏ qua. Hiện nay, nhiều nền tảng số có thể giúp doanh nghiệp cập nhật văn bản pháp luật mới, phân tích tác động và đưa ra cảnh báo sớm.

Xây dựng pháp luật không phải là chuyện nội bộ của cơ quan nhà nước. Trong xu thế quản trị hiện đại, Nhà nước kiến tạo chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu chính sách được thiết kế trên nền tảng đối thoại thực chất, phản ánh đúng nhu cầu và thực tiễn vận hành của nền kinh tế. Do đó, doanh nghiệp cần vượt qua tư duy “chờ luật rồi làm theo” để trở thành chủ thể tích cực đóng góp vào việc xây dựng pháp luật. Khi doanh nghiệp lên tiếng và khi tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe, chính sách sẽ sát thực tế hơn, tính dự báo cao hơn và chi phí tuân thủ cũng giảm đi đáng kể. Ngược lại, nếu doanh nghiệp đứng ngoài cuộc, các chính sách dù được ban hành nhanh chóng thì vẫn có nguy cơ thiếu khả thi, tạo rào cản thay vì khơi thông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới