(KTSG Online) - Theo Bộ Y tế, ước tính thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động chiếm đến 1,14% GDP, tương đương hơn 108.000 tỉ đồng/năm. Chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
- ‘Vaping’ không phải là ‘hút thuốc lá’!
- Dùng nguồn thu từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá cho dự án phát triển bền vững
Theo cổng thông tin của Bộ Y tế, ngày 29-10, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo công bố tác hại của thuốc lá điện tử. Tại đây, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và các biện pháp kiểm soát thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc lá chủ động ở người trưởng thành tại Việt Nam có giảm.
Tuy nhiên, nước ta vẫn ở nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới khi tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành nước ta là 41,1%. Hút thuốc lá chủ động và thụ động là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật.
Ước tính thiệt hại kinh tế đối với xã hội do hút thuốc lá chủ động và thụ động gồm chi phí khám chữa bệnh, tổn thất năng suất lao động do mắc bệnh và tử vong sớm bởi hút thuốc lá chiếm 1,14% GDP, tương đương 108.700 tỉ đồng/năm. Đáng lưu ý, chi phí này cao gấp 5 lần so với nguồn thu từ thuế thuốc lá mang lại.
Bên cạnh thuốc lá truyền thống, Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13 đến 17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử thì năm 2023 kết quả điều tra tại 11 tỉnh, thành phố đã tăng lên 8,4%.
Theo ông Thuấn, mặc dù các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép nhập khẩu, quảng cáo hoặc bán tại Việt Nam. Thế nhưng, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này vẫn tăng nhanh trong thời gian qua, đặc biệt là ở học sinh phổ thông trung học ở khu vực thành thị. Các cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo về tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Thực tế nhiều bệnh viện trên cả nước đã ghi nhận không ít thanh thiếu niên nhập viện có liên quan đến thuốc lá điện tử, trong đó có ngộ độc, loạn thần và ngộ độc ma túy.
Đại diện Bộ Y tế cho biết từ thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu Việt Nam cần có hành động ngăn chặn thuốc lá mới. Trước mắt là đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới.
Nếu chính xác là thiệt hại cỡ đó, thì nên họp xét dọn dẹp những nhà máy thuốc lá trong nước, cả liên doanh thuốc lá nước ngoài luôn đi , hoặc cấm hút thuốc lá bất cứ ở nơi đâu và phạt nặng tương đương như phạt nồng độ cồn của nghị định 100, nhằm mang lại lợi cho đất nước