Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu điện còn do trì trệ!

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thiếu điện có nguyên nhân từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc thiếu điện trầm trọng ở miền Bắc trong mùa hè này có phần của lỗi do trì trệ...

 

Việc thiếu điện đang diễn ra tại khu vực miền Bắc đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Theo phản ánh trên báo chí, việc cắt điện luân phiên khiến hoạt động sản xuất tại nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh... bị ngưng trệ. Nhiều năm nay, chỉ số tiếp cận điện năng tại Việt Nam luôn được các doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực khiến dải đất chữ S trở nên hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài hơn, vậy nhưng, tình huống hiện tại cho thấy, điều này có thể thay đổi.

Trong diễn biến đang xảy ra, sự thất thường của ông trời rõ ràng không khó đoán. Dù hơn 5.000 MW nguồn huy động từ thủy điện bị thiếu hụt tính tới ngày 3-6-2023 là một thực tế buộc phải chấp nhận, nhưng nếu đã biết trước chu kỳ El Niño thường nối tiếp sau La Niña mà vẫn bị động thì lỗi là do con người. Chưa kể, sự cố xảy ra tại các tổ máy nhiệt điện than, nguồn cung điện chủ yếu cho khu vực miền Bắc xảy ra đúng vào thời điểm thiếu điện căng thẳng nhất đã gây ra ảnh hưởng tới khoảng 4.200 MW điện tính tới 5-6-2023. Sẽ rất khó thuyết phục bất cứ ai rằng, việc bảo trì bảo dưỡng các tổ máy không thể thực hiện trước thời điểm nguồn cung điện vô cùng căng thẳng.

Phần lỗi của trì trệ càng cần được tính đến nếu nhìn vào bức tranh chung về nguồn cung ứng điện cho miền Bắc. Là khu vực có mức tiêu thụ điện năng tăng trưởng cao nhất cả nước, giai đoạn 2016-2020 bình quân tăng 9,3%/năm, nhưng tăng trưởng nguồn điện cùng kỳ chỉ khoảng 4,7%/năm. Việc phát triển các nguồn điện mới cho miền Bắc không chỉ chậm hơn nhu cầu mà các dự án lớn trong đó có cả các dự án của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chậm triển khai hoặc chậm về đích. Điểm sáng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cần phải được nhân lên, cho dù tính tới thời điểm hiện tại, theo lãnh đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhà máy này mới đóng góp khoảng 600 MW lên lưới điện, tương đương một nửa công suất thiết kế.

Giống như khi chữa trị cho các bệnh nhân có cục máu đông, tắc nghẽn ở đâu phải khơi thông ở đó và phải tác động với liều lượng phù hợp. Thế nên, lời giải không đơn giản theo cách thiếu điện thì tăng dự án, vừa bằng các ưu đãi, khuyến khích đầu tư, vừa bằng cơ chế giá điện có sức thuyết phục hơn.

Đầu tiên, điện là một loại hàng hóa đặc biệt. Bài toán thiếu điện cần phải giải quyết nhưng chắc chắn không bằng cách tăng nguồn cung tới mức dư thừa. Và việc dư thừa điện không đồng nghĩa với giá thành rẻ cho người tiêu dùng mà có thể còn ngược lại, bởi các vấn đề hệ thống, chi phí đầu tư... Nguyên tắc là phải cân đối nguồn cung với lượng tiêu thụ, trong cả thời gian cao điểm lẫn thấp điểm.

Vậy bao nhiêu là đủ? Câu trả lời sẽ càng khó tìm nếu chúng ta không xác định được các dự án nhiệt điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư có tiếp tục triển khai và những dự án đã triển khai bao giờ về đích. Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư, đồng thời cần cả cây gậy răn đe, để không phải những kẻ đặt gạch giữ phần mà những doanh nghiệp có năng lực và thực sự muốn tham gia vào lĩnh vực cấp điện.

Đối với các dự án đang hoạt động, các vấn đề liên quan tới cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện... sẽ được nhận diện trong cuộc thanh tra kéo dài 30 ngày kể từ ngày 10-6. Mọi vướng mắc sẽ sớm được giải quyết và sai phạm nếu có sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Kể cả khi đã có những dữ liệu trên, việc tính toán nhu cầu điện của miền Bắc vẫn phải tính tới đặc trưng thời vụ. Huy động điện mặt trời mái nhà nên là một phương án được cân nhắc bởi lẽ thời điểm thiếu điện trầm trọng ở khu vực này trùng với thời điểm sản lượng đạt mức cao nhất. Cơ chế đặc biệt về đấu nối và lắp đặt pin mặt trời tại các trụ sở công mà TPHCM đang trình Quốc hội thông qua rất nên được xem xét áp dụng cho các tỉnh thành miền Bắc.

Đối với khu vực sản xuất, chuyển đổi xanh là chiếc chìa khóa mở được cả hai cánh cửa, vừa đáp ứng yêu cầu càng cao của các thị trường xuất khẩu vừa tiết giảm nhu cầu điện năng. Thu hút FDI một mặt phải tương ứng với hạ tầng kỹ thuật hiện có, mặt khác, cần lựa chọn các doanh nghiệp xanh để thiết kế ưu đãi hợp lý hơn cho nhóm này.

Xin được lưu ý rằng, các cảnh báo về thiếu điện đã được đưa ra cách đây vài năm. EVN đã cất lời xin lỗi vì để người dân và doanh nghiệp gặp nhiều bất tiện vì tình trạng cắt điện luân phiên, chỉ có điều những vị “thượng đế của ngành điện” hẳn không muốn phải nghe thêm một lời xin lỗi.

3 BÌNH LUẬN

  1. Cuối năm 2022, Thụy Sĩ dự kiến cấm xe điện vào mùa đông vì sợ thiếu điện để sưởi ấm dù chỉ có 100.000 xe điện. Miền Tây nước Mỹ nhiều khu vực cũng thiếu điện do có quá nhiều ô tô điện. Nếu VN không thận trọng trong việc phát triển xe điện thì tôi tin rằng vài năm nữa VN sẽ phải thường xuyên đối mặt với việc cúp điện. Thí dụ, chỉ tính riêng Vinfast, công suất mỗi năm 250.000 chiếc, đến năm 2026 tăng lên 950.000 chiếc mỗi năm, tính ra đến năm 2030 sẽ có 5.000.000 ô tô điện của Vinfast, mỗi xe mười ngày mới sạc một lần thì mỗi ngày sẽ có 500.000 xe cần sạc. Xe VF8 có khối pin 88 kW, 8 tiếng sạc đầy thì mỗi tiếng cần 11 kW. Xe điện đi ban ngày tối mới sạc, tính ra mỗi tiếng buổi tối 500.000 ô tô cần 5.500.000 kW, gấp ba công suất nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (công suất 1.920.000 kWh). lúc đó chắc cúp điện thường xuyên vì sự cố.

  2. Quan trọng là phải xây dựng được hệ sinh thái năng lượng xanh và tuần hoàn, đến từng gia đình cũng như toàn quốc. Khi đó không còn lo lắng thiếu điện hoặc thiếu năng lực chuyển tải điện. Đây là nhiệm vụ lịch sử của nhân loại cần phải hoàn thành để hướng đến một tương lai tươi sáng hơn. Vị trí của công nghệ trong câu chuyện này là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là hệ thống chính sách giải pháp thông minh để hiện thực hóa mục tiêu phi cacbon vào năm 2050.

  3. Mỗi khi nói đến trì trệ ta thường đổ lỗi cho cơ chế chính sách mà không thấy rằng lý do chủ quan mới là quyết định. Tại sao ngành giao thông lại có một tập đoàn Sơn Hải, lúc nào thi công công trình giao thông cũng vượt tiến độ và cam kết bảo hành đến 10 năm, trong khi hàng loạt nhà thầu khác thì cứ mãi ì ạch. Cùng môi trường thể chế, nhưng biết đánh giá, giao đúng việc, đúng người điều hành, có trách nhiệm, có tâm huyết thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua. Vậy nên lý do chủ quan lớn nhất vẫn là thiếu người có tầm biết chọn người có tài .

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới