Thứ tư, 29/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thiếu người dạy môn kinh tế

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ năm học 2022-2023 này, học sinh lớp 10 đã bắt đầu có thể chọn môn giáo dục kinh tế và pháp luật làm một trong năm môn học lựa chọn của mình.

Đây là một tin vui - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng từng có bài trên mục Ý kiến đề nghị nên đưa môn kinh tế vào dạy cho học sinh phổ thông trung học, vì những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện nay đòi hỏi phải chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng liên quan đến hoạt động kinh tế trước khi vào đời.

Hiện nay các trường phổ thông trung học đang than thiếu giáo viên dạy các môn mới như âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ. Đây là chuyện có thể dự báo được, vì ngay từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố vào năm 2018 không hề thấy ngành giáo dục, các trường đại học sư phạm có bất kỳ động tĩnh gì để tuyển sinh và bắt đầu đào tạo giáo viên dạy các môn mới. Tuy nhiên, phản ánh trên báo chí cho thấy các trường chỉ than nhiều về các môn như âm nhạc và mỹ thuật. Đây là hai môn đòi hỏi người thầy những kỹ năng rất cụ thể, cần được đào tạo bài bản mới có thể đứng lớp.

Có lẽ các trường suy nghĩ sẽ tạm thời giải quyết thiếu hụt giáo viên môn kinh tế bằng cách sử dụng giáo viên môn giáo dục công dân rồi cập nhật kiến thức kinh tế theo chương trình mới. Thế nhưng kiến thức hai môn này là hoàn toàn khác nhau, đó là chưa kể trước đây giáo viên môn giáo dục công dân cũng là giáo viên các môn khác như sử, văn... được nhà trường phân công sang dạy.

Để giảng dạy môn kinh tế sôi động, lôi cuốn học sinh, người thầy cần được trang bị một khối lượng kiến thức lớn, chẳng kém gì một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế. Đó là bởi cho dù chương trình có thể chỉ nói đến các khái niệm chung như thị trường, cơ chế thị trường; ngân sách nhà nước, các loại thuế phổ biến; vai trò của tín dụng, các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân... nhưng người thầy phải hiểu hết các nguyên tắc kinh tế đằng sau các khái niệm này mới có thể giúp học sinh nắm vững kiến thức. Kinh tế gắn liền với cuộc sống, học sinh học môn này sẽ có nhiều thắc mắc, sẽ đem những tình huống có thật ngoài đời để hỏi thầy cô; thầy cô không được đào tạo bài bản ắt khó lòng hoàn thành tốt vai trò của mình.

Tạm thời chưa nói đến phần giáo dục pháp luật, cách giải quyết tạm thời cho việc thiếu hụt giáo viên môn kinh tế là các trường ưu tiên tuyển dụng giáo viên bán thời gian từ những người đã tốt nghiệp các trường đại học kinh tế, tạm thời chưa có việc làm hay làm chưa đúng ngành nghề được đào tạo. Họ sẽ được tập huấn các kỹ năng sư phạm cần thiết để nhanh chóng bổ sung cho đội ngũ giáo viên môn kinh tế. Song song đó, ngành giáo dục cần nhanh chóng phân bổ chỉ tiêu đào tạo ngành kinh tế cho các trường đại học sư phạm - nhanh lắm thì bốn năm sau mới có những sinh viên đầu tiên ra trường.

Nếu để học sinh vì gặp phải thầy cô được đào tạo ngành khác sang dạy môn kinh tế mà ghét bỏ hay chán nản với môn này là một điều rất uổng phí, trái với nỗ lực hướng nghiệp của chương trình mới. Như thế không những không chuẩn bị được nguồn tuyển sinh cho các ngành kinh tế, tài chính, kinh doanh mà còn làm nản lòng những trường hợp khởi nghiệp, những doanh nhân tương lai sau này.

4 BÌNH LUẬN

  1. Kinh tế phổ thông khác với kinh tế học. Những gì ta muốn truyền dẫn đến cho thế hệ học sinh là những câu chuyện kinh tế đời thực, gắn với đời sống thường nhật, không mang tính hàn lâm học thuật. Tuy nhiên để có người dẫn dắt câu chuyện này cũng không phải là chuyện đơn giản. Để biết cách đơn giản hóa thì phải hội đủ trình độ tri thức hóa. Mọi thứ phải có sự chuẩn bị về nhân lực kỹ càng. Tiếc rằng, Bộ giáo dục lại rất chậm cho việc triển khai chiến lược này.

    • Bạn nói rất đúng và chính xác. Kiến thức phải luôn luôn được cập nhật mỗi ngày. Luật và các vb quy phạm thay đổi thường xuyên, nên kinh tế thị trường vận hành chóng mặt. Để 1 giáo viên GDCD bồi dưỡng và nắm được cơ bản Luật và Kinh tế đã khó, am hiểu về nó càng khó hơn.

  2. Trẻ nhỏ được tiếp cận với kiến thức kinh tế từ sớm thế này, quả là tốt.

    Với môn học mới này: thiết nghĩ không nên quá nặng nề về điểm số hay chỉ tiêu giống như các môn khoa học khác, mà nên coi như một sự tiếp cận về kiến thức kinh tế thì sẽ thấy nhẹ nhàng hơn.

    Về giáo viên: Đúng là sẽ rất khó nếu giáo viên chỉ dạy một cách khô khan, mà không có kiến thức thực tế. Hiện nay việc học online đã là phổ cập, tại sao không nghĩ đến hướng hàng tuần, hoặc hàng tháng, các trường bố trí lịch học sao cho vào cùng một thời điểm, sẽ mời một số diễn giả (hoặc cố định người truyền đạt) dạy online cho học sinh, như vậy ban đầu tiết kiệm được giáo viên, mà vẫn truyền đạt được kiến thức chung .

    Cách này chỉ mang tính chất tạm thời, trong lúc chờ đợi những cách làm hiệu quả hơn, cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho bộ môn mới này. Hy vọng trong tương lai, thế hệ trẻ VN sẽ có nhiều thương nhân dám nghĩ dám làm và có tinh thần thương nhân.

  3. Bản thân tôi tốt nghiệp ngành tài chính nhà nước Đại học Kinh tế TPHCM. Khi tìm hiểu về môn giáo dục kinh tế và pháp luật tôi nhận thấy mình được đào tạo các học phần phù hợp để dạy môn này. Gv dạy giáo dục công dân họ cũng nói chương trình môn mới này bỏ triết, học kinh tế mà họ chưa được đào tạo, rất khó dạy dù sau này sẽ được tập huấn. Hiện tôi cũng đang công tác tại trường THPT nhưng để xin chuyển ngạch sang giáo viên thì không được chấp thuận mặc dù vẫn có chứng chỉ sư phạm. Thật buồn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới