Thiếu nhiều giáo viên dạy trẻ tự kỷ
Tường Vi
![]() |
Việt Nam đang thiếu số lượng lớn đội ngũ giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Trong ảnh, một giáo viên trường Mầm non Tuổi Ngọc dạy dỗ một bé trai 5 tuổi mắc chứng tự kỷ . Ảnh: Tường Vi |
(TBKTSG Online) – Cả nước sẽ cần có thêm ít nhất 200.000 giáo viên dạy trẻ khuyết tật mới đủ nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay, song, sẽ còn rất lâu nữa mới đạt được con số này, ông Đào XuânTrường, quyền Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, cho biết tại hội thảo "Trường học nào cho trẻ tự kỷ?" diễn ra vào sáng nay, 5-6 tại TPHCM do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển phối hợp với các nhóm cha mẹ trẻ tự kỷ tổ chức.
Trẻ mắc chứng tự kỷ ngày càng đông
Trước năm 2000, tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ vào khoảng 5 em/10.000 trẻ nhưng tỷ lệ này dần tăng lên. Chỉ riêng tại Mỹ, tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ theo số liệu công bố vào năm 2009 là 1/110 trẻ. Ở Việt Nam chưa có thống kê số liệu đầy đủ nhưng những năm gần đây, con số trẻ được chẩn đoán bị mắc chứng tự kỷ tăng vọt.
Theo một đại diện của Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, trong năm 2003 bệnh viện chỉ điều trị cho 2 trẻ tự kỷ nhưng đến năm 2007 con số này là 170 trẻ, năm 2008 là 350 trẻ, năm 2009, bệnh viện đã nhận khoảng 1.340 trẻ đến khám chứng tự kỷ. Tương tự tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, số lượng trẻ tự kỷ đến điều trị cũng tăng dần theo từng năm, năm 2007 là 405 trẻ, năm 2008 là 963 trẻ và năm 2009 là 1.752 trẻ.
Theo chương trình hành động giáo dục đặc biệt giai đoạn 2010 – 2015 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thì trong năm 2010 này, cả nước phải đưa được 70% số trẻ khuyết tật đến trường và phấn đấu nâng tỷ lệ này lên 90% vào năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Trường: “Con số này là phi thực tế bởi theo số liệu thống kê cách đây vài năm thì cả nước chỉ mới đạt tỷ lệ khoảng 24% số trẻ khuyết tật đi học”.
Nhưng lại thiếu giáo viên dạy trẻ tự kỷ
Việc thiếu trầm trọng giáo viên dạy trẻ tự kỷ càng khiến cho mục tiêu trên càng trở nên xa vời. Hiện cả nước có 7 cơ sở đào tạo giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt ở các trường cao đẳng và đại học nhưng cung không đủ cầu. Tại nhiều trường dạy trẻ khuyết tật, tỷ lệ giáo viên trên học sinh là 2/45. “Từ lúc trường thành lập khoa giáo dục đặc biệt cho đến nay đã 7 năm nhưng chỉ có 300 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy và trong số đó, có nhiều người sau khi ra trường đã đi làm công việc khác”, ông Trường cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, khoa Giáo dục đặc biệt trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng cho biết: “Tính đến tháng 12-2009, khoa đã đào tạo cho 500 sinh viên bậc đại học và 700 sinh viên bậc cao đẳng. Ngoài ra khoa còn tiếp nhận bồi dưỡng cho 1.000 giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục đặc biệt. Con số này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giáo viên cho 35.000 trường mầm non toàn quốc”.
Trong số các trường mầm non đó thì chỉ có trên dưới 100 trường chuyên biệt dành nhận dạy trẻ khuyết tật, và chứng tự kỷ cũng được các nhà khoa học trên thế giới xem là một dạng khuyết tật. Năm học 2008 – 2009, có khoảng 15.000 trẻ khuyết tật học hòa nhập ở các trường mầm non trong cả nước.
Một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị tự kỷ - Không hiểu những chuẩn mực, quy tắc ứng xử xã hội, thiếu hẳn tính uyển chuyển sáng tạo, khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc. - Chậm hoặc không phát triển ngôn ngữ, không hiểu nghĩa bóng của lời nói cũng như ý nghĩa của cử chỉ điệu bộ hay nét mặt của người đối diện. - Trẻ có thể quá năng động hoặc ù lì, hành động lặp đi lặp lại, hay la hét khi quá bức xúc hoặc sợ hãi, không nhận biết được sự nguy hiểm. (Nguồn: Câu lạc bộ Gia đình trẻ bị tự kỷ tại Hà Nội) |
Hằng năm, có khoảng trên 200 sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy chuyên ngành giáo dục đặc biệt tại các cơ sở có dạy chuyên môn này nhưng số lượng sinh viên làm việc đúng chuyên môn đào tạo sau khi ra trường thì không nhiều.
Lý giải cho điều này, ông Trường nói: “Lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào ngành giáo dục đặc biệt mỗi năm mỗi giảm Một trong những nguyên nhân là chính sách đãi ngộ chưa hấp dẫn giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Nhiều trường thậm chí còn ái ngại khi nhận các giáo viên này và không biết phải trả lương cho họ ra sao. Một phần khác là do thái độ thiếu tích cực của xã hội ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên dạy trẻ khuyết tật., làm cho nhiều sinh viên đã bỏ công tác sau khi đã được đào tạo bài bản”.
Nhiều trở ngại phía trước
Giáo viên dạy trẻ tự kỷ không chỉ thiếu về số lượng mà còn chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng vì ít được đào tạo chuyên ngành. Các chuyên gia công tác trong chuyên ngành giáo dục đặc biệt cho biết ,các trường đang phải dạy và học theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thời gian dành cho chuyên ngành giáo dục trẻ tự kỷ rất hạn chế.
Bà Kim Anh nói, trong 210 đơn vị học trình bậc cử nhân khoa giáo dục đặc biệt thì chỉ có 3 đơn vị học trình về chứng tự kỷ ở trẻ. Tương tự, khoa Giáo dục đặc biệt trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM chỉ có 2/105 tín chỉ giảng dạy về dạng rối loạn này ở trẻ. “Bởi chúng tôi còn phải dành thời gian cho các chuyên môn khác như khiếm thính và khiếm thị nên các giờ học về chứng tự kỷ chiếm chưa đến 1% toàn khóa học cử nhân giáo dục đặc biệt”, ông Trường bổ sung.
Ông Trường cũng cho biết thêm, "vì đội ngũ giảng viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt ở nước ta còn quá trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều giảng viên từ các chuyên ngành khác chuyển qua nên chưa được chuẩn bị chu đáo cho việc đào tạo giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Việt Nam cũng chưa có tiến sĩ về giáo dục đặc biệt để làm đầu đàn nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành này ở cấp cao".
Bà Nguyễn Thị Trâm Anh, phụ huynh một bé trai 5 tuổi mắc chứng tự kỷ, cho hay bà đã phải rất vất vả tìm trường nhận dạy trẻ tự kỷ và từ lúc 2,5 tuổi đến giờ bé Khôi đã phải trải qua hơn 5 trường mầm non khác nhau.
“Trước tình hình đó, bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM phải liên tục mở các lớp giảng dạy về chứng tự kỷ ở trẻ, cho phụ huynh và gia đình của trẻ, cứ 3 tháng/lớp. Gia đình chính là trường học đầu tiên dành cho các trẻ mắc chứng rối loạn này”, bà Phạm Ngọc Thanh, trưởng đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết.
Một vài trường học cho trẻ tự kỷ - Trường Chuyên biệt tư thục Ước Mơ, 284/4/10 Lý Thường Kiệt, quận 10, TPHCM - Trường Mầm non Tuổi Ngọc, Hẻm 149 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM - Trường Chuyên biệt Gia Định, 280 Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TPHCM - Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, 633/36 Điện Biên Phủ, phường 1, quận 3, TPHCM - Trường Mầm non Phước An, 53/3 Lê Hồng Phong, phường 7, thành phố Vũng Tàu - Trung tâm Hy Vọng, Cơ sở I: Ngõ 290 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, Cơ sở II : 32, ngõ 4, phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội - Trung tâm Sao Mai: Khu cơ quan Nội Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội (Theo Trung tâm Khuyết tật và Phát triển) |