Thiếu pháp lý riêng cho giải phóng mặt bằng, vốn ODA giải ngân chậm
Trần Văn Tường
(TBKTSG Online) - Tiến độ giải ngân các dự án viện trợ phát triển (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài tại nhiều địa phương Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre, Long An, Vĩnh Long đến nay cho thấy rất thấp. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là vướng đền bù giải phóng mặt bằng. Có đến 60% số địa phương này giải ngân 0%, chưa tạm ứng hay chi trả bất kỳ khoản tiền nào đã được bố trí.
Không chỉ các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài như đã nêu, hầu hết dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách cũng chậm giải ngân vì vướng giải phóng mặt bằng. Theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước, đến hết tháng 3-2020, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 57.500 tỉ đồng, bằng 12,8% so kế hoạch giao. Lũy kế đến 31-3 mới được hơn 2.666 tỉ đồng trên tổng số vốn được giao cả năm là 56.700 tỉ đồng.
Với các bộ, ngành trung ương, tổng kế hoạch vốn được giao là hơn 18.216 tỉ đồng nhưng tính đến hết quí 1-2020 trong 23 bộ, ngành trung ương mới có 4 bộ giải ngân số tiền là 1.071 tỉ đồng. Với địa phương, kế hoạch vốn được giao là hơn 38.484 tỉ đồng, có 33 tỉnh chưa thực hiện giải ngân chỉ đạt 1.595 tỉ đồng.
Nguyên nhân cũng đã được phân tích chỉ ra, phần lớn là vướng giải phóng mặt bằng, dự án thi công cầm chừng hoặc tạm ngưng.
Tiến độ giải ngân các dự án viện trợ phát triển (ODA) tại nhiều địa phương hiện nay còn khá thấp. Trong ảnh là cầu Mỹ Thuận, chiếc cầu dây văng đầu tiên của vùng ĐBSCL, sử dụng thành công nguồn vốn ODA trong xây dựng. Ảnh: Trung Chánh |
Dự án càng kéo dài thời gian thực hiện, khả năng sẽ đội vốn, lãng phí càng lớn. Với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, chậm giải ngân còn phải chịu các rủi ro pháp lý và phạt hợp đồng. Việc này còn làm giảm hiệu quả, trả lãi vay càng đắt hơn, ảnh hưởng môi trường thu hút đầu tư.
Nhiều năm làm quản lý dự án tôi thấy vướng khâu thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng thường dẫn tới chậm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư. Cần kịp thời tháo gỡ các trở ngại này.
Giải phóng mặt bằng còn được gọi là “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Đây là công việc khá phức tạp, mất nhiều thời gian, liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân có nhà đất bị giải tỏa.
Cần hành lang pháp lý riêng, ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng để không bị động. Dự án có “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận hay có quyết định chủ trương đầu tư, chính quyền địa phương nơi có dự án cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất trình phê duyệt. Nên tách nội dung“bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” thành một dự án độc lập sử dụng nguồn vốn riêng để chủ động triển khai trước các thủ tục theo quy định nhằm rút ngắn thời gian. |
Nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng dễ thấy nhất là giá bồi thường thấp hơn giá trên thị trường chuyển nhượng, chưa kịp bố trí tái định cư cho các trường hợp giải tỏa trắng, người dân không đồng tình vì thay đổi không gian sống hay thay đổi nghề nghiệp.
Ngoài ra, phải kể đến chính quyền địa phương nhiều nơi chưa làm tốt vai trò tổ chức quản lý thực hiện và kịp thời công khai, minh bạch, tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu để ủng hộ chủ trương của Nhà nước. Một khi người bị giải tỏa chưa hiểu rõ ý nghĩa dự án phục vụ cho phát triển chung, chính sách pháp luật liên quan giải phóng mặt bằng thì vẫn còn nghi ngờ, khó có sự đồng thuận.
Trình tự đầu tư xây dựng, trong đó có dự án giao thông theo Điều 6, Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18-6-2015. Triển khai công tác giải phóng mặt bằng phụ thuộc thủ tục chuẩn bị dự án: “Tổ chức lập, thẩm định. Phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có). Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án”.
Những công việc này cũng mất nhiều thời gian, tùy quy mô và tính chất dự án có thể kéo dài vài năm mới xong khâu thủ tục trình duyệt dự án. Sau khi dự án được duyệt sẽ triển khai tiếp công việc khảo sát xây dựng và lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng, cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng), tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây lắp công trình, giám sát xây dựng rồi mới triển khai thi công.
Chính quyền địa phương chỉ bắt đầu triển khai thủ tục giải phóng mặt bằng sau khi dự án được duyệt. Khắc phục chậm giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư thì chính sách bồi thường phải theo sát thực tế và phù hợp với giá chuyển nhượng trên thị trường tại cùng một thời điểm. Mức giá bồi thường cho người dân trong quy hoạch dự án, cùng khu vực phải phù hợp. Người bị giải tỏa bởi các dự án công ích, công cộng sử dụng nguồn ngân sách hay ODA hoặc vốn vay ưu đãi nước ngoài nên được bồi thường như người bị giải tỏa trong các dự án bất động sản, địa ốc, nhà ở.
Cần kịp thời công khai các chính sách bồi thường, giải thích cặn kẽ, vận động, tuyên truyền cho người bị giải tỏa hiểu rõ thông tin và tìm sự đồng thuận. Chủ động tạo quỹ nhà tái định cư, chính sách an sinh xã hội, dạy nghề cho người bị thu hồi đất.
Sự tận tâm, hết lòng của người cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng có trình độ và am hiểu sâu sắc về pháp luật là rất quan trọng. Hơn nữa, là có bản lĩnh sáng tạo tham mưu, phân tích cho cấp thẩm quyền hiểu rõ và mạnh dạn giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tế mà luật pháp chưa bao quát hết trên tinh thần hợp lý, hợp tình.
Nên chăng, một lần nữa rà soát giải ngân các dự án đầu tư. Xét thấy dự án nào chưa đáp ứng kế hoạch thì kịp điều chỉnh, cân đối vốn bổ sung qua cho các dự án ít trở ngại hơn và thật sự có nhu cầu mang tính cấp bách khác.
Với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, càng không thể kéo dài thời gian thực hiện, rút kinh nghiệm sau này, triển khai trước các thủ tục liên quan và chuẩn bị sẵn mặt bằng, không chờ ký hợp đồng và vay vốn rồi mới bắt đầu triển khai giải tỏa.
(*) Kỹ sư cầu đường