(KTSG Online) – Thịt thực vật đã tạo ra cơn sốt vào năm 2019 sau khi Beyond Meat (Mỹ), công ty dẫn đầu trong lĩnh vực này, niêm yết cổ phiếu. Nhưng đà tăng trưởng của thịt thực vật bắt đầu suy giảm kể từ năm ngoái. Giờ đây, áp lực giá cả ngày càng tăng đối với người tiêu dùng đã dập tắt mọi hy vọng phục hồi doanh số bán thịt thực vật trong năm nay.
Đó là một giáng một đòn mạnh vào lĩnh vực vốn được các nhà đầu tư yêu thích khi người tiêu dùng từng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm thịt thay thế (hay còn còn là thịt giả – fake meat) được làm từ các thành phần thực vật.
Số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Kantar cho thấy sau khi ghi nhận mức tăng trưởng cao trong hai năm qua ở Anh, doanh số các loại thịt làm từ thực vật chỉ tăng 2,5% trong 36 tuần tính đến đầu tháng 9. Doanh số thịt thực vật ở Anh đã tăng 40% vào năm 2020 và 14% vào năm ngoái.
Trong khi đó, ở Mỹ, bức tranh kinh tế khó khăn hơn cũng làm suy yếu một thị trường vốn đã bắt đầu chững lại vào năm ngoái. Theo nhà cung cấp dữ liệu Spins, doanh số thịt thực vật ở Mỹ đã giảm 0,4% trong 32 tuần tính đến đầu tháng 8, sau khi giảm 0,5% vào năm 2021. Khi thịt thực vật lên cơn sốt vào năm 2020, doanh số bán hàng ở Mỹ tăng trưởng đến 46%.
Jeff Crumpton, quản lý cấp cao tại Spins, cho biết những người theo chế độ ăn linh hoạt (flexitarians), chỉ ăn một lượng thịt vừa phải, đã cân nhắc lại về các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật trong bối cảnh áp lực chi phí sinh hoạt đè nặng lên ngân sách của họ do giá thực phẩm tăng cao. “Họ đang phải đưa ra quyết định khó khăn về cách phân bổ ngân sách chi tiêu”, Crumpton nói.
Theo các nhà phân tích trong ngành, thịt làm từ thực vật đặc biệt dễ bị người tiêu dùng quay lưng vì chúng thường có giá bán lẻ cao hơn thịt thật.
Tại Mỹ, một pound (0,453 kg) thịt bò xay làm từ thực vật của Công ty Beyond Meat, có giá 8,35 đô la hồi tháng 6, trong khi đó, giá thịt bò xay thật có giá gần 4,90 đô la/pound.
Ngay cả trước năm nay, khi lạm phát và suy thoái chưa phải là mối lo ngại lớn, thị trường thịt thực vật đã chùng xuống do sự hưng phấn ban đầu của người tiêu dùng đối với chúng hạ nhiệt.
Maple Leaf Foods, nhà sản xuất thịt đóng gói của Canada, cảnh báo triển vọng phục hồi doanh số các sản phẩm thịt thực vật đang dần tắt. Trong những năm gần đây, công ty này đã mở rộng kinh doanh sang mảng thịt thay thế dựa trên thực vật. Tháng trước, Maple Leaf Foods thông báo giảm 25% quy mô kinh doanh của mảng thịt thực vật đồng thời giảm chi tiêu cho quảng cáo và khuyến mãi ở mạng này.
Michael McCain, Giám đốc điều hành Maple Leaf Foods, cho biết công ty đã xây dựng một mô hình kinh doanh thịt thực vật với giả định là hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi mạnh mẽ, nhưng thực tế điều này sẽ không thành hiện thực.
Beyond Meat, nhà sản xuất thịt heo, bò, gà từ các thành phần thực vật, có trụ sở ở Los Angeles, đã giảm dự báo doanh thu. Tháng trước, công ty cho biết sẽ giảm khoảng 4% nhân sự trong đội ngũ 1.400 người đồng thời giảm dự báo chi tiêu đầu tư xuống 80 triệu đô la so với mức 136 triệu đô la vào năm 2021. Cổ phiếu Beyond Meat cũng suy sụp theo triển vọng kinh doanh với thị giá chỉ còn 1/10 so với mức cao nhất năm 2019.
Beyond Meat giống như vừa đi trên một chuyến tàu lượn. Vào năm 2019, khi Beyond Meat lần đầu tiên niêm yết cổ phiếu, các phương tiện truyền thông rầm rộ đưa tin và cổ phiếu của công ty tăng vọt, đạt mức cao nhất 234 đô la vào mùa hè năm đó. Các thỏa thuận đối tác với các nhà phân phối, chuỗi cửa hàng tạp hóa bán lẻ và nhà hàng thức ăn nhanh liên tục được công bố. Chiến dịch truyền thông quảng bá thịt thực vật là tương lai, là sức khỏe, là bền vững.
Giá trị vốn hóa thị trường của Beyond Meat đạt mức cao nhất là 14 tỉ đô la vào năm 2019. Đến giữa năm ngoái, với thị giá cổ phiếu là 150 đô la, vốn hóa của công ty vẫn còn hơn 9 tỉ đô la. Nhưng đến cuối tuần trước, cổ phiếu Beyond Meat đóng cửa ở mức 18,29 đô la, với mức vốn hóa thị trường chỉ còn 1,16 tỉ đô la. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng mức vốn hóa đó vẫn còn quá cao.
Arun Sundaram, nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu đầu tư CFRA, nói: “Chúng ta đang chứng kiến các nhà sản xuất thịt thực vật, bao gồm Beyond Meat, điều chỉnh cơ cấu chi phí của họ để bảo tồn tiền mặt và chống chọi với thời kỳ vĩ mô yếu ớt này. Điều này gồm cắt giảm nhân sự và trì hoãn các dự án đầu tư”.
Carlotte Lucas, một lãnh đạo tại Viện Thực phẩm tốt châu Âu Good, tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp protein thay thế, cho biết dù người tiêu dùng tiếp tục có nhu cầu sử dụng các thực phẩm bền vững hơn, “sự thành công của phân khúc thực phẩm không phải là tất yếu”.
Maple Leaf Foods vẫn đang đặt cược rằng thị trường thịt thực vật có thể tăng 10-15% mỗi năm một khi lạm phát giảm xuống.
Jessica Moulton, đối tác cấp cao tại hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, cho rằng có lý do để lạc quan về triển vọng dài hạn của thị trường.
Bà nói: “Thị trường thực phẩm thường khá ổn định. Sự trỗi dậy mạnh mẽ thịt thực vật trong vài năm qua là rất bất thường. Tốc độ tăng trưởng của thịt thực vật đang giảm đi, nhưng đã có một sự thay đổi cơ bản về cách chúng ta ăn uống, điều mà chúng tôi nghĩ là sẽ duy trì lâu dài”.
Theo Financial Times, WSJ