Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thổ Nhĩ Kỳ tăng lương tối thiếu 49% để giúp người dân ứng phó lạm phát

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ tăng mức lương tối thiểu hàng tháng thêm 49% trong năm 2024 trong nỗ giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của người dân. Động thái này có thể làm trầm trọng thêm vòng xoáy tiền lương - giá cả giữa lúc lạm phát đang tiến tới mức 65%, nhưng sẽ xoa dịu các lo lắng của cử tri khi họ sắp bước vào các cuộc bầu cử địa phương.

Một khu chợ đường phố ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Hôm 27-12, Bộ trưởng Bộ Lao động Thổ Nhĩ Kỳ, Vedat Isikhan thông báo, mức lương ròng tối thiểu hàng tháng của người lao động sẽ tăng lên mức 17.002 lira (578 đô la Mỹ) trong năm 2024, cao hơn 49% so với mức hiện nay.

“Chúng tôi đã thực hiện lời hứa không để người lao động bị lạm phát siết chặt”, Bộ trưởng Vedat Isikhan nói.

Ước tính, hơn 1/3 lực lượng lao động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tăng lương tối thiểu. Điều đáng nói là qua hai lần điều chỉnh, lương tối thiểu ở Nhĩ Kỳ đã tăng hơn 100% trong năm nay, góp phần thúc đẩy giá cả và chi phí sử dụng lao động.

Quyết định tăng lương tối thiểu mới nhất của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thu hút sự chú ý của các công ty xếp hạng tín dụng và các nhà đầu tư đang tìm kiếm manh mối về tiến trình chính sách kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara thay đổi chính sách tiền tệ không chính thống (hạ lãi suất khi lạm phát tăng cao) sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5.

Các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall trước đây cảnh báo, nếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng mạnh lương tối thiểu, điều này sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực kiềm chế lạm phát của Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT). Goldman Sachs và Morgan Stanley đã đề xuất CBRT thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu lương tối thiểu tăng thêm 40 -50%.

Thách thức hiện nay của Ankara là làm thế nào để xoa dịu người dân đang đối mặt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nhưng không cản trở mục tiêu giảm lạm phát gần một nửa vào cuối năm tới.

Lạm phát là vấn đề kinh niên ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cuộc khủng hoảng tiền tệ vào cuối năm 2021 khiến giá cả tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ 7 châu Âu tăng nhanh nhất trong gần 25 năm, lên mức 85,51% vào tháng 10-2022.  Điều này làm xói mòn sức mua của người dân, khiến chính phủ phải tăng mức lương tối thiểu để duy trì sự ủng hộ của họ.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mất giá, giảm khoảng 35% giá trị so với đồng đô la Mỹ trong năm nay. Chi phí thực phẩm, điện nước và tiền thuê nhà đều tăng vọt, gây khó khăn cho hầu hết các hộ gia đình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, người từ lâu ủng hộ chính sách tiền rẻ bằng cách liên tục hạ lãi suất, đã cải tổ đội ngũ lãnh đạo kinh tế sau khi tái đắc cử vào tháng 5. Trước cuộc bầu cử  ông đã thúc ép CBRT giảm lãi suất xuống một con số để mở rộng nền kinh tế trị giá 900 tỉ đô la Mỹ.

Ưu tiên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây chuyển sang hạ nhiệt nhu cầu trong nước, với việc CBRT tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Tuy nhiên, mức lương cao hơn cũng góp phần đẩy lạm phát lên cao, lên tới 62% vào tháng trước. Trong tháng 11, giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 67,1% so với cùng năm ngoái. Mức tăng giá của chi phí khách sạn, ăn uống nhà hàng là 92,86% so với một năm trước. Chi phí chăm sóc y tế và vận chuyển lần lượt tăng 82,13% và 70%.

S&P Global Ratings nhận xét, dù ở mức cao hơn 60%, lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo nỗ lực đảo chiều chính sách tiền tệ của nước này sẽ mất ít nhất hai năm để kiềm chế lạm phát.

CBRT dự đoán, tăng trưởng lạm phát của đất nước sẽ ở mức 65% vào cuối năm 2023, trước khi đạt đỉnh trên 70% vào tháng 5-2024 và sau đó, giảm tốc về 36% vào cuối năm sau. CBRT đã chèo lái chính sách tiền tệ đi theo hướng thông thường hơn bằng cách tăng gấp năm lần lãi suất chuẩn, lên mức 42,5% kể từ tháng 6 và báo hiệu tăng tiếp vào tháng tới.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quay trở lại cuộc bỏ phiếu vào ngày 31-3 năm sau để bầu các thị trưởng trên khắp đất nước. Tổng thống Erdoğan đã tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát chính trị ở Istanbul, thành phố lớn nhất nước và thủ đô Ankara từ phe đối lập.

Theo Bloomberg, Financial Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới