Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thời cơ và thách thức trong thế giới Trump 2.0

TS. Nguyễn Khắc Giang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 47 diễn ra chóng vánh hơn dự đoán, với chiến thắng thuyết phục của cựu Tổng thống Donald Trump. Dù hoàn cảnh hiện tại khác lần đầu ông Trump đắc cử vào năm 2016, thế giới vẫn phải đối mặt với những biến số khó lường từ nước Mỹ. Điều này đòi hỏi các nước cần tìm hiểu thấu đáo những thay đổi chính sách tiềm tàng, cũng như chuẩn bị biện pháp ứng phó để tối ưu hóa cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn biến động sắp tới. Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Nước ta là một trong số ít các quốc gia ứng phó tương đối thành công với nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Trong giai đoạn đó, quan hệ Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ. Ông Trump đến thăm Việt Nam hai lần vào năm 2017 và 2019, nhiều nhất trong các nước khu vực ASEAN. Trong giai đoạn này, nước ta cũng tận dụng hiệu quả các chính sách thương mại khó lường của ông Trump, biến Việt Nam thành điểm “ẩn náu” lý tưởng của giới đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, thành công trong quá khứ không bảo chứng cho vị thế tương lai. Chúng ta cần đặc biệt lưu ý ba thay đổi chính sách lớn của Tổng thống đắc cử Donald Trump, vốn có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn.

Thứ nhất là chính sách thương mại. Ông Trump là người theo chủ nghĩa bảo hộ. Khi tranh cử, ông từng nói rằng “thuế quan là ngôn từ đẹp nhất”. Việc nước Mỹ tăng hàng rào thuế quan sau khi ông tiếp quản Nhà Trắng vào cuối tháng 1-2025 gần như là chắc chắn. Mức gợi ý hiện tại là từ 10-20% thuế quan cho tất cả mặt hàng nhập khẩu, và 60% với hàng hóa Trung Quốc. Dù con số dừng lại ở mức nào, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nước ta, bởi Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của nước ta. Chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu qua Mỹ đã đạt trên 100 tỉ đô la Mỹ.

Khi tranh cử, ông Trump từng nói rằng “thuế quan là ngôn từ đẹp nhất”. Việc nước Mỹ tăng hàng rào thuế quan sau khi ông tiếp quản Nhà Trắng vào cuối tháng 1-2025 gần như là chắc chắn. Mức gợi ý hiện tại là từ 10-20% thuế quan cho tất cả mặt hàng nhập khẩu, và 60% với hàng hóa Trung Quốc.

Hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia xuất siêu lớn thứ ba sang Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và nước láng giềng Mexico. Cả hai nước trên đều nằm trong mục tiêu trừng phạt thuế quan của ông Trump, bởi vậy, rủi ro bị áp đặt thuế quan cao hơn với hàng xuất khẩu Việt Nam là rất lớn. Tính toán của Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng Việt Nam sẽ là nước thiệt hại nhiều nhất trong số các nước châu Á, với mức giảm tổng sản phẩm quốc dân (GDP) rơi vào khoảng 0,8%, và tăng trưởng xuất khẩu giảm 2 điểm phần trăm vào năm 2026. Đây là tính toán ở mức thuế quan trung bình (5-10%), tuy nhiên, tác động có thể lớn hơn nhiều nếu hàng hóa Việt Nam bị áp mức thuế quan trừng phạt.

Dù quan hệ Việt - Mỹ đang tiến triển tốt, không thể loại trừ rủi ro trên. Thứ nhất, ông Trump từng đưa ra đe dọa tương tự với hàng hóa Việt Nam vào năm 2019. Thứ hai, đồng thời với việc xuất siêu kỷ lục sang Mỹ, Việt Nam cũng đang có nhập siêu kỷ lục với Trung Quốc. Điều này tạo ra nghi ngờ là hàng hóa Trung Quốc có thể đang “mượn đường” Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ, khiến hàng Việt bị vạ lây trong thương chiến Mỹ - Trung. Thứ ba, vào năm cuối của chính quyền Trump lần một, Việt Nam bị cáo buộc thao túng tiền tệ để làm lợi cho hàng xuất khẩu. Dẫu vấn đề này được hai bên xử lý ổn thỏa dưới thời Tổng thống Joe Biden, rủi ro đó vẫn có thể lặp lại khi ông Trump lên nắm quyền.

Thay đổi chính sách thứ hai là sự lên ngôi của chủ nghĩa biệt lập Mỹ. Ưu tiên đối ngoại của Washington sẽ chuyển dịch mạnh từ các cơ chế đa phương sang song phương, từ ngoại giao dựa trên nguyên tắc đến ngoại giao dựa trên lợi ích, và từ “giá trị phổ quát” đến “nước Mỹ là trên hết”. Những thay đổi này không tác động trực tiếp đến Việt Nam, và thực tế từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump cho thấy chúng ta ứng phó tốt với các thay đổi đó. Tuy nhiên, tác động gián tiếp sẽ vô cùng lớn. Các thể chế đa phương, vốn là nền tảng ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như ASEAN, APEC, hay ASEM sẽ tiếp tục bị suy yếu. Trật tự dựa trên luật pháp quốc tế có thể bị xói mòn bởi trật tự dựa trên quyền lực, tạo ra nhiều bất ổn trong khu vực vốn đã có nhiều điểm nóng như biển Đông và Đài Loan.

Ông Trump luôn nhấN mạnh đến tính khó dự đoán trong chính sách ngoại giao. Điều này mang lại lợi thế đàm phán cho nước Mỹ, nhưng ngược lại, sẽ tạo ra rủi ro cho đối tác và đồng minh.

Ông Trump luôn nhấN mạnh đến tính khó dự đoán trong chính sách ngoại giao. Điều này mang lại lợi thế đàm phán cho nước Mỹ, nhưng ngược lại, sẽ tạo ra rủi ro cho đối tác và đồng minh.

Thứ ba, ông Trump luôn nhấn mạnh đến tính khó dự đoán trong chính sách ngoại giao. Điều này mang lại lợi thế đàm phán cho nước Mỹ, nhưng ngược lại, sẽ tạo ra rủi ro cho đối tác và đồng minh. Trong một thế giới mà cam kết của các siêu cường không còn vững chắc, các nước sẽ phải chủ động hơn trong việc xây dựng kế sách đối ngoại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài những thách thức trên, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump lần hai. Thành quả tốt đẹp trong nhiệm kỳ đầu là khởi đầu tốt để xây dựng quan hệ ổn định và đáng tin cậy giữa hai nước trong thời gian tới. Thứ hai, quan hệ song phương Việt - Mỹ đã tiến đến cột mốc mới, khi hai bên nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9-2023. Rất có thể ông Trump sẽ tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khía cạnh kinh tế mạnh mẽ trong quan hệ song phương, bao gồm dòng chảy vốn FDI của Việt Nam vào Mỹ như VinFast và FPT, phù hợp với chương trình “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump.

Tờ Financial Times cho rằng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đánh dấu sự kết thúc của trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ đứng đầu. Trong giai đoạn hình thành của một trật tự mới, sẽ có nhiều cơ hội lẫn thách thức, trong đó phần thách thức sẽ lớn hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược đủ linh hoạt và khôn khéo để vừa bảo toàn lợi ích quốc gia, vừa tận dụng thêm cơ hội trong một thế giới mới khó đoán định hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới