Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thời của robot cộng tác với con người đang đến

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tương lai tất yếu của ngành sản xuất là mức độ tự động hóa ngày càng cao. Tuy nhiên, cơn sốt đầu tư vào cổ phiếu của các công ty sản xuất những sản phẩm robot phối hợp làm việc với con người, hay còn gọi là cobot, dường như đã đến sớm hơn dự kiến.

Các sản phẩm cobot của Doosan Robotics được giới thiệu tại một cuộc triển lãm ở thành phố Ilsan, Hàn Quốc. Ảnh: Doosan

Trong phiên giao dịch chào sàn hôm 5-10, cổ phiếu của Doosan Robotics (Hàn Quốc), tăng giá gấp đôi. Trước đó, công ty đã huy động được khoảng 300 triệu đô la trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), đánh dấu thương vụ IPO lớn nhất ở Hàn Quốc trong năm nay.

Doosan, đơn vị thành viên của tập đoàn Doosan Group, chế tạo cobot, được thiết kế để làm việc cùng với con người trên sàn các nhà máy. Những robot hỗ trợ như vậy phù hợp với các công ty nhỏ có thể chưa sẵn sàng tự động hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất. Ngoài các robot công nghiệp hạng nặng, Doosan còn chế tạo các biến thể robot hỗ trợ chế biến món ăn, phục vụ cà phê và bia trong các quán bar và nhà hàng. Robot của Doosan cũng làm việc cùng với con người tại các sân bay để di chuyển hành lý nhanh hơn.

CEO Ryu Junghoon của Doosan Robotics cho biết số tiền thu được từ đợt IPO sẽ được sử dụng để mua lại các công ty chế tạo robot chuyên về di động và mở rộng sự hiện diện toàn cầu của công ty. “Đây là một thị trường đang bắt đầu cất cánh. Có thể sẽ có thêm nhiều công ty xuất hiện trong lĩnh vực cobot”, Junghoon nói.

Doosan Robotics hiện đang tận dụng trí thông minh nhân tạo (AI) tạo sinh để giúp cho robot trở nên đa dụng hơn sau khi đạt được thỏa thuận hợp tác với Microsoft để  xây dựng hệ điều khiển robot dựa trên chatbot GPT. Điều này có thể cho phép robot hoàn thành nhiệm vụ mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào của con người, ngoài một câu lệnh đơn giản.

Doosan không phải là công ty chế tạo robot duy nhất gây sốt sau khi khi niêm yết cổ phiếu. Cổ phiếu của Công ty Rainbow Robotics, được Samsung Electronics hậu thuẫn tài chính, tăng giá hơn bốn lần trong năm nay. Samsung đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Rainbow lên 15% vào tháng 3.

Có nhiều lý do chính đáng để lạc quan về tương lai của robot công nghiệp. Nhân khẩu học bất lợi và rào cản chính trị về chính sách nhập cư ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến sẽ đồng nghĩa với việc lực lượng lao động của họ tăng trưởng yếu trong tương lai. Hơn nữa, robot hiếm khi “đình công”, trừ khi gặp trục trặc kỹ thuật.

Và ở Mỹ, làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất nhờ các ưu đãi trong Đạo luật Giảm lạm phát và các đạo luật bảo hộ công nghiệp khác sẽ giúp nhu cầu công nhân duy trì ở mức cao trong một thời gian nữa. Xu hướng hoạt động sản xuất trở về các nền kinh tế tiên tiến là một cơ hội thuận lợi khác cho ngành chế tạo robot.

Trong năm 2022, gần 60% doanh số bán hàng của Doosan đến từ thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Cobot vẫn chỉ là một phần nhỏ trong thị trường robot tổng thể, chiếm khoảng 7,5% tổng số robot công nghiệp được lắp đặt vào năm 2021, theo Liên đoàn Robot quốc tế (IFR). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh số cobot tăng nhanh hơn thị trường robot tổng thể. Trong năm 2022, hoạt động lắp đặt tất cả các robot công nghiệp tăng 5%, lên mức cao kỷ lục.

Theo IFR, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về mật độ robot trong ngành sản xuất. Dữ liệu của IFR cho thấy, trongnăm 2021, nước này có trung bình 1.000 robot công nghiệp trên 10.000 công nhân.

Trong bản cáo bạch, Doosan mô tả công ty này là nhà sản xuất cobot lớn thứ bảy trên toàn cầu. Nhưng vì hai công ty hàng đầu là Universal Robots của Đan Mạch và Fanuc của Nhật Bản thống trị lĩnh vực này với gần một nửa thị trường, nên thị phần của Doosan chỉ chiếm 3,6%.

Báo cáo của MarketsandMarkets Research chỉ ra rằng thị trường cobot toàn cầu có thể đạt 6,8 tỉ đô la vào năm 2029, tăng từ 1,2 tỉ đô la trong năm nay.

Doosan đang phát triển nhanh chóng. Doanh thu của công ty tăng hơn gấp đôi lên khoảng 45 tỉ won, tương đương 33 triệu đô la, vào năm 2022 so với năm 2020. Nhưng mức định giá của công ty không hề rẻ. Với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 2,5 tỉ đô la, Doosan hiện giao dịch ở mức gấp 74 lần doanh thu năm ngoái. Trong khi đó, vốn hóa của Fanuc chỉ cao hơn doanh thu 4,7 lần. Doosan chưa tạo ra lợi nhuận, nhưng công ty dự kiến sẽ có lãi vào năm tới.

Theo WSJ, qz.com

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới