Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

‘Thời điểm vàng’ cho du lịch nội địa là vào tháng 7-8

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Thời điểm vàng’ cho du lịch nội địa là vào tháng 7-8

Đào Loan

(TBKTSG Online) – Những cuộc khảo sát mới về du khách Việt cho thấy, đa số khách vẫn chọn đi lại bằng máy bay, thích đi biển, thích du lịch tự do và nhiều người dự định lên đường vào tháng 7 và tháng 8 tới.

Các cuộc khảo sát này cũng cho thấy, những dự đoán mà doanh nghiệp trong ngành du lịch đã đưa ra như du khách sẽ quan tâm hơn đến an toàn, đi ngắn ngày và tiết kiệm sau dịch là đúng với tâm lý của khách hàng.

'Thời điểm vàng' cho du lịch nội địa là vào tháng 7-8
Nhiều người dự định đi du lịch vào tháng 7 và 8-2020. Đồ họa: Đào Loan

Xác định và nắm bắt cơ hội từ 'thời điểm vàng'

Theo "Báo cáo du lịch Việt Nam hậu Covid-19" của Công ty Outbox Consulting, sau đỉnh điểm của dịch Covid-19, khách Việt có sự chuyển đổi, thay vì chọn các điểm đến quốc tế đã chọn đi du lịch trong nước.

Có đế 57% số người được hỏi cho biết đã chuyển sang các điểm đến trong nước cho chuyến du lịch trong nửa cuối năm 2020.

Tin vui cho các doanh nghiệp và điểm đến trong nước đang ồ ạt thực hiện chương trình kích cầu cho khách nội địa là thị trường sẽ tăng trưởng rất tích cực trong vài tháng tới.

Khảo sát của Outbox Consulting cho thấy, có đến 45% người được hỏi cho biết có dự định đi du lịch trở lại khá sớm, bắt đầu từ tháng 7 và tháng 8; 25% dự định đi từ tháng 9 tháng 12 còn 30% có kế hoạch nhưng chưa có thời gian cụ thể.

"Mùa hè vẫn là thời gian khách lựa chọn đi du lịch nhiều nhất. Thời gian này là "thời gian vàng" để các điểm đến, công ty du lịch đưa ra những sản phẩm mới hay chương trình ưu đãi để kích cầu", theo Outbox Consulting.

Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cùng báo VnExpress cũng vừa có khảo sát tương tự, với kết quả hơn 53% người được hỏi cho biết đã sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này.

Tuy đã tìm ra "thời điểm vàng" nhưng nhiều doanh nghiệp lo rằng khó "hái trọn mùa vàng" vì mùa hè năm nay phải rút ngắn do dịch bệnh. Cho đến thời điểm này, nhiều trường đã thông báo cho học sinh nghỉ hè từ ngày 15-7 thay vì đầu tháng 6 như mọi năm.

Du khách ăn sáng tại nhà hàng của Muine Bay Resort, Phan Thiết hồi cuối tuần qua. Một số resort tại điểm du lịch biển này đã đạt công suất khá cao vào những ngày cuối tuần gần đây. Ảnh: Đào Loan

Biển – lợi thế cho các điểm đến?

Từ kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đến nay, nhiều điểm du lịch biển, đặc biệt là các điểm gần TPHCM, có thể đi bằng ô tô đã bắt đầu có khách trở lại vào cuối tuần. Có một số nơi như Vũng Tàu, Phan Thiết ghi nhận công suất phòng rất cao, thậm chí kín phòng vào những ngày này.

"Cuối tuần rồi, có ngày chúng tôi đạt 80%, có ngày kín phòng. Khách đến ở chủ yếu là người Việt. Một số đối tác cũng đã bắt đầu liên hệ để làm tour cho khách nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam", ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Muine Bay Resort ở Phan Thiết nói.

Các khảo sát cũng cho thấy sau giãn cách, nhu cầu du lịch biển tiếp tục tăng cao. Trong khảo sát của TAB, có 67% số người được hỏi cho biết muốn đi du lịch biển, tiếp theo là nhu cầu du lịch thiên nhiên (56%).

Outbox Consulting cũng phát hiện 26% du khách chọn lựa du lịch biển, đảo; 20% sẽ tham quan các thành phố nổi tiếng; 16% tham gia các hoạt động ngoài trời; 13% nghỉ dưỡng tại các resort và 12% lựa chọn homestay yên tĩnh.

Tuy có lợi thế hơn thu hút khách hơn các điểm du lịch trong thành phố nhưng hiện tại, những điểm du lịch biển cũng chưa quá lạc quan với sự chuyển biến của thị trường.

"Như ở Phan Thiết, hiện chỉ khoảng một nửa số lượng resort có thể mở cửa trở lại. Khách cũng chỉ đông vào dịp cuối tuần nên vẫn chưa thể nói là việc kinh doanh đã có chuyển biến lớn", ông Khoa, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận nói.

Hơn 62% người được hỏi chọn hình thức du lịch tự túc. Đồ họa: Đào Loan

Khó khăn vẫn chờ đợi doanh nghiệp lữ hành

Kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn treo lơ lửng như hiện nay, những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung gian như dịch vụ lữ hành sẽ gặp khó khăn hơn so với đơn vị kinh doanh dịch vụ đầu cuối, gồm các resort, khu vui chơi, vận chuyển…

Thực tế, lợi nhuận từ dịch vụ lữ hành không cao bằng các dịch vụ khác, nay lợi nhuận lại càng ít hơn vì doanh nghiệp lại phải cắt tiếp để kéo khách trong bối cảnh cạnh tranh kích cầu khốc liệt hậu Covid-19.

Thêm vào đó, nguồn khách sau giãn cách đã ít lại ít hơn vì xu hướng khách muốn đi du lịch tự túc thay vì mua tour của lữ hành lại tăng cao.

Khảo sát của TAB cho thấy, có đến 62,1% người được hỏi muốn đi du lịch tự túc; 23,1% mua một phần tour, phần còn lại tự túc, chỉ có 14,8% mua tour qua công ty lữ hành.

Trong khi đó, Outbox Consulting ghi nhận tỉ lệ du khách muốn đi du lịch tự túc lớn hơn, lên đến 92%. Trong đó, có 48% muốn đi tự túc với gia đình; 25% muốn đi tự túc với gia đình, đồng nghiệp và 19% muốn đi du lịch tự túc một mình.

Có vẻ như các công ty lữ hành cũng đã nắm bắt được sự chuyển dịch này nên sau giãn cách, nhiều công ty đã hợp tác với phía hàng không, resort đưa ra những dịch vụ linh hoạt cho khách hàng tự đi du lịch.

Trong đó, các gói du lịch (combo) giảm giá gồm vé máy bay, các đêm nghỉ ở resort/khách sạn, dịch vụ đưa tiễn sân bay, thậm chí còn có thêm một số bữa ăn đang trở thành sản phẩm bán chạy.

Trong đỉnh điểm dịch, có nhiều ý kiến lo ngại rằng khách hàng sẽ ít đi máy bay hơn vì lo ngại khả năng lây nhiễm nhưng các khảo sát mới lại cho thấy thông tin ngược lại. Có đến 45% khách vẫn chọn đi máy bay, kế đó là xe cá nhân (32%).

Mời đọc thêm:

Du lịch quốc tế 'kiệt quệ'

Chưa mở cửa đón du khách quốc tế

'Mừng hụt' vì tưởng 1-7 tới sẽ mở cửa thị trường du lịch quốc tế

Cơ hội cho du lịch Việt Nam 'tái xuất' trên thị trường quốc tế?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới