(KTSG) - Câu chuyện cách đây 10 năm lại vừa được xới lên: các công ty viễn thông di động ở Việt Nam một lần nữa lại muốn các nhà cung cấp dịch vụ OTT phải trả phí Internet với lý do bị OTT cạnh tranh làm sụt giảm thị phần dịch vụ điện thoại và tin nhắn SMS truyền thống. Thế nhưng việc “thu phí hai đầu” như thế này liệu có hợp lý hay không?
- Phạt hơn 1,7 tỉ đồng các doanh nghiệp viễn thông vi phạm quản lý thuê bao
- Việt Nam - Campuchia hợp tác về viễn thông và chuyển đổi số
Dịch vụ OTT (Over-the-top) là thuật ngữ để chỉ dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet như gọi điện thoại, nhắn tin.
Người dùng điện thoại di động thông minh (smartphone) từ nhiều năm qua đã quen thuộc với việc gọi điện thoại/video call và nhắn tin/chat qua các ứng dụng (app) như Facetime, iMessage tích hợp sẵn trên iPhone hay Google Meet, Google Chat có sẵn trên smartphone Android. Ngoài ra, còn hàng chục app OTT có chức năng thoại và nhắn tin trên smartphone mà phổ biến nhất là Facebook Messenger, Zalo, Viber, Skype...
Trong cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông tuần qua, một số nhà mạng di động cho biết, họ phải đầu tư cho hạ tầng Internet, nhưng bị cạnh tranh bởi chính các dịch vụ OTT, nên cần được chia sẻ doanh thu, hay nói cách khác là muốn các nhà cung cấp dịch vụ OTT phải trả phí cho nhà mạng(1).
Hiện nay các nhà mạng viễn thông đang cung cấp ba sản phẩm cốt lõi là điện thoại, tin nhắn SMS và Internet di động (3G/4G/5G, gọi chung là dịch vụ data). Khoảng hơn 10 năm gần đây, trên thế giới và Việt Nam đều chứng kiến thị phần điện thoại và tin nhắn SMS của các nhà mạng ngày càng thu hẹp, nhưng bù lại thị trường data tăng trưởng đều đặn. Chính các dịch vụ như OTT, mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc, truyền hình, tin tức và nhiều tiện ích khác như xe công nghệ, bản đồ số, ngân hàng điện tử... giúp nhà mạng ngày càng tăng doanh thu từ data.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2022 ước đạt 138.000 tỉ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021 và vượt 3,75% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế của ngành ước đạt 44.500 tỉ đồng.
Có hai con số đáng chú ý trong thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Một là năm 2022, số thuê bao di động dùng dịch vụ data trên 100 dân đạt 84%, tăng 12,5% so với năm 2021.
Con số quan trọng thứ nhì là tính đến tháng 9-2022, cả nước có khoảng 127 triệu thuê bao di động có phát sinh lưu lượng. Trong số này có đến 65% số thuê bao di động đang dùng dịch vụ data của các nhà mạng và chỉ có 35% thuê bao điện thoại di động chỉ sử dụng dịch vụ cơ bản như thoại, tin nhắn(2).
Dù không có nhà mạng nào công bố chi tiết về doanh thu từ dịch vụ data, nhưng qua các con số về doanh thu, lợi nhuận của thị trường viễn thông và tỷ lệ tăng trưởng thuê bao di động có sử dụng data, có thể thấy dịch vụ này đang đóng góp doanh thu đáng kể cho các nhà mạng.
Khách hàng thuê bao di động đã trả tiền để sử dụng dịch vụ data, về nguyên tắc là nhà mạng đã bán hàng và thu tiền đầy đủ. Nếu nói rằng do các dịch vụ OTT trùng với dịch vụ nhà mạng như thoại, tin nhắn rồi muốn thu từ các nhà cung cấp dịch vụ OTT thì e là chưa ổn.
Bản thân nhà mạng còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như ví điện tử, video clip, tin tức, game... Nếu thu phí dịch vụ OTT thì liệu có mở rộng “thu phí hai đầu” các dịch vụ khác tương tự như nhà mạng đang cung cấp, chẳng hạn như ví điện tử Momo/Zalo Pay hay YouTube, Facebook, Google News... hay không?
Cách đây đúng 10 năm, các nhà mạng Việt Nam đã kêu cứu vì cho rằng OTT cạnh tranh không công bằng và muốn thu phí(3). Thực tế đã cho thấy, OTT không hề “bóp chết” mà lại kích thích nhu cầu sử dụng data giúp nhà mạng tăng doanh thu đều đặn suốt từ lúc đó đến nay.
Xu thế giảm sút doanh thu từ điện thoại và SMS sẽ ngày càng tăng và không thể đảo ngược, vì vậy nhà mạng đừng đổ lỗi cho OTT và níu kéo bằng cách “thu phí hai đầu” như đã từng đề xuất 10 năm trước. Việc nhà mạng cần làm là tăng tiện ích dịch vụ để thu hút người dùng, từ đó tăng doanh thu data thay vì tiếc nuối quá khứ vàng son rồi trách móc OTT.
(1) https://vnexpress.net/nha-mang-viet-muon-dich-vu-ott-tra-phi-internet-4590568.html
(3) https://tienphong.vn/dieu-gi-se-xay-ra-khi-nha-mang-thu-phi-ott-post657510.tpo
Có người kêu lên rằng nhà mạng đang càng ngày càng nghèo và các OTT đang càng ngày càng giàu. Nhưng người dân chúng tôi muốn sử dụng OTT thì bắt buộc phải trả phí Wi-Fi, 3G, 4G cho các nhà mạng nhưng chưa hề trả phí cho Zalo hay Viber lần nào. Có điều gì sai sai ở đây. Chỉ có vấn đề là so với trước khi có OTT thì người dân chúng tôi phải trả phí cho các cuộc gọi, nhắn tin cao gấp nhiều lần bây giờ. Tức là bây giờ thì người dân chúng tôi được lợi nhiều, ngoài tiền phí ít đi thì thông tin nhanh hơn cao cấp hơn, còn nhà mạng thì không còn thu được lợi nhuận nhiều như trước đây nữa .Nhưng nhà mạng có bị lỗ không, câu trả lời là không bao giờ, chưa kể so với trước khi có OTT, các chi nhánh Mobifone, Viettel v.v bây giờ phát triển gấp hàng trăm lần trên khắp đất nước VN
Ok
Một tháng bỏ 120.000 đồng mua data 4G
Thứ hỏi không có các OTT kia thì ai mua data của các nhà mạng nữa, người dùng đã trả tiền để mua data rồi bây giờ lại đòi OTT trả tiền nữa vậy ra nhà mạng thu phí 2 lần.
Thế giới rộng mở rồi. Chơi theo luật chung thôi. Như thế mới hội nhập và phát triển cùng thiên hạ được. Những gì đáng thu thì nên thu. Những gì không đáng thì dù một đồng cũng không cần/ không nên/ không được phép.