Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thời hạn sở hữu nhà chung cư không bị giới hạn theo luật mới

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sáng 27-11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Nhiều nội dung đáng chú ý trong dự án luật là việc không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, siết chặt các quy định về chung cư mini, mở rộng đối tượng thuê nhà ở công vụ...

Sáng 27-11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung cụ thể và toàn văn Luật Nhà ở (sửa đổi). Với kết quả 423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).

Không quy định thời hạn sở hữu chung cư

Trước đó, trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo đầy đủ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gửi đến các Đại biểu Quốc hội.

Đối với nội dung quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư sẽ do đơn vị quản lý dự án trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động  Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Luật Nhà ở sửa đổi không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ảnh minh họa: Lê Quân

Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng bổ sung ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn tài chính công đoàn. Điều 86 quy định một số nguyên tắc xác định giá thuê và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định giá thuê nhà ở xã hội.

Đồng thời, khoản 4 Điều 89 giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội, bảo đảm cơ chế triển khai đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng và cho thuê nhà ở xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, song vẫn đáp ứng nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập thấp, UBTVQH tiếp thu và chỉnh lý điều 57 theo hướng quy định phù hợp hơn một số yêu cầu.

Cụ thể, không quy định các yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy…

Liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có ý kiến cho rằng quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế hoặc khi chưa hết thời hạn sử dụng mà nhà ở bị hư hỏng, mất an toàn thì UBND tỉnh quyết định phá dỡ (theo tuổi thọ công trình) là chưa phù hợp với quy định của luật Đất đai. Lý do, đất ở không có thời hạn sử dụng.

Cơ quan thẩm tra cũng cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Cần phân biệt thời hạn sở hữu và thời hạn sử dụng nhà chung cư, đối với đất ở thì ổn định lâu dài, đối với đất dự án nhà ở có thời hạn thì thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng đất được giao thực hiện dự án.

UBTVQH đề nghị giữ các nội dung này như dự thảo luật. Lý giải cho điều này, theo UBTVQH, dự thảo luật không quy định thời hạn sở hữu, mà chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư trên cơ sở kế thừa luật Nhà ở hiện hành.

“Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ sập đổ phải phá dỡ, thì giá trị nhà ở không còn nhưng giá trị quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài theo quy định của luật Đất đai vẫn còn và người dân vẫn được bồi thường, bảo đảm tính thống nhất với luật Đất đai”, UBTVQH nêu.

Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư đã được thảo luận, lấy ý kiến nhiều lần, đã được cân nhắc kỹ lưỡng. UBTVQH, Chính phủ, đa số ý kiến đại biểu thống nhất chưa nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo luật Nhà ở sửa đổi lần này.

Căn hộ chung cư mini sẽ được cấp sổ hồng

Cơ quan quản lý sẽ siết lại việc đầu tư xây dựng chung cư mini, còn căn hộ loại nhà ở này được xét cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) theo pháp luật đất đai, được bán, cho thuê. Đây là những điểm mới tại Luật Nhà ở (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cho biết có ý kiến đại biểu nói quy định tại Điều 57 về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (chung cư mini) là quá chặt chẽ, khó khả thi. Các ý kiến này đề nghị quy định theo hướng Nhà nước quản lý, kiểm soát theo quy hoạch, cấp phép xây dựng, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy hoặc luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết.

UBTVQH cho rằng, thực tế phát triển chung cư mini vừa qua tại nhiều địa phương bị buông lỏng, không xử lý kịp thời các sai phạm. Việc này dẫn tới hệ lụy về nguy cơ cháy, nổ, cũng như gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị. Thực tế đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản.

Chung cư mini sẽ được xem xét cấp sổ hồng. Ảnh: Minh Hoàng

Để khắc phục tồn tại, Điều 57 sau tiếp thu ý kiến, các đại biểu đưa ra quy định siết quản lý về đầu tư, xây chung cư mini, nhưng vẫn có các điều khoản đảm bảo nhu cầu, nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp.

Cụ thể, cá nhân muốn xây chung cư mini (nhà ở từ 2 tầng trở lên, tại mỗi tầng có các căn hộ, hoặc từ 2 tầng và quy mô 20 căn hộ trở lên) để bán, cho thuê sẽ phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở. Căn hộ đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận theo pháp luật đất đai (sổ hồng) sẽ được bán, cho thuê, thuê mua theo quy định Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, việc đầu tư chung cư mini để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về xây dựng do Bộ trưởng Xây dựng ban hành. Khu nhà phải đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh được phân cấp quy định về đường giao thông, đảm bảo phương tiện chữa cháy có thể chữa cháy tại nơi có chung cư mini. Quản lý, vận hành chung cư mini phải tuân thủ quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

Đối với xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ tại Báo cáo UBTVQH đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.

Việc không đưa nội dung này vào Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm tránh sơ hở trong quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng; Tránh gây xung đột với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, điều kiện làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu một số vấn đề liên quan đến tính thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và nhiều nội dung cụ thể khác như đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bản đầy đủ. Sau khi tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua có 13 chương, 198 điều.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới