Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thời kỳ của những mỏ dầu dễ khai thác đã qua

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong những ngày gần đây, thông báo của ExxonMobil và Chevron về hai thương vụ mua lại Pioneer Natural Resources và Hess với tổng trị giá 114 tỉ đô la Mỹ thu hút sự chú ý của thế giới dầu mỏ.

Kế hoạch thâu tóm tốn kém này cho thấy nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng nhu cầu dầu khí trong dài hạn nhưng cũng chỉ ra rằng, thời kỳ của những mỏ dầu dễ khai thác đã qua, buộc họ phải tìm cách mở rộng kinh doanh bằng mua sắm tài sản có giá trị của đối thủ.

Công nhân làm việc ở giàn khoan tại lưu vực dầu đá phiến Permian gần Midland, bang Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Lợi nhuận giảm mạnh

Hôm 27-10, ExxonMobil và Chevron, hai tập đoàn dầu khí lớn nhất Mỹ đã công bố báo cáo thu nhập quí 3 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do giá dầu giảm so với đỉnh cao ngay sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. ExxonMobil thu về lợi nhuận 9,1 tỉ đô la, giảm 54% so với mức cao kỷ hồi quí 3-2022 còn lợi nhuận của Chevron suy giảm 42%, về mức 6,5 tỉ đô la.

Tuy nhiên, dấu hiệu đáng lo ngại hơn với các nhà đầu tư là sản lượng dầu của ExxonMobil trong quí 3 giảm xuống gần mức thấp nhất kể từ khi sáp nhập với Mobil Corp. cách đây hơn hai thập niên. Trong khi đó, Chevron cũng thừa nhận đang gặp khó khăn ở các dự án trọng điểm ở Kazakhstan và vùng bồn chảo Permian nằm giữa bang Texas và bang New Mexico. Đây là những dự án mà tập đoàn kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản lượng trong tương lai.

Thị trường nhanh chóng phản ứng. Giá cổ phiếu của Chevron lao dốc gần 7%, còn giá cổ phiếu ExxonMobil đóng cửa giảm 1,9%, ngay cả khi giá dầu đang tăng do căng thẳng dâng cao ở Trung Đông.

Đối với Dan Pickering, Giám đốc đầu tư của Pickering Energy Partners, phản ứng của các cổ đông cho thấy mối lo ngại về hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch hiện tại, đặc biệt là khi so sánh với các lĩnh vực khác như công nghệ. Ông cho rằng, các nhà đầu tư “không tin hoạt động kinh doanh này có thể bền vững, họ không tin vào kỷ luật tài chính của những công ty này”.

Chi tiêu đầu tư của  ExxonMobil và Chevron đang tăng nhanh. ExxonMobi cho biết, vốn đầu tư giải ngân cho cả năm tài chính hiện tại và chi phí thăm dò có thể gần 25 tỉ đô la. Chevron đã chi tiêu đầu tư 11,5 tỉ đô la trong năm nay, nhiều hơn 40% so với năm ngoái.

Không giống như các đối thủ châu Âu, ExxonMobil và Chevron đã đầu tư rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch trong 4 năm qua bất chấp cơn bùng nổ của làn sóng đầu tư theo quy chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Dù vậy, hai tập đoàn này vẫn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung dầu thô mới. Đối với các dự án xa bờ, chi phí thăm dò rất tốn kém và không thể đoán trước. Sản lượng của các mỏ dầu đá phiến trên bờ ở Mỹ đang tăng chậm lại do những mỏ có công suất tốt nhất đã bị khai thác cạn kiệt.

Các kế hoạch thâu tóm mà ExxonMobil  và Chevron thông báo gần đây dựa vào vị thế tiền mặt dồi dào của họ nhờ lợi nhuận tăng kỷ lục hồi năm ngoái. Giá cổ phiếu của họ tăng vọt trong năm qua, tạo ra hai tập đoàn này “một đồng tiền mạnh” để mua các đối thủ nhỏ hơn (ExxonMobil và Chevron dự kiến thâu tóm lần lượt Pioneer và Hess bằng giao dịch hoán đổi cổ phiếu)

Nếu hoàn tất thâu tóm Pioneer với giá 62 tỉ đô la, ExxonMobil sẽ trở thành nhà sản xuất dầu đá phiến thống trị ở Permian. Thương vụ mua lại Hess với giá 52 tỉ đô la sẽ mang lại cho tập đoàn này cổ phần tại một trong những dự án dầu mỏ lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới ở Guyana, một quốc gia ở Nam Mỹ.

Sản xuất gặp khó 

Do cả hai thương vụ trên đều là giao dịch lớn nhất trong ngành dầu mỏ trong hơn 8 năm nên có thể làm lu mờ báo cáo thu nhập suy giảm của ExxonMobil và Chevron. Tuy nhiên, giới đầu tư chắc chắn sẽ chú ý đến các thách thức trong hoạt động sản xuất dầu hiện tại của họ.

Chevron thừa nhận sự chậm trễ và chi phí đội lên ở dự án mỏ dầu khí Tengiz trị giá 45 tỉ đô la ở Kazakhstan. Dòng tiền của dự án Tengiz, nơi tập đoàn này nắm 50% cổ phần, sẽ thấp hơn khoảng 1 tỉ đô la so với dự báo trước đó khi dự án đi vào hoạt động vào năm 2025.

ExxonMobil có lịch sử tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều khi đã tạo dựng được chỗ đứng ở Guyana và đã thanh lý các tài sản có chi phí vận hành cao. Tuy nhiên, sản lượng dầu của tập đoàn dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ chỉ đạt trung bình 3,69 triệu thùng dầu tương đương mỗi ngày trong quí 3, gần mức thấp nhất trong hai thập niên.

Điều này là do tăng trưởng sản lượng từ Guyana và Permian không bù đắp được những tác động của việc bán tài sản, sự suy giảm tự nhiên theo thời gian của sản lượng ở tất cả các mỏ dầu. Tệ hơn nữa, Exxon cho biết thu nhập từ mảng hóa chất, từ lâu được coi là lĩnh vực tăng trưởng quan trọng của tập đoàn này, giảm 70% so với quí trước.

“Ngành công nghiệp dầu mỏ vẫn đang phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19 và các lượng vốn đầu tư thấp hơn trước được bơm vào toàn ngành để bù đắp cho tình trạng sản lượng cạn kiệt đang xảy ra”, Darren Woods, CEO của ExxonMobil nói trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV.

Hồi tháng 4, Wall Street Journal đưa tin ExxonMobil đã từ bỏ nỗ lực tìm dầu ở một dự án mỏ nước sâu tại Brazil sau hàng hoạt kết quả thăm dò đầy thất vọng trong hơn 5 năm. ExxonMobil và các đối tác đã chi 4 tỉ đô la để thâu tóm dự án này vào năm 2017.

Trong khi đó, Chevron giải trình một danh sách dài các vấn đề kỹ thuật mà tập đoàn này đối mặt ở Permian, trong đó có các quy định hạn chế nước thải, các mức hàm lượng carbon dioxide cao trong khí tự nhiên, các đối tác sản xuất gặp khó khăn trong công nghệ fracking (khoan nứt vỡ thủy lực).

Các đối thủ nhỏ hơn thường phàn nàn về những vấn đề tương tự khi Permian mở rộng thành khu vực đá phiến lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thật bất thường khi nghe những thông tin chi tiết như vậy từ một tập đoàn dầu mỏ khổng lồ như Chevron.

“Đây là một minh chứng về sự bão hòa sản lượng dầu của lưu vực Permian. Điều đáng ngạc nhiên là Chevron đã chỉ ra vấn đề vì thông thường các công ty dầu mỏ lớn sẽ không gặp nhiều khó khăn như vậy”, Pickering bình luận.

Việc khắc phục những vấn đề đó có thể sẽ làm tăng thêm chi phí. Theo ngân hàng JPMorgan Chase, ngành dầu khí toàn cầu dự kiến tăng chi tiêu khoảng 10% trong năm nay lên 545 tỉ đô la, sau khi đã tăng 34% vào năm ngoái.

Đầu tuần này, CEO Jeff Miller của Halliburton, công ty dịch vụ dầu khí lớn thứ hai thế giới, cảnh báo các nhà đầu tư về điều từ lâu đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất của ngành, đặc biệt là đá phiến, là phải tăng đầu tư để duy trì sản lượng.

“Thực tế là bạn cần phải làm việc nhiều hơn để giữ cho ổn sản lượng dầu đá phiến không giảm”, ông nói.

Theo Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới