Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thời thế thay đổi: Ford mua giấy phép từ Trung Quốc

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trước đây, Trung Quốc ra sức thu hút các hãng ô tô Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và kỳ vọng sẽ được chuyển giao công nghệ. Nay vai trò này đang đảo ngược: hãng Ford vừa tuyên bố sẽ xây nhà máy sản xuất pin cho xe điện tại bang Michigan với công nghệ mua lại của một hãng Trung Quốc. Nhà máy trị giá 3,5 tỉ đô la này sẽ sử dụng công nghệ của hãng CATL, công ty Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về sản xuất pin xe điện.

Bình thường với một dự án đầu tư như thế này, các bên sẽ thành lập một liên doanh để một bên lo vốn một bên lo công nghệ nhưng do căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Ford và CATL quyết định sử dụng phương cách nhượng quyền công nghệ. Nhà máy mới sẽ do Ford làm chủ sở hữu 100%, xây ở một thị trấn nhỏ cách Detroit chừng 160 ki lô mét về phía Tây, dự kiến tuyển dụng chừng 2.500 người và sẽ bắt đầu có sản phẩm từ năm 2026. Phía CATL sẽ cung cấp bí quyết công nghệ và dịch vụ khác để nhà máy hoạt động. CATL hiện có 13 nhà máy ở châu Âu và châu Á nhưng chưa có nhà máy nào ở Mỹ. CATL hiện đang cung cấp pin xe điện cho Tesla, BMW và nhiều hãng khác.

Các hãng xe hơi Mỹ hiện đang hợp tác chủ yếu với các công ty Hàn Quốc để sản xuất pin. Ford đang xây hai nhà máy pin ở Kentucky và một nhà máy khác ở Tennessee, tất cả hợp tác với hãng SK On. Hãng General Motor gần đây đã bắt đầu sản xuất ra pin tại nhà máy ở Ohio, liên doanh với hãng LG Energy Solution. Hai bên cũng đang xây thêm hai nhà máy ở Tennessee và Michigan.

Nhà máy mới của Ford sẽ sản xuất loại pin mới gồm lithium, sắt và phosphate, một hỗn hợp được biết đến dưới cái tên LFP. Loại pin này rẻ vì không chứa các thành phần đắt hơn như cobalt và nickel như trong loại pin thường. Pin LFP cũng có lợi thế là bền hơn, nhưng pin thường có chứa cobalt và nickel thì trữ được nhiều năng lượng hơn nên giúp xe đi được quãng đường dài hơn trước khi cần sạc lại. Ford cho biết xe dùng pin LFP phù hợp cho việc đi làm hàng ngày, quảng đường ngắn, sạc lên 100% nhanh hơn. Pin có cobalt và nickel phù hợp cho xe chạy đường dài nhưng sạc lâu hơn. Tesla cũng đang sử dụng loại pin LFP cho các dòng xe tầm ngắn, hiện xe trang bị pin LFP đang chiếm một nửa tổng xe điện Tesla đang sản xuất.

Quy trình làm pin LFP bắt đầu bằng các tấm giấy kim loại, mỏng bằng một phần mười độ dày sợi tóc con người. Các lá nhôm mỏng như thế được phủ một lớp lithium, sắt và phosphate cực kỳ mỏng và xen kẽ là các lá đồng được phủ lớp than chì cực mỏng. Các cuộn lớn hai loại lá này cùng với một cuộn các lớp cách điện được dùng để sắp xếp các lớp xen kẽ nhau làm thành lỏi tế bào pin. Người ta sẽ dùng một máy ép cỡ bằng chiếc xe buýt để ép lõi pin lại. Lõi pin sau khi ép được cho qua lò nóng 105 độ C để tách hết mọi dấu vết nước. Căn phòng dài 300 mét chứa pin đã làm xong được giữ khô còn hơn sa mạc Sahara. Sau đó người ta bơm chất điện giải lỏng - gồm muối lithium và dung môi - vào tế bào pin và khằn kín viên pin, nay sẵn sàng giao cho khách hàng.

Trước đây Ford định xây nhà máy này ở Canada hay Mexico, nhưng sau khi Mỹ cho ra đời đạo luật Inflation Reduction Act vào năm ngoái nhằm mục đích khuyến khích công ty xây nhà máy pin bên trong nước Mỹ, Ford chuyển về Michigan để được ưu đãi thuế. Chính sách bảo hộ của Mỹ hiện cũng đang thưởng tín dụng thuế trị giá vài ngàn đô la cho khách mua xe điện sản xuất ở Bắc Mỹ trong đó pin và các nguyên liệu khác phải làm từ Mỹ hay đồng minh của Mỹ. Luật cũng ghi rõ không chấp nhận xe có link kiện từ “pháp nhân nước ngoài có vấn đề”, được định nghĩa là doanh nghiệp của các nước Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên được hưởng ưu đãi thuế. Có lẽ vì thế mà Ford mua bản quyền công nghệ hơn là liên doanh với CATL. Ngược lại, chưa biết phía Trung Quốc có động thái nào ngăn cản CATL bán công nghệ cho phía Mỹ hay không.

Nhà máy pin của Ford sẽ sản xuất đủ pin cho 400.000 xe điện mỗi năm, trước mắt dùng cho dòng xe Mustang Mach-E, một dòng xe thể thao và F-150 Lightning, dòng xe bán tải được ưa chuộng. Hiện nay CATL đang trực tiếp cung cấp pin cho Ford cho đến khi nào nhà máy bắt đầu hoạt động. Ở Mỹ năm ngoái doanh số xe điện tăng 66% và Ford hiện đang là hãng bán nhiều xe điện thứ nhì, sau Tesla. Còn CATL đang cung cấp pin cho chừng một phần ba xe điện bán ra toàn cầu, duy trì vị trí đứng đầu thế giới trong sản xuất pin xe điện đến nay đã được sáu năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới