(KTSG Online) – Các biến cố thời tiết cực đoan bao gồm hạn hán ở Trung Quốc, lượng mưa ít ỏi ở Ấn Độ và lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan đang đe dọa nguồn cung lúa gạo toàn cầu. Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nguồn cung gạo toàn cầu sẽ suy giảm 4,1 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023.
Thiên tai dồn dập ở các nước sản xuất gạo lớn
Vào tháng 6, khi Mahendra Pratap bắt đầu gieo sạ lúa ở Kannauj, một huyện thuộc bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, ông đã hy vọng về vụ mùa bội thu. Năm trước, một đợt mưa xối xả đã tàn phá vụ lúa của ông nhưng ông không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ chính phủ.
Trong mùa mưa gần đây, ông gặp phải một vấn đề ngược lại: lượng mưa quá ít. Đến tháng 8, 90% diện tích lúa của ông bị héo.
“Năm nay, đất đai cằn cỗi và một lần nữa chúng tôi không nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ”, Pratap nói và cho biết thêm những nông dân khác cũng gặp phải vấn đề tương tự.
Theo các chuyên gia, thời tiết khắc nghiệt ở các nước sản xuất gạo lớn trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan đang đe dọa sản lượng gạo toàn cầu trong năm nay, có thể ảnh hưởng đến hơn 2 tỉ người ở châu Á vốn phụ thuộc vào nó như một loại lương thực chính.
Ngay cả trong bối cảnh giá lương thực tăng vọt trong năm nay, phần lớn gạo vẫn có giá cả phải chăng nhờ 4 năm bội thu trước đó.
Nhưng sự hội tụ của các yếu tố, bao gồm chi phí phân bón cao do tác động của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán ở Trung Quốc, lượng mưa thấp ở Ấn Độ và lũ lụt nghiêm trọng trong mùa mưa ở Pakistan đang đe dọa sản lượng gạo và có thể đẩy giá lên. Tại Pakistan, theo ước tính của chính phủ, hơn 243.000 hecta trong số 3,5 triệu hecta lúa bị thiệt hại hoàn toàn do lũ lụt kéo dài trong những tuần qua.
Hơn 90% sản lượng gạo trên thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).
Trung Quốc là nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới nhưng nước này chủ yếu tự cung tự cấp và duy trì lượng gạo tồn kho hơn 100 triệu tấn, theo Guillherme Campos, Giám đốc Công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại Hồng Kông.
Campos nói: “Do đợt hạn hán gần đây, sản lượng gạo của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng và do đó có thể ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu gạo của Trung Quốc, dù có khả năng tăng, nhưng sẽ không tăng cao bất thường”.
Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu gạo sang Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng nước này không phải là nước xuất khẩu lớn trên toàn cầu.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giúp cung cấp thức ăn cho người dân của ít nhất 150 quốc gia. Các mối đe dọa đối với hoạt động sản xuất lúa gạo đã làm dấy lên lo ngại rằng Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu mặt hàng lương thực quan trọng này.
Tuần trước, phương tiện truyền thông Ấn Độ đưa tin chính phủ đang xem xét hạn chế xuất khẩu gạo 100% tấm, vốn chiếm phần lớn lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc từ Ấn Độ và được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc. Song chính phủ Ấn Độ cho biết khả năng cấm xuất khẩu gạo hoàn toàn khó xảy ra.
Nguồn cung gạo toàn cầu dự kiến sẽ giảm 4,1 triệu tấn xuống 697,3 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, chủ yếu do sản lượng giảm ở Bangladesh và Ấn Độ, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố hôm 12-8.
Campos cho biết hạn hán ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến 17,6 triệu mu (1,2 triệu hecta) đất canh tác ở các tỉnh nằm dọc theo lưu vực sông Dương Tử, một khu vực sản xuất lúa gạo quan trọng,
Ông nói: “Dù vụ đầu tiên trong ba vụ lúa của Trung Quốc được thu hoạch trong điều kiện bình thường, nhưng vụ giữa (vụ hai) đang bước vào giai đoạn trổ bông, rất nhạy cảm nhất với những thay đổi về nhiệt độ và lượng nước tưới tiêu”.
Ngay cả trước khi hạn hán xảy ra, xuất khẩu gạo của Trung Quốc đã giảm trong 7 tháng đầu năm 2022, thấp hơn 18,42% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết hạn hán sẽ tác động nhiều đến hoạt động xuất khẩu gạo của Trung Quốc sang Hàn Quốc và Philippines nhưng chỉ tác động hạn chế đối với Nhật Bản.
Shirley Mustafa, nhà phân tích thị trường gạo của FAO, cho biết người Nhật Bản ưa chuộng loại gạo Japonica được trồng ở vùng đông bắc Trung Quốc, nơi không trải qua hạn hán trong năm nay. Nhưng bà nói thêm rằng còn quá sớm để nói về tác động của hạn hán đối với vụ thu hoạch lúa thứ hai cua Trung Quốc.
Philippines lo giá gạo nhập khẩu tăng
Theo nhà phân tích, do Trung Quốc không phải là nước xuất khẩu gạo lớn, các nhà nhập khẩu có thể chuyển sang các nước sản xuất gạo khác. Nhưng các nước láng giềng đang lo ngại tác động của hạn hán đối với vụ thu hoạch lúa sắp tới của Trung Quốc.
Tại Philippines, một nghị sĩ đã lên tiếng cảnh báo rằng nguồn cung gạo có thể bị ảnh hưởng bởi hạn hán ở lưu vực sông Dương Tử đồng thời thúc giục chính phủ tìm kiếm các hợp đồng mua gạo với Việt Nam và Thái Lan, hai nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới.
“Tôi không muốn tỏ ra bi quan nhưng với những cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt, tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn thấy vấn đề trước khi nó xảy ra để có nhanh chóng hành động”, hạ nghị sĩ Joe Salceda, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện Philppines, nói.
Joe Salceda cũng cảnh báo Thái Lan và Việt Nam có thể gặp phải tình hình khô hạn tương tự ở lưu vực sông Mê Kông vì con sông này là hạ lưu của sông Lan Thương ở Trung Quốc.
Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Nông nghiệp và thực phẩm Hạ viện Philippines hồi cuối tháng 8, Arnel de Mesa, trợ lý Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, bày tỏ lo ngại hạn hán ở Trung Quốc có thể đẩy giá gạo nhập khẩu tăng lên. Ông nói: “Mối lo ngại của chúng ta không phải là nguồn cung thiếu mà vì Trung Quốc là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, nên nếu nước này tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Ấn Độ, giá gạo nhập khẩu của Philippines sẽ tăng lên”.
Philippines nhập khẩu một lượng lớn gạo và đang phải vật lộn với giá lương thực liên tục tăng và đồng peso mất giá.
Theo dự báo của USDA đưa ra hồi đầu tháng 8, trong niên vụ 2022-2023, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, tăng nhẹ so với niên vụ trước. Chưa có con số ước tính thiệt hại sản lượng lúa gạo do hạn hán ở Trung Quốc. Nhưng theo giới phân tích, nếu Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo lên 10 triệu tấn trong niên vụ này, điều đó sẽ gây căng thẳng cho thương mại gạo toàn cầu.
Hồi cuối tháng 8, Reuters đưa tin chính phủ Bangladesh đang hoàn tất các thỏa thuận mua tổng cộng 330.000 tấn gạo từ Việt Nam và Ấn Độ để bổ sung kho dự trữ và hạ nhiệt giá gạo ở trong nước.
Cụ thể, Bangladesh sẽ mua từ Việt Nam 200.000 tấn gạo đồ với giá 521 đô la/tấn và 30.000 tấn gạo trắng với giá 494 đô la/tấn, theo các nguồn tin từ chính phủ Bangladesh.
Trong khi đó, Ấn Độ, chiếm 40% thương mại gạo toàn cầu, ghi nhận lượng mưa thiếu hụt đáng kể ở các bang sản xuất gạo quan trọng như Uttar Pradesh, Bihar, Jharkhand và Tây Bengal trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, theo Cục Khí tượng Ấn Độ.
Vinod Kaul, Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA), cho biết động thái cấm xuất khẩu gạo 100% tấm của Ấn Độ sẽ không gây thiệt hại cho xuất khẩu gạo nói chung.
Tính đến ngày 1-7, dự trữ gạo của Ấn Độ ở mức 47 triệu tấn, cao hơn nhiều so với lượng bắt buộc là 13,5 triệu tấn.
Sản lượng gạo của Ấn Độ tăng trong niên vụ 2021-22 lên mức mức 130 triệu tấn, cao hơn 6 triệu tấn so với niên vụ trước, theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ. Tuy nhiên, do thiếu mưa, sản lượng gạo trong niên vụ 2022-23, bắt đầu thu hoạch vào tháng 10, có thể giảm.
Rahul Chauhan, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường lương thực IGrain India, nói: “Ở một số bang như Uttar Pradesh, Bihar và Tây Bengal, diện tích gieo trồng lúa đã giảm và với lượng mưa ít hơn, năng suất lúa tổng thể của Ấn Độ sẽ thấp hơn”.
Ông cho biết tổng diện tích trồng lúa ở Ấn Độ đã giảm từ gần 39,1 triệu hecta trong niên vụ trước, xuống còn 36,7 triệu hecta trong niên vụ này, tính đến tháng 8.
Raghunandan Singh, người sở hữu 2,5 hecta đất canh tác ở Uttar Pradesh, là một trong những nông dân Ấn Độ chứng kiến các vụ mùa của mình gần như mất trắng. Người đàn ông 50 tuổi cho biết: “Chúng tôi có hai loại lương thực chính là lúa và bắp. Lần này, thời tiết thiếu mưa khiến chúng tôi trắng tay”.
Theo South China Morning Post, Phil Star, Manila Times