Thông điệp giản dị từ một cuộc triển lãm tranh
Đức Tâm
(TBKTSG Online) - Họ, những người nghệ sĩ tay ngang, chung tay tổ chức triển lãm tranh để chia sẻ đam mê và niềm vui (1). Những bức tranh làm nền để bắt đầu những câu chuyện, nơi những thông điệp giản dị trong cuộc sống được nhắc lại nhẹ nhàng.
Những người trẻ chụp ảnh tại triển lãm. Ảnh: ĐT |
1. Nguyễn Dạ Quyên, một trong những nhân vật chính tại buổi triển lãm, là Giám đốc một công ty tư vấn hoạt động trong lĩnh vực logistics. Cô đến với tranh từ niềm đam mê và luôn mong muốn chia sẻ những tác phẩm của mình đến với công chúng quan tâm.
"Lúc đầu, tôi rất ngại, vì mình là dân tay ngang, có học hành trường lớp gì đâu nhưng rồi cũng mạnh dạn tham gia những buổi triển lãm đầu tiên ở vai phụ. Rồi được người xem đồng cảm, chia sẻ, ghi nhận, động viên, tôi tự tin hơn, tiến bộ dần, đạt những thành tựu nhất định và rồi có những triển lãm cho riêng mình", Quyên chia sẻ.
Quyên chỉ vào bức tranh màu đỏ và kể, đây là bức tranh tôi vẽ đôi đũa, tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi. Trong ý niệm sáng tác của Quyên, hạnh phúc là có đôi, có cặp và đôi đũa, không chỉ đại diện cho đôi cặp mà còn dẫn người ta nghĩ về cảnh một bữa cơm ấm cúng trong gia đình. Điểm trên nền tranh là vài hạt gạo để làm rõ thêm ý tưởng.
Bức tranh không đề tên để mặc sức cho người xem tưởng tượng. Và khi con người ta tưởng tượng, những điều bất ngờ xảy ra. Có người xem tranh, bảo, sao lại vẽ một bức tranh cô đơn như vậy.
Lý lẽ của họ, rằng, đũa, chỉ có một đôi, tức một người thôi, mà một người thì làm sao có đôi có cặp được. Một người là cô đơn, là cô độc. Rồi nữa, những hạt gạo làm bức tranh gồ ghề, dễ dẫn người ta nghĩ đến cảm xúc của một người bị tổn thương trong tình yêu.
Bức tranh vẽ đôi đũa. Ảnh: ĐT |
"Từ có đôi có cặp chuyển sang cô đơn; từ hạnh phúc chuyển sang muộn phiền nhưng họ hoàn toàn hợp lý đó chứ", Quyên kể và chia sẻ, qua những buổi triển lãm, tiếp xúc với nhiều người xem, lắng nghe ý kiến của họ, cô thấy thêm những góc nhìn thú vị. Nhưng quan trọng hơn, qua đó, cô nhìn cuộc sống khác đi, khiêm tốn hơn, chừng mực hơn, cởi mở hơn chứ không còn cái gì cũng rạch ròi đúng sai như trước. Bởi bức tranh, cũng như trong cuộc sống, khi mỗi người, ở những vị trí khác nhau, họ có những góc nhìn khác nhau và khi ta không ở vị trí của họ, đừng vội nhận xét.
Quây quanh Quyên là những bạn trẻ, có người vừa ra trường, có người vẫn còn là sinh viên. Một cô bạn kể, "em rất mê vẽ nhưng khi học vẽ, thầy bắt phải thế này, thế nọ, em thấy stress quá nên nghỉ". Một cô bạn khác khoe những bức tranh cô ấy vẽ trên khổ A3 và được chụp lại bằng điện thoại...
Mỗi người một câu chuyện, mỗi người một niềm đam mê. Quyên động viên họ giữ niềm đam mê của mình bởi cô hiểu giá trị của sự khích lệ và động viên. Bởi chính nhờ điều đó mà cô có được ngày hôm nay.
"Trong cuộc sống, ai cũng cần sự động viên nhưng có cảm giác như chúng ta có khuynh hướng tìm những lỗi nhỏ để chê bai, chỉ trích hơn là động viên, khuyến khích người khác. Điều đó chúng chăng?", Quyên nói.
2. Nếu những bức tranh của Quyên do chính cô vẽ thì các bức ảnh của Christopher Skouenborg là nơi những khoảnh khắc của cuộc sống được ghi lại qua chiếc máy ảnh.
Điểm khác biệt, cũng có thể gọi đặc biệt, đó là những bức ảnh này được chuyển sang nền trắng đen và chỉ để lại màu của một hoặc hai chủ thể mà tác giả muốn tạo điểm nhấn để gây sự chú ý và chuyển tải thông điệp của mình.
Quan điểm của Christopher rằng cuộc sống của chúng ta đang bị dội bom bởi quá nhiều thông tin và màu sắc. Việc xử lý trắng đen và giữ màu ở nơi cần giữ giúp chúng ta tập trung hơn vào đối tượng và có thể nắm bắt thông điệp của bức tranh dễ dàng hơn.
Mỗi bức ảnh của Christoper là một câu chuyện. Đâu đó là câu chuyện ở Nhật Bản, Trung Quốc, hay vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Việt Nam. Chỉ vào bức ảnh chụp cặp đôi trên con thuyền đang trôi chầm chậm trên dòng sông, anh nói, không phải lúc nào hôn nhau cũng mới gọi là tình yêu; tình yêu là sự chia sẻ đồng hành bên nhau trên cùng một con đường.
Một bức ảnh chụp cảnh sinh hoạt ở vùng sông nước Việt Nam của Christopher. Ảnh: Christopher |
Christopher là người Đan Mạch, làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam. Anh chụp ảnh như một niềm đam mê ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống. Với anh, mọi người đều có thể trở thành nghệ sĩ và nghệ thuật là sự giao thoa giữa ba yếu tố: kỹ năng nắm vững một công cụ, có thể là cọ, cũng có thể là máy ảnh, tùy vị trí, kết hợp với tâm hồn và khối óc. Kỹ năng có thể học, còn khối óc và tâm hồn là nét riêng. Mỗi người đều có những hành trình sáng tạo của riêng mình.
3. Trong khi Quyên nhờ tranh và Christoper dựa vào ảnh để phản ánh một cuộc sống thì chính cuộc sống cũng là một bức tranh. Bức tranh ấy, hẳn, cũng không ai nhìn giống ai. Tùy vị trí, thời điểm, tâm trạng, bạn có những cảm xúc khác nhau.
Đến với triển lãm, bạn có thể thấy một người cha dẫn con mình đi xem tranh; một người con gái đi cùng mẹ hay như một cặp vợ chồng già đến từ phương xa.
Christopher (bên phải) và đôi vợ chồng già - hai người khách quý của anh đến từ Đan Mạch. Ảnh: ĐT |
Trong không gian nghệ thuật ấy, mọi người dễ cởi mở và chia sẻ. Và thật may mắn khi nhìn thấy cảnh người vợ nắm tay ông chồng trìu mến, tự hào khoe với những người trẻ rằng "chúng tôi đã đi cùng nhau 47 năm". Hẳn đó là hình ảnh đẹp nhất trong triển lãm mang chủ đề "Tâm trạng khi yêu" (In the Mood for Love).
----------
(1). Triển lãm diễn ra từ ngày 30-3 đến 6-4 tại Toong Oxygen, tầng 3, tòa nhà Vista An Phú, 628C Xa lộ Hà Nội, quận 2, TPHCM. Vào cửa tự do.
Mời xem thêm:
Thị trường tranh dở khóc dở cười
Thưởng lãm những phòng tranh nghệ thuật
.