Thứ bảy, 22/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thông tư 29 và sự tôn nghiêm của giáo dục!

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lẽ ra, theo lý thuyết thì các thông tư, quy định của ngành giáo dục chỉ cần dừng lại, đảm bảo điều kiện giáo dục tốt nhất ở trong khoanh vùng phạm vi nhà trường. Nhưng hiện nay, từ những phát sinh như vấn đề dạy thêm học thêm, câu chuyện thực tế đã khác.

Ảnh: BASF

Thông tư 29/2024/TT-BGD-ĐT quy định quản lý dạy thêm học thêm vừa ban hành gây ra không ít tranh luận. Rõ ràng, việc quản lý hoạt động dạy và học (thêm) bên ngoài nhà trường, cụ thể là đưa các lớp học thêm vào diện phải quản lý chặt chẽ đã gây ra một số phản ứng, bởi nó khác xa so với “thực tiễn sinh động” lâu nay: phát xuất từ nhu cầu tự nguyện dạy và học, sự tự thương lượng giữa giáo viên và phụ huynh và tính tự quản của giáo viên.

Nhìn lại bức tranh dạy và học thêm

Cũng phải nhìn nhận lại rằng, cách tổ chức các lớp dạy thêm học thêm trước đây đã mang lại ít nhiều tiện lợi cho phụ huynh trong xã hội công nghiệp ở đô thị. Chẳng hạn, khi việc đưa đón con không đảm bảo giờ giấc (do không thu xếp được công việc) thì nhiều phụ huynh ở thành phố đã lựa chọn gửi con cho cô giáo chở thẳng tới lớp học thêm sau giờ học chính khóa để giúp trẻ làm bài tập, thậm chí, cô giáo sẽ lo cả bếp núc, bữa ăn cho học sinh trước khi phụ huynh tới đón con. Trong trường hợp này, lớp học thêm đã trở thành một dạng “nhà giữ trẻ theo giờ”. Giáo viên có thêm thu nhập ngoài giờ, phụ huynh có thêm giờ làm việc, hai bên tự trao đổi thỏa thuận với nhau trên cơ sở cùng có lợi.

Lớp học thêm trong nhiều trường hợp vẫn là nơi mà các học sinh thứ hạng yếu, kém và mất căn bản có thể tìm thấy hy vọng cải thiện học lực của mình. Nhưng khi áp lực về chuyện điểm số gia tăng, khi chương trình giáo khoa nặng nề tới mức các giờ học trên lớp không sao tải hết, khi cuộc đua đầu tư vào học hành cho con cái trở nên khốc liệt... thì các lớp học thêm dần dần không còn là nơi để các học sinh có học lực yếu có hy vọng thăng hạng, mà là chốn để các học sinh vốn đã rất giỏi trở thành xuất sắc, các học sinh xuất sắc trở thành sản phẩm hoàn hảo xuất chúng, nhận được những điểm cộng trong cuộc đua xét học bạ vào các trường danh giá về sau.

Việc này kéo theo việc kia, và hướng đến lớp học thêm sau giờ học chính khóa là cách giải quyết hữu hiệu, phụ huynh yên tâm vì giáo viên hiểu rõ nhất rằng mình cần mang liều thuốc thần kỳ nào cho học sinh. Bí kíp từ các lớp học thêm dần dần trở thành thứ phải mua mới có được, thậm chí nó là bí kíp chính mà ở lớp học chính khóa giáo viên không tiết lộ hoặc tiết lộ một cách úp mở để duy trì ý nghĩa của các lớp học ngoài giờ có đóng phí. Lớp học thêm trở thành nơi “giải quyết vấn đề” cho các kiến thức được trình bày dở dang trên lớp chính khóa.

Đa số các giáo viên dạy thêm xem thu nhập chính của họ là từ các lớp dạy ở nhà chứ không phải thu nhập từ đồng lương sư phạm ở trường. Tư cách đứng lớp chính thức trở thành một bảo chứng, cách hợp thức hóa để mở các lớp học ngoài giờ với thu nhập cao gấp nhiều lần lương giáo viên.

Từ đó, nhà nhà dạy thêm, người người học thêm. Thậm chí, học chính ở nhà trường còn ít quan trọng hơn học thêm.

Quy định thì tôn nghiêm, nhưng...

Nhìn xa hơn, từ vài chục năm trước, khi nền giáo dục còn chưa quá nặng nề về thi cử, thành tích và áp lực điểm số, thì ngay cả học sinh có học lực yếu và phải thi đi thi lại mới lên được lớp, học thêm vẫn là một khái niệm xa vời.

Thời đó, học sinh sau giờ học ở trường còn phải làm việc nhà, lao động phụ giúp cha mẹ. Ngoài giờ dạy ở trường, về phần mình, giáo viên cũng phải đi làm thêm bao việc khác nếu muốn “cải thiện” thu nhập. Việc dạy thêm học thêm, nếu có, thì hầu hết là được tổ chức ngay trong nhà trường, gọi là dạy phụ đạo dành cho học sinh cuối cấp cần ôn tập để đảm bảo thi cử chuyển cấp hay tú tài có kết quả tốt và dạy bồi dưỡng cho học sinh đi thi các kỳ thi học sinh giỏi. Thi thoảng có các lớp bổ túc kiến thức cho học sinh có học lực kém để vượt qua các kỳ thi quan trọng hay phải thi lại. Và giáo viên làm với một trách nhiệm tự nguyện, không thu học phí. Việc dạy, học phụ đạo hay bồi dưỡng cũng theo chương trình nhà trường đưa ra, khá ngắn gọn, miễn phí.

Chuyện trò trọng thầy một phần là ở điểm này, dù cũng phải thừa nhận rằng, nghề giáo thời bấy giờ thiếu thốn và nhiều trường hợp đời sống giáo viên khá là “khổ hạnh”. Sự tôn nghiêm trong môi trường sư phạm có được một phần là ở việc học trò không thấy và không tham gia trực tiếp vào các giao dịch, mà ở đó khả năng thăng tiến thứ hạng, thành tích trong học hành lệ thuộc phần lớn vào sự thỏa thuận học riêng với thầy cô phía sau bục giảng.

Chúng ta nên có niềm tin mãnh liệt rằng: chẳng có học sinh thời nào muốn tới lớp học thêm đâu, nếu không chịu những áp lực nào đó. Nhưng cũng thừa nhận, trong bất kỳ một môi trường giáo dục nào, bao giờ cũng có những học sinh cần đến sự kèm cặp để vá lỗ hổng kiến thức, để gia tăng sự tự tin trong học hành và cũng có những nhóm học sinh tuyển chọn cần sự bồi dưỡng nâng cao cho các kỳ thi tinh hoa.

Cho nên, Thông tư 29 đưa việc dạy thêm học thêm về cho nhà trường tổ chức, quản lý, tránh việc giáo viên trực tiếp đứng lớp tổ chức dạy thêm ở nhà có thể xem là một bước tiến để thầy và trò cùng tập trung vào giờ học chính khóa và tránh sự phân biệt trong việc truyền thụ kiến thức; quy định đối tượng nào cần được hỗ trợ thông qua hình thức dạy thêm học thêm.

Một mặt tích cực nữa, thông tư này không cấm dạy thêm, nhưng việc tổ chức dạy thêm phải theo điều kiện thực tế của địa phương; ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp hạn chế trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Tuy nhiên, có một sự rối sau ngày 14-2-2025 - ngày thông tư 29 bắt đầu có hiệu lực - đó là ở điểm quy định người dạy thêm phải đăng ký kinh doanh (khoản 3 điều 4 của Thông tư 29 quy định: giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường).

Có thể hình dung: một giáo viên không muốn buông lớp dạy thêm thì có thể để người nhà mở hộ kinh doanh (ngành “dạy thêm”) rồi vẫn có thể đứng lớp, hoặc anh ta có thể đầu quân vào một trung tâm giáo dục (có giấy phép kinh doanh ngành nghề dạy thêm) để tiếp tục mở lớp, duy trì thu nhập như bấy lâu.

Vấn đề sẽ vẫn trở về như cũ nếu áp lực thành tích vẫn còn, cuộc đua điểm số lẫn sức ép các kỳ thi vẫn khiến đa số phụ huynh bất an với việc học của con cái.

Từ chỗ đứng của giáo viên, Thông tư 29 quản lý vấn đề dạy thêm ra đời sau Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc tăng lương cải thiện đời sống giáo viên nửa năm trời (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024). Những ý hướng và thiện chí chính đáng đó liệu có giải quyết được “thực tế sinh động” bất cập đã ăn sâu vào đời sống giáo dục bấy lâu, và liệu nó có giải quyết vấn đề nhận thức, điều chỉnh hành vi của giáo viên một khi giáo viên đó vẫn xem dạy thêm như một cơ hội “làm ăn”?! Rõ ràng ở đây là những cách lách qua thông tư, hay nói ngược lại, quy định chỉ làm gia tăng thủ tục cho một thứ “lệ làng” đã đến hồi thâm căn.

“Sự tôn nghiêm của giáo dục” là những gì có thể nhìn thấy từ ý nghĩa của Thông tư 29 theo bình luận của ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM (Thanh Niên Online, 13-2-2024). Trên lý thuyết, thì đúng là vậy, nhưng cũng lại là từ “thực tiễn sinh động”, sự “hỗn độn” của dạy thêm học thêm có được giải quyết triệt để khi những vấn đề gốc rễ thì vẫn còn?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới